CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả đã nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng trong dài hạn.
Ảnh minh hoạ: Internet
Phát biểu tại toạ đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư” do VnEconomy tổ chức, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Tập đoàn Đèo Cả đang cần tới 60.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án giao thông. Vì vậy, nhu cầu vốn trung dài hạn hiện nay là rất lớn.
"Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, khẩu vị rủi ro của các ngân hàng với lĩnh vực BOT ngày càng thắt chặt, Đèo Cả buộc phải xây dựng chiến lược dài hạn để tái cơ cấu nguồn vốn và kênh TPDN sẽ dần sẽ thay thế kênh vốn ngân hàng", ông Thế nói.
Tuy nhiên, trong quá trình phát hành TPDN có một vài vướng mắc về mặt chính sách và thực tiễn áp dụng. Theo đó, Phó Chủ tịch Đèo cả để xuất, Chính phủ nên xem xét sửa đổi Nghị định 28 ban hành ngày 26/3/2021 với yêu cầu doanh nghiệp PPP chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ và không chuyển đổi khiến bó hẹp đối tượng nhà đầu tư mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Theo đó, doanh nghiệp PPP cũng nên được phát hành TPDN ra công chúng và quốc tế vì nhu cầu vốn lớn.
Cùng với đó, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị thành lập một Quỹ Đầu tư hạ tầng quốc gia, giống mô hình của nhiều nước trên thế giới, là vốn mồi để thu hút doanh nghiệp tham gia vào dự án cũng như tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi mua TPDN mà doanh nghiệp PPP phát hành.
Ngoài ra, ông Thế cho biết, thời gian sắp tới, Đèo Cả sẽ công chúng hoá thông tin sức khoẻ tập đoàn và công ty con, từ đó xây dựng chiến lược để thu hút đầu tư dài hạn.
Đồng thuận với đề xuất về Quỹ Đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia, TS. Cấn Văn Lực chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong bối cảnh vai trò của ngân hàng đầu tư (VDB) cho vay phát triển cơ sở hạ tầng khá mờ nhạt, luôn tục phải tái cấu trúc thì việc thành lập một Quỹ Đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia là rất cần thiết.
Một số chuyên gia khác cũng tỏ ra đồng thuận với ý kiến trên và cho rằng nên có đề xuất lên Chính phủ về vấn đề này để thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng trong dài hạn
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, ông Lực cho biết, tính đến tháng 6/2021, theo số liệu Bộ Tài chính cung cấp cho ADB, thì quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chiếm khoảng 44,6% GDP, trong đó TPDN khoảng 13,9% GDP (do bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp không niêm yết phát hành). Tuy nhiên, so sánh với thị trường TPDN các nước trong khu vực, thì thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhỏ bé và có rất nhiều dư địa để tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh, tín dụng trong 10 năm tới được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức từ 10-11%/năm.
Đồng thuận với ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho biết, tổng dư nợ thị trường TPDN hiện nay bằng khoảng 12% tổng dư nợ ngân hàng và bằng 30% dư nợ trung, dài hạn.
Tuy nhiên, cũng vì quy mô thị trường TPDN ngày càng lớn, Chủ tịch HĐQT FiinGroup khuyến cáo, các cơ quan quản lý cần nhìn nhận một cách thận trọng với nhóm này dưới tác động của dịch bệnh COVID-19. Về phía ngân hàng đã có giải pháp tái cơ cấu, tái cấu trúc các khoản nợ, giãn hoãn thời gian trả nợ, còn thị trường TPDN chưa được tính tới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng nhìn nhận rằng còn nhiều rủi ro trên thị trường TPDN Việt Nam.
Hiện có nhiều loại trái phiếu trên thị trường không có tài sản đảm bảo, nhà đầu tư rất khó để kiểm soát được tiền đầu tư có được sử dụng đúng mục đích. Cùng với đó, phần lớn nhà đầu tư là cá nhân, năng lực tiếp cận và phân tích thông tin còn hạn chế dẫn tới rủi ro, đặc biệt là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.
Ngay cả việc trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu của nhà phát hành, ông Hiếu cho rằng: Cũng là rất rủi ro vì phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu doanh nghiệp đó trên thị trường chứng khoán. "Khi doanh nghiệp gặp vấn đề về khả năng trả nợ thì giá chứng khoán cũng nhanh chóng sụt giảm, thậm chí không còn giá trị. Lúc đó, tài sản đảm bảo cũng coi như vô nghĩa và người chịu trận vẫn là nhà đầu tư", ông Hiếu nói.
Theo đó, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, ông Hiếu khuyến cáo, cần có những quy định cụ thể về xếp hạng tín nhiệm cho TPDN. Cùng với đó là phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập trong nước.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ