CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đầu tư theo ‘game’ tăng vốn: Lợi nhuận đi kèm rủi ro

Invest Global 10:45 21/06/2023

Vừa chào bán 2 lần liên tiếp cho cổ đông hiện hữu, Chứng khoán VNDirect (VND) tiếp tục muốn chào bán thêm cổ phần để trở thành doanh nghiệp chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn.

Cổ phiếu “bứt phá” cùng kế hoạch tăng vốn

Đáng chú ý, sau khi công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên bổ sung tờ trình phát hành 600 triệu cổ phiếu tăng vốn, cổ phiếu VND đã ghi nhận màn trở lại đầy ấn tượng với chuỗi tăng điểm khá tốt cùng mức thanh khoản luôn đứng trong Top 10 trên HoSE. Chốt phiên ngày 20/6, thị giá VND tăng lên mức 19.600 đồng/cp, ghi nhận mức đỉnh mới tính từ đáy thiết lập dưới mệnh giá hồi tháng 11/2022.

-9359-1687255995.jpg

Cổ phiếu VND đã ghi nhận màn trở lại đầy ấn tượng sau thông tin về kế hoạch tăng vốn. 

Đây không phải là lần đầu tiên, cổ phiếu VND có sự đột phá như vậy, mà trước đó, trong 3 năm qua khi thị trường chứng khoán (TTCK) "uptrend", cổ phiếu này đã từng làm mưa làm gió khi phát hành tăng vốn khủng nhưng vẫn tạo ra nhiều "con sóng".

Cụ thể, trong giai đoạn đáy năm 2020 tới đỉnh năm 2022, thị giá VND tăng tới 14,4 lần, từ 2.500 đồng/cp (giá sau điều chỉnh) lên 36.000 đồng/cp.

Cùng với đó, mức vốn điều lệ của VNDirect cũng tăng mạnh từ 2.204 tỷ đồng đầu năm 2020 lên 12.178 tỷ đồng như hiện nay, tương đương mức tăng lên tới 5,5 lần.

Quá trình tăng vốn gần 10.000 tỷ đồng, tương ứng biên độ 550% của VNDirect được tiến hành rất nhanh chóng và liên tục chỉ trong chưa tới một năm, đi kèm với đó là các "sóng" tăng thị giá cổ phiếu dồn dập. Nếu tính từ thời điểm công bố kế hoạch tăng vốn tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, thị giá VND đã chứng kiến biên độ tăng lên tới 5 lần, cho tới cuối tháng 12/2021.

Sau nhịp điều chỉnh vào tháng 1/2022, thị giá VND đã tiếp tục được "kéo" lên và đạt đỉnh mọi thời đại 36.200 đồng/cp phiên 7/4/2022 (giá điều chỉnh), cùng thời điểm hạn cuối nộp tiền mua phát hành thêm (4/4/2022).

Trong khoảng thời gian này, số lượng cổ đông của VNDirect cũng tăng đột biến gấp hơn 5 lần, từ 5.186 cổ đông ngày 31/3/2020 lên mức 26.695 cổ đông vào ngày 14/4/2022, với 99,4% là nhà đầu tư cá nhân.

Trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng ghi nhận diễn biến tích cực sau thông tin ngân hàng này chuẩn bị trả cổ tức tỷ lệ hơn 18%, tăng vốn lên trên 55.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, Vietcombank sẽ bán khoảng 5% cổ phần thông qua phát hành riêng lẻ và huy động ít nhất 600 triệu USD vốn mới.

Đáng chú ý, trong phiên tỷ USD (8/6), thị giá VCB đã chính thức trở lại ngưỡng 100.000 đồng/cp. Vốn hóa ngân hàng này cũng lên gần 20 tỷ USD. Đóng cửa phiên 20/6, thị giá VCB giảm nhẹ về mức 99.900 đồng/cp.

Một nhóm cổ phiếu đang gây chú ý trên TTCK trong thời gian gần đây là “họ Apec” với API (Apec Investment), APS (Chứng khoán Apec) và IDJ (IDJ Investment). Cả 3 cổ phiếu này đều đã tăng khá mạnh từ cuối tháng 3. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng, thị giá API và IDJ đều đã tăng hơn 68% trong khi APS cũng tăng 53%.

Một điểm chung là trong năm nay, cả 3 doanh nghiệp “họ Apec” đều có kế hoạch tăng vốn mạnh thông qua chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu, trả cổ tức bằng cổ phiếu và ESOP,…

Tăng nhanh, dễ... giảm sốc

Tuy nhiên, trong phiên 19/6 vừa qua, bộ 3 cổ phiếu “họ Apec” lại đột ngột giảm sàn một cách khó hiểu. Trong đó, bộ đôi API và IDJ sớm "lau sàn" từ sáng, cùng xuống mức 12.900 đồng/cp, đồng thời dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị. Còn APS vẫn có cầu mua tốt, nhưng cũng đã giảm kịch biên độ khi vừa bước vào phiên chiều, xuống còn 13.700 đồng/cp.

Trước đó, chia sẻ tại ĐHCĐ 2023, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch Apec Group cho biết, khoản đầu tư của Chứng khoán Apec vào API và IDJ đã tạm lãi 260 tỷ đồng. Nếu tiếp tục nắm giữ cho đến cuối năm, mức lãi có thể lên tới 400-500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, lãnh đạo doanh nghiệp “khen hết lời” bộ 3 cổ phiếu này.

Còn nhớ, năm 2021, APS, API và IDJ đã “làm mưa làm gió” trên TTCK với chuỗi tăng phi mã được tính bằng lần. Đây cũng là năm các doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục, trong đó nổi bật nhất là Chứng khoán Apec với khoản lãi sau thuế 560 tỷ đồng.

Thời cổ phiếu còn trên đỉnh, ban lãnh đạo Chứng khoán Apec làm xôn xao mạng xã hội với màn hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi” tại phiên họp ĐHCĐ bất thường diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021.

Theo ban lãnh đạo công ty, đây là khẩu hiệu đặc biệt nhằm thể hiện niềm tin và quyết tâm gắn bó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, cổ phiếu APS và các cổ phiếu “họ Apec” rơi sâu. Không ít cổ đông nghe lời "gồng lãi" đã phải trả giá.

Trong khi đó, sau khi đạt đỉnh mọi thời đại 36.200 đồng/cp, thị giá VND đã sụt rất mạnh theo đà giảm của VN-Index và kéo dài đến tận tháng 11/2022 để thiết lập đáy 9.720 đồng/cp. Từ đó đến nay, VND đang lầm lũi đi lên và có pha đột biến vào ngày 6/6 lên 19.300 đồng/cp (gần gấp đôi mức đáy) với khối lượng hấp thụ lên tới hơn 52 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch vọt gần gấp đôi ngày thường lên gần 1.000 tỷ đồng sau thông tin tăng vốn.

Nhìn lại giai đoạn vừa qua của TTCK có thể thấy, rất nhiều cổ phiếu lâu nay ì ạch ở dưới xa mệnh giá vì hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật bỗng chốc được các nhà đầu tư đua nhau “ôm” vào khi có thông tin tăng vốn.

Logic đầu tư những cổ phiếu này là để kế hoạch phát hành thành công, chắc chắn giá cổ phiếu phải được “đánh” lên trên mệnh giá. Và thực tế, diễn biến giá của nhiều cổ phiếu đúng như “kịch bản” này.

Để tăng vốn thành công, các doanh nghiệp thường sẽ công bố thông tin tích cực về kết quả kinh doanh, hoặc triển vọng của các dự án mới. Nhà đầu tư dựa trên những “thông tin tốt” này để mua vào.

Doanh nghiệp cũng có thể liên kết với một số cá nhân, môi giới để triển khai các hoạt động truyền thông hoặc thậm chí các hoạt động tổ chức hội nghị các nhà phân tích chứng khoán để thông báo về các kế hoạch, dự án, kết quả kinh doanh, chưa kể các hoạt động "tạo thanh khoản" gián tiếp.

Nhà đầu tư sẽ tin hơn nếu cổ phiếu doanh nghiệp có tín hiệu tốt, thanh khoản đột biến hoặc tăng giá mạnh. Đây là những "chiêu" mà doanh nghiệp có thể sử dụng để "đẩy" giá cổ phiếu.

Do đó, khi đầu tư vào các cổ phiếu có “game” tăng vốn, nhà đầu tư cần phải “tỉnh táo” để ra quyết định đúng đắn.

Thực tế, đối với các cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, đương nhiên cơ bản doanh nghiệp có những vấn đề nhất định. Tất nhiên, vẫn có những ví dụ về việc tái cơ cấu thành công và mang lại giá trị gia tăng cho cổ đông, nhưng cũng có nhiều trường hợp ngược lại.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần quan tâm đến thực chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận của mảng kinh doanh lõi và các dự án của doanh nghiệp ra sao. Cụ thể, cần bóc tách các tài sản của doanh nghiệp, kiểm tra dòng tiền cũng như phải đảm bảo việc mua cổ phiếu là thị giá phải thấp hơn giá trị thực tế khá nhiều. Nếu không kiểm tra kỹ triển vọng hoặc giá trị sổ sách của doanh nghiệp thì việc mua vào sẽ có rủi ro lớn.

Hải Giang

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan