CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, sau 4 ngày mở lại việc xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc, tại cửa khẩu Kim Thành vẫn còn tồn gần 1.000 xe thanh long, xoài, mít… Vì vậy, tỉnh này phải tạm dừng nhận xe chở trái cây tươi để tránh tình trạng ùn ứ kéo dài, gây hư hỏng, thiệt hại nhiều về mặt kinh tế đối với các doanh nghiệp, chủ hàng xuất khẩu các sản phẩm nông sản, trái cây tươi qua Trung Quốc.
Ảnh minh họaTừ thực tế này, nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng ùn ứ hàng hóa tại một số cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc vẫn sẽ thường xuyên xảy ra, nhất là trong bối cảnh nước này thực thi chính sách “zero Covid” nên hoạt động xuất nhập khẩu được kiểm soát rất nghiêm ngặt khiến cho nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất sang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều mặt hàng nông, thủy hải sản, rau củ quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi là sản phẩm tươi nên thời gian bảo quản không được lâu dài, dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng, thối rữa phải đổ bỏ khi các xe vận chuyển bị ách tắc kéo dài tại cửa khẩu, gây thiệt hại đáng kể cho các chủ hàng.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2021 thu về 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, chiếm 54,5% thị phần. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt. Vì vậy, trên thực tế, trái cây, rau quả của nước ta xuất sang Trung Quốc phần lớn vẫn được mua bán bằng con đường tiểu ngạch.
Vừa qua, tại diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả", ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường tiêu thụ chính rau củ quả của Việt Nam phải chịu tác động rất lớn, nhất là một số loại trái cây như thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những mặt hàng chịu áp lực đầu ra, đang cần được hỗ trợ tiêu thụ. Đơn cử, một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai là thanh long, từ nay đến Tết dự kiến có hơn 3.000 tấn cần tiêu thụ, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Không riêng gì Gia Lai, trái thanh long của Việt Nam được trồng tại trên 30 tỉnh, thành nhưng tập trung hơn 90% sản lượng tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Chỉ tính riêng trong quý I/2022, ước tính sẽ có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
“Muốn giải quyết bài toán này, trước tiên các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị để có thể giải cứu sản phẩm trước mắt. Song về lâu dài, để giải quyết đầu ra một cách bền vững cho sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một thị trường chính, những địa phương có sản lượng lớn nên quan tâm xây dựng các cụm chế biến sâu cho nông sản. Như vậy, mới có thể đi đường dài”, ông Tùng cho biết thêm.
Cùng chung quan điểm đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để tiêu thụ rau, quả một cách căn cơ, cùng với việc chủ động đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đồng hành với người nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững, bởi đầu tư sâu vào khâu chế biến sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm rau quả nâng cao cả về sản lượng và giá cả.
Việc chú trọng nhiều trong xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm vào các nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp cho nông sản Việt Nam mở rộng được thị trường tiêu thụ. Hiện tại, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức trung bình khá, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn quá chú trọng vào việc xuất khẩu rau củ quả tươi vì không đòi hỏi nhiều về vốn đầu tư, thời gian, công nghệ. Thống kê của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, trong các năm 2020 - 2021, lượng nông sản xuất khẩu qua chế biến mới là 30%. Các nhà máy sơ chế, chế biến hiện mới chỉ đang hoạt động ở mức 60% công suất.
Bàn về vấn đề này, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit (Công ty Vinamit), để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu rau quả, các doanh nghiệp cần hướng tới xây dựng hệ thống chế biến sâu, khó nhất là kết nối thị trường trong và ngoài nước. Do đó, cần xây dựng lại vùng trồng, để có thể kiểm soát tốt hơn, từ khâu số lượng, chất lượng cho đến thị trường tiêu thụ. Việc nâng cao năng lực sơ chế, chế biến sâu sẽ giúp gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, tạo đà cho xuất khẩu chính ngạch. Như vậy, xuất khẩu trái cây Việt mới trở thành sản phẩm chủ lực, đóng góp cao cho nền kinh tế nước nhà.