CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhà đầu tư: Dù Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện phát triển kinh tế đêm, tuy nhiên việc phát triển hiện nay vẫn còn còn manh mún, thiếu các sản phẩm, dịch vụ, chưa có chiến lược bài bản do vướng nhiều nghi ngại về vấn đề quản lý, thu hút nhà đầu tư, an ninh trật tự…
Tìm sản phẩm, dịch vụ phục vụ kinh tế đêm
Sản phẩm du lịch đêm không phải là một bộ phận tách rời của hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam và càng không thể tách rời nền kinh tế. Việc phát triển sản phẩm du lịch ban đêm sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch.
Dù Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện phát triển kinh tế đêm, tuy nhiên vẫn chưa có những sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng, hấp dẫn để níu chân du khách. Các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu và đặc biệt còn mang tính “chộp giật”. Kinh tế đêm cũng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị, trung tâm du lịch lớn.
Tại hội thảo nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động kinh tế về ban đêm cần phải làm cho khách du lịch ở lại lâu hơn, tham gia nhiều hoạt động hơn nữa và chi tiêu nhiều hơn. Do đó, các địa phương cần bắt tay vào giải bài toán phát triển kinh tế đêm làm sao để thực hiện đúng mục tiêu kinh tế và các vấn đề an ninh xã hội, trật tự liên quan khác cũng phải thật hài hòa.
Theo ông Siêu, tại đề án phát triển kinh tế đêm Thủ tướng đã xác định ra 10 địa phương để thực hiện. Tuy nhiên việc triển khai các dịch vụ như thế nào cho hợp lý chính là vấn đề cần bàn tới. Bởi, có nhiều dịch vụ triển khai vào ban ngày rất tốt, nhưng ban đêm cũng không thiếu các dịch vụ hấp dẫn.
“Vậy làm sao những dịch vụ ban đêm tận dụng được những yếu tố về đêm, đặc biệt là tận dụng được khoảng thời gian nghỉ của con người để tham gia, trải nghiệm thì mới có thể xem là đạt kết quả tích cực. Sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới chính là cánh cửa để mở ra những cơ chế mới cho sản phẩm đêm, từ đó kích cầu du lịch tại các địa phương”, ông Siêu nói.
Phát triển sản phẩm du lịch ban đêm sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Ảnh: Sungroup.
Muốn phát triển kinh tế ban đêm, các địa phương phải có cách làm đa dạng về dịch vụ và sản phẩm, đặc biệt là tạo điểm nhấn theo đặc trưng đia phương. Ông Nguyễn Quý Dương, Vụ trưởng Vụ lữ hành nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại việc phát triển kinh tế đêm sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho ngành du lịch, dịch vụ cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, tầng lớp có thu nhập cao tạo ra sự đòi hỏi những sản phẩm có chất lượng cao hơn, nhiều thời gian trải nghiệm hơn.
“Chúng ta đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các địa phương có thế mạnh về du lịch luôn được chọn là điểm đến hàng đầu của khu vực. Do đó, xu thế phát triển của du lịch Việt Nam trong tương lai cần định hướng sản phẩm có chọn lọc, phù hợp với từng địa phương để góp phần đưa kinh tế đêm đi lên”, ông Nguyễn Quý Dương nói.
Ông Nguyễn Quý Dương, Vụ trưởng Vũ lữ hành cho rằng hiện tại các địa phương được chọn thí điểm phát triển kinh tế đêm có rất nhiều tài nguyên du lịch về tự nhiên, văn hóa. Và với tình hình du khách tăng nhanh như những năm trước (nếu không có dịch COVID-19 ước tính năm 2020 Việt Nam có thể đạt 20 triệu lượt tham quan của khách quốc tế) đòi hỏi các địa phương cần có nhiều hơn nữa sự lựa chọn sản phẩm du lịch.
Trong đó, trong bối cảnh dịch bệnh Việt Nam vẫn là điểm sáng về an toàn du lịch. Đồng thời, hạ tầng du lịch cũng đang được đầu tư rất tốt, tại Đà Nẵng, Nha Trang sở hữu hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt 4-5 sao. Do đó, sứ mệnh là ngành kinh tế mũi nhọn của du lịch chính là động lực để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ phát triển.
“Tuy nhiên, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đêm chỉ tập trung ở các đô thị lớn, về cơ bản mô hình mới thể hiện hầu hết ở chợ đêm, phố đi bộ, phố Tây... về cơ bản vẫn chưa được hiện hình cụ thể, các địa phương vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Dịch vụ đêm cũng chưa thực sự đa dạng mà chỉ tồn tại theo dạng chợ, siêu thị. Do đó, việc phát triển kinh tế đêm chính là cơ hội để các địa phương phát triển kinh tế, tăng giá trị thặng dư, đảm bảo an ninh trật tự...”, Vụ trưởng Vụ lữ hành nói thêm.
Cần có cơ chế, chính sách riêng
Đề án Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm hướng tới hai mục tiêu chính là thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Dịch bệnh COVID-19 buộc Việt Nam phải tiếp cận và chuyển sang cấu trúc phát triển khác, trong đó, bổ sung kinh tế ban đêm là một động lực mới cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện nay, phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn là bởi nhiều vướng mắc về chính sách. Nhiều địa phương từng lo ngại, phát triển hoạt động kinh tế về đêm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, UBND thành phố ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2025 kèm theo đó là các kế hoạch cụ thể như: thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm – Danang By Night, thí điểm các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại bãi biển Mỹ An. Việc phát triển du lịch về đêm mang lại nhiều lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế - xã hội của thành phố, nhưng cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết để có thể khai thác, phát triển một cách hiệu quả.
“Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp kéo theo khăn về nguồn vốn đầu tư, tâm lý của du khách. Cùng với đó, những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường cần được quan tâm, giải quyết một cách hài hòa. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có mô hình phát triển, quản lý cụ thể để có thể áp dụng, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả phát triển kinh tế đêm”, ông Vương cho biết.
Tương tự, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, qua 4 năm triển khai, phố đi bộ Bùi Viện trở thành một trong những sản phẩm du lịch đêm được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Vào các buổi tối cuối tuần, phố đi bộ Bùi Viện có hơn 2 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm và sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch tại đây.
“Tuy nhiên, khi lượng khách kéo về quá đông lại phát sinh ra vấn đề gây tắc nghẽn giao thông đã đặt ra vấn đề làm sao để dung hòa lợi ích giữa người dân và các bên liên quan về không gian, thời gian và áp lực đảm bảo an ninh trật tự, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho hay.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ nhìn nhận thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, hoạt động karaoke diễn ra đến 12h đêm và vũ trường hoạt động đến 2h sáng, nếu đặt trong các khu dân cư sẽ gây ra những xung đột. Vì vậy, trong định hướng về UBND các địa phương cần đưa kinh tế đêm vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các khu dân cư mới. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư không phải đi đường vòng khi quyết định đầu tư vào hoạt động kinh tế đêm.
“Về thời gian, giới hạn lượng khách, chúng ta nên để các địa phương tự xây dựng mô hình thí điểm của riêng mình vì thị trường và khách hàng mới là người sử dụng dịch vụ”, ông Khánh đề xuất
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận đề án đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, có những khó khăn, thách thức và xung đột về lợi ích nhưng cũng rất nhiều cơ hội để phát triển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là những đơn vị có ý tưởng trong việc hoạch định chính sách, tạo sản phẩm, xác định thị trường khách du lịch đêm. Những khuyến nghị mang tính chất giải pháp của doanh nghiệp, chính quyền các địa phương sẽ được Tổng cục ghi nhận để hoàn thiện đề án.
NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ