CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Chuyển đổi số đang tác động sâu rộng vào đời sống xã hội của người nông dân, làm thay đổi tư duy quản lý và cách thức quản lý, vận hành ngành nông nghiệp. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển nhận thức thành hành động cụ thể.
Chiều 27/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến "Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn".
Theo Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột gồm: bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong lĩnh vực lâm nghiệp đã xây dựng được hệ thông tin quản lý rừng theo từng lô rừng, mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu khác nhau. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước ban đầu, hành trình sắp tới là cần làm cho hệ thống “sống” và đến được người dùng, hệ thống có tính ứng dụng. Làm sao khi khai thác rừng hay rừng đạt độ che phủ thì sẽ cập nhật kịp thời trên hệ thống.
Lĩnh vực lâm nghiệp đã có tiền đề chuyển đổi số, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục xây dựng phương án gắn với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, tổng cục đang thực hiện thí điểm cấp giấy chứng nhận khai thác điện tử cho các tàu khai thác. Thông qua việc cấp này sẽ tiến tới thông suốt việc quản lý cơ sở dữ liệu từ khai thác đến chế biến và cấp chứng nhận sản phẩm cho xuất khẩu.
Riêng với nuôi trồng thủy sản, việc số hóa dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Ngành thủy sản đang tích cực làm việc với các đơn vị để làm sao số hóa đến được từng hộ nuôi chứ không chỉ đến vùng nuôi, qua đó có được số liệu về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng… phục vụ cho việc quản lý điều hành sản xuất.
Tại hội nghị nhiều đại diện các địa phương còn nhiều băn khoăn, lo lắng về công nghệ, nguồn nhân lực khi thực hiện các công việc trong chuyển đổi số như cần có kiến trúc chuyển đổi số từ cấp xã với sự phân cấp, phân quyền cụ thể; cần chọn vấn đề ưu tiên để làm đồng bộ toàn quốc với các nhiệm vụ ưu tiên theo từng cấp triển khai như tỉnh, huyện, xã...
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số đang tác động sâu rộng vào đời sống xã hội của người nông dân, làm thay đổi tư duy quản lý và cách thức quản lý, vận hành ngành nông nghiệp. Giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển của đất nước.
"Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “xóa bỏ” cách làm cũ..." - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển nhận thức thành hành động cụ thể; trong đó có việc tham mưu xây dựng các chiến lược, kế hoạch, định hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn dài hạn và hàng năm là rất quan trọng.
Hiện các cơ quan chuyên môn của bộ đang tích cực phối hợp với các đối tác, đơn vị chuyên ngành để thí điểm triển khai chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi, trồng trọt một cách cụ thể, khả thi và thiết thực.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, năm 2022, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số ngành NN&PTNT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là cơ sở để toàn ngành triển khai chuyển đổi số, tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã vào quá trình chuyển đổi số./.