CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cấp bách tái cấu trúc ngành lúa gạo - Bài 1: Thoát hiểm trong gang tấc

Invest Global 07:27 26/08/2021

Nhàđầutư: Nông dân trồng lúa ở vựa lúa lớn nhất nước - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa trải qua một phen “hú vía” khi mà hàng triệu tấn lúa thu hoạch xong phải nằm đồng chờ thương lái. Mấy ngày qua, dù đã được thương lái thu mua nhưng việc thu hồi vốn xem ra cũng rất khó khăn. 

Quân khu 9 đã đưa bộ đội về các địa phương hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Quang Đức

Bộ đội “xung trận” giải cứu lúa

Mấy ngày qua, với sự nỗ lực của các địa phương trong liên kết tháo gỡ ách tắc, ghe của thương lái đã đến các địa phương để thu mua lúa nhiều hơn. Dù giá bán không như kỳ vọng nhưng bà con nông dân vẫn hy vọng “gỡ vốn” trong vụ lúa đầy khó khăn này.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, từ nay đến hết tháng 9/2021, địa phương còn khoảng 184.000ha, với sản lượng hơn 1 triệu tấn lúa cần thu hoạch. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều mặt hàng nông sản thủy sản khác đến kỳ thu hoạch nhưng do tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, sản xuất và tiêu thụ của nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là việc di chuyển người, thiết bị thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản.

Đại diện các địa phương Hậu Giang, An Giang cho rằng trong lúc khó khăn do dịch bệnh COVID-19, người nông dân trồng lúa, chăn nuôi chỉ cầu mong thu hồi được đồng vốn thì các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật liên tục báo lãi khủng là một điều rất bất cập mà cơ quan quản lý cần chấn chỉnh để làm sao hài hòa lợi ích, cùng chia sẻ rủi ro cho các “mắt xích” tham gia chuỗi sản xuất.


Chiều 19/8, tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang), Đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và UBND tỉnh Kiên Giang đã ký kết phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển lúa, thủy sản. Trước đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cũng đã phân công lực lượng đến các các địa phương như An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu đễ hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản từ nơi vùng sâu ra nơi tập kết để tiêu thụ.

Sau thời gian tạm ngưng mua lúa, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) cũng đã lên kế hoạch thu mua trở lại. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HĐTV Vinafood 1 cho biết, để doanh nghiệp có thể thu mua lúa với số lượng lớn thì các địa phương phải giúp cho các nhà máy chế biến của doanh nghiệp được hoạt động trở lại. Cùng đó, Hải quan và cảng xuất khẩu phải có giải pháp giúp 50.000 tấn gạo đang tắc tại cảng và 80.000 tấn gạo dự kiến xuất khẩu trong tháng 8 được xuất khẩu thì doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh thu mua nguyên liệu.

Sóc Trăng là địa phương có diện tích xuống giống lúa hè thu muộn hơn nhiều địa phương trong khu vực, nông dân ở đây rất lo lắng vì nhìn sang tỉnh bạn thấy điều kiện thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ lúa gạo đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, vụ lúa Hè thu địa phương gieo trồng được trên 140.000 ha, đến ngày 20/8, bà con đã thu hoạch gần 15.000ha, sản lượng hơn 83.000 tấn, đã được các thương lái, nhà máy trong và ngoài tỉnh thu mua hết là điều đáng mừng.

“Địa phương hiện còn hơn 100.000 ha lúa Hè thu sẽ thu hoạch rộ trong thời gian tới với sản lượng hàng triệu tấn nên cũng rất băn khoăn đầu ra vì số doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại địa phương rất ít trong khi việc đi lại của thương lái các nơi khác đến địa phương cũng rất hạn chế do địa phương vẫn đang giãn cách xã hội”, ông Nhã lo lắng nói.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - địa phương có diện tích trồng lúa lớn thứ nhì của vùng cho biết, lượng thương lái của doanh nghiệp đến thu mua lúa vẫn chưa nhiều mặc dù UBND tỉnh An Giang đã gửi nhiều văn bản đến doanh nghiệp, do vậy mà sau khi giá lúa tăng lên được từ 200-500 đồng/kg hồi tuần trước thì đầu tuần này đã chững lại và giảm về mức giá cũ.

Để tháo gở ách tắt đầu ra cho nông sản, Bộ GTVT cũng đã có ý kiến đề nghị các địa phương mở luồng xanh đường thủy cho vận chuyển nông sản liên vùng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó giám đốc Sở NNN&PTNT TP. Cần Thơ, hiện nay việc phối hợp giữ các địa phương chưa tốt nên vẫn còn xảy ra tình trạng “ngăn sông” ở nhiều nơi, bên cạnh đó ông Nhơn cũng đề xuất cần ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng thu mua nông sản vì sau vụ Hè thu là đến vụ Thu đông cũng nối đuôi thu hoạch.

Mới đây, ngày 21/8, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành công văn về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo đảm hoạt động vận chuyển lưu thông, phân phối hàng hóa trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 23/8, địa phương yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước. Nếu không đăng ký trước thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ không cho phương tiện vào địa bàn.

Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, trên địa bàn tỉnh chỉ có 40 máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, địa phương đang rất thiếu máy gặt nhưng hiện nay do thực hiện giãn cách xã hội nên gần như không có phương tiện từ nơi khác đến, việc thu hoạch lúa của bà con hết sức khó khăn.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An, Tiền Giang đều cho biết, địa phương có hệ thống nhà máy xay xát quy mô nhỏ không đáp ứng đủ yêu cầu thu mua, sấy, chế biến, bảo quản sản lượng lúa Hè thu trong tỉnh.

Tại cuộc họp Tổ công tác đặc biệt 970-Bộ NN&PTNT vào ngày 20/8, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: Văn bản số 5886 ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế và Văn bản 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã khẳng định việc một số địa phương không chấp nhận kết quả test nhanh mà phải xét nghiệm PCR là vượt thẩm quyền. Ngoài ra có địa phương chỉ công nhận kết quả xét nghiệm chỉ trong 24 giờ hay 48 giờ trong khi quy định thống nhất là không quá 72 giờ cũng đã gây khó khăn cho phương tiện vận chuyển.

Về phía doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp cho biết mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương bơm thêm tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa nhưng việc tiếp cận gói tín dụng này rất khó khăn, có doanh nghiệp phản ánh đã đến 3 ngân hàng mà vẫn chưa vay được đồng vốn nào.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng tổ công tác 970, các tỉnh ĐBSCL còn trên 600.000ha lúa Hè thu phải thu hoạch từ nay đến giữa tháng 9. Công tác thu hoạch lúa, không thể nào để chậm trễ được vì đang mùa mưa lúa dễ đỗ ngã, hạt lúa sẽ nảy mầm trên bông, hư hỏng, nên vấn đề vận chuyển lưu thông và đưa nhân công, máy móc thu hoạch, phơi sấy, chế biến, bảo quản là rất quan trọng, các địa phương cần khẩn trương đưa ra giải pháp chứ không thể chần chờ được nữa.

Trong khi giá lúa giảm mạnh thì giá phân bón lại tăng cao. Ảnh: An Hòa

Lo lắng cho vụ mùa kế tiếp

Trong điều kiện sản xuất, thu hoạch khó khăn, giá lúa sụt giảm mạnh thì trái lại giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng đột biến đã khiến cho người nông dân “tiến thoái lưỡng nan” trước vụ sản xuất mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, chi phí phân bón chiếm đến 25% giá thành sản xuất nhưng từ đầu năm đến nay giá phân bón đã tăng trên 70%. Cụ thể, giá phân đạm Cà Mau đã tăng từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg, tương ứng mức tăng 72%; DAP Đình Vũ tăng 67,3%; phân NPK Bình Điền loại 16-16-8+13S tăng 24,3%; phân SA bột nhập khẩu Trung Quốc tăng 60,6%; phân DAP nhập khẩu Trung Quốc tăng 50%; phân Kali nhập từ Israel tăng gần 73%.

Cũng theo ông Nam, không riêng gì vật tư ngành trồng trọt mà vật tư ngành chăn nuôi cũng tăng “phi mã”, như vậy có phải tất cả do nguyên nhân ách tắt trong khâu vận chuyển lưu thông hay có yếu tố đầu cơ tích trữ lợi dụng dịch bệnh để tăng giá? Trên cơ sở nhận định đó, Thứ trưởng Nam đã gửi công văn yêu cầu ngành Công Thương phối hợp để xác định rỏ tác nhân tăng giá đột biến vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với năng suất bình quân 5,67 tấn thì với diện tích 1,5 triệu ha lúa Hè thu 2021, toàn vùng sẽ thu hoạch được trên 8,5 triệu tấn lúa. Theo Bộ Tài chính giá thành sản xuất 1 tấn lúa Hè thu 2021 đã tăng thêm 143.000 đồng, trong khi giá bán thấp hơn từ 300.000-500.000 đồng/tấn so với vụ Hè thu trước. Như vậy, chỉ riêng giá thành sản xuất tăng, nông dân đã phải đầu tư thêm trên 1.200 tỷ đồng cộng với bán giá thấp hơn vụ Hè thu trước, vụ lúa này nông dân ĐBSCL đã mất trắng trên 5.000 tỷ đồng.

Đại diện các địa phương Hậu Giang, An Giang cho rằng trong lúc khó khăn do dịch bệnh COVID-19, người nông dân trồng lúa, chăn nuôi chỉ cầu mong thu hồi được đồng vốn thì các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật liên tục báo lãi khủng là một điều rất bất cập mà cơ quan quản lý cần chấn chỉnh để làm sao hài hòa lợi ích, cùng chia sẻ rủi ro cho các “mắt xích” tham gia chuỗi sản xuất.

(Còn nữa)

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan