CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp bất động sản ‘ôm tiền’ săn quỹ đất vùng ven: Rủi may, may rủi

Invest Global 14:05 28/06/2021

Nhàđầutư: Những quỹ đất được doanh nghiệp săn thành công đã mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều doanh nghiệp địa ốc sau khi triển khai mở bán. Tuy nhiên, lại có những doanh nghiệp không gặp may mắn ở những quỹ đất đã săn được. Và sao xấu đã chiếu phải ai? 

Năm 2018, sau khi M&A quỹ đất hơn 5.000m2 tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group triển khai xin thủ tục pháp lý và năm 2019 đã xây dựng dự án chung cư mang tên Phú Đông Premier.

Dự án với hơn 600 căn hộ chung cư, giá bán hơn 1,6 tỷ đồng/căn hộ 70m2 cho những người có thu nhập trung bình của TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Cuối năm 2020, dự án được bàn giao nhà cho khách hàng vào ở. Với quỹ đất thâu tóm được này đã tạo ra thương hiệu bất động sản Phú Đông Group trên bản đồ doanh nghiệp bất động sản phía Nam bởi đây là dự án thứ 2 mà doanh nghiệp này triển khai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc kinh doanh Phú Đông Group cho biết, ngay sau khi dự án bàn giao, qua chất lượng sản phẩn Phú Đông Premier khách hàng đã đánh giá rất tốt về dự án và chủ đầu tư. Vào đầu năm 2021, Phú Đông Group tiếp tục triển khai một dự án nhà phố, biệt thự tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bằng hình thức bắt tay chủ đầu tư có quỹ đất để triển khai.


Tập đoàn Novaland cũng là một doanh nghiệp điển hình trong việc thành công sau M&A 3 quỹ đất lớn tại TP. Phan Thiết, Hồ Tràm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cụ thể sau khi thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó khăn, nhiều năm liên tiếp doanh nghiệp này chỉ có duy nhất một dự án chung cư tại Quận 1, TP.HCM được triển khai mở bán. Và khi doanh nghiệp M&A quỹ đất tại 3 tỉnh trên năm 2019 và 2020 thì tại Đại hội cổ đông năm 2021 mới đây, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland cho biết doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 27.000 tỷ đồng trong năm 2021 và doanh thu này sẽ đến từ 3 dự án mà Novaland đã thâu tóm nói trên.

Sự thành công của cuộc thâu toán quỹ đất vùng ven đang giúp doanh nghiệp địa ốc tăng trưởng tốt dù tình hình kinh doanh của các ngành trong cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020 tới nay. Đơn cử như một doanh nghiệp môi giới địa ốc mới thành lập năm 2014, khi doanh thu chủ yếu nằm ở mảng môi giới là Asian Holding, nhưng năm 2020 doanh nghiệp này quyết định “chơi lớn” khi thâu tóm quỹ đất hơn 2ha tại TP. Đồng Xoài tỉnh Bình Phước. Sau khi có trong tay quỹ đất, doanh nghiệp này đã phát triển ngay dự án đầu tay của mình và thu được lợi nhuận lớn trong năm 2020.

“Lựa chọn đi thâu tóm quỹ đất để phát triển dự án mang thương hiệu của doanh nghiệp mình là một bước đi đã được đặt ra khi việc môi giới dự án không còn là một thị trường màu mỡ bởi từ năm 2015 có quá nhiều doanh nghiệp môi giới được thành lập. Tuy nhiên, thành công trong việc thâu tóm quỹ đất đến từ nhiều phía, trong đó ngoài may mắn chọn được quỹ đất còn đến từ hướng đi lựa chọn những quỹ đất nhỏ, vốn bỏ ra mua thấp và có pháp lý rõ ràng để triển khai ngay dự án, không bị ngâm vốn”, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho biết.


Cũng thành công trong việc thâu tóm quỹ đất phải nhắc đến Tập đoàn Đất Xanh Group khi mà năm 2019 doanh nghiệp này trúng đấu giá một quỹ đất rộng 92ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Vào thời điểm doanh nghiệp tham gia đấu giá quỹ đất này, Đất Xanh Group có trong tay hàng chục quỹ đất lớn tại TP.HCM nhưng không thể triển khai dự án mới bởi tắc nghẽn trong việc xin pháp lý dự án. Sau khi thâu toán thành công quỹ đất với số tiền bỏ ra hơn 1.600 tỷ đồng, giờ đây Đất Xanh Group đang có nguồn thu chủ yếu đến từ dự án này.

Cũng bước đi từ một doanh nghiệp môi giới bất động sản, Công ty CP Bất động sản Phúc Land tại TP.HCM đã xây dựng cho mình 2 dự án bất động sản tại tỉnh Long An bởi nhanh tay thâu tóm quỹ đất cho mình. Cụ thể, đầu năm 2021, doanh nghiệp này triển khai dự án đất nền mang tên Long Cang tại huyện Cần Giuộc, quỹ đất rộng 10ha này được Phúc Land mua lại từ một doanh nghiệp khác không có khả năng triển khai dự án. Năm 2020, sau khi thâu tóm được quỹ đất, xin thành công pháp lý thì từ tháng 2 tới tháng 4/2021, hơn 400 sản phẩm bất động sản đã được doanh nghiệp này bán hết cho khách hàng.

Mới đây nhất, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho biết thông qua thương vụ M&A thâu tóm một khu đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), trong đó, đáng chú ý có dự án tại Nhơn Hội quy mô lên đến hơn 1.000 ha.

Một đại gia địa ốc khác là Công ty CP Bất động sản Phát Đạt đã thâu tóm một quỹ đất tại TP Mới tỉnh Bình Dương, sau khi thâu tóm quỹ đất rộng 3,2ha với số tiền thâu tón lên tới hơn 2.000 tỷ đồng này, Phát Đạt tiến hành phát triển dự án chung cư với số lượng căn hộ lên tới gần 5.000 căn.


Câu chuyện thâu tóm quỹ đất tại các tỉnh vùng ven TP.HCM để phát triển dự án thực sự là một hướng đi đúng và tốt cho doanh nghiệp địa ốc khi thị trường chính là TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc cấp phép dự án cũng như tạo cho các địa phương lân cận TP.HCM có một thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đã không thành công trong việc thâu tóm quỹ đất để phát triển dự án cho mình. Đơn cử như năm 2017, Him Lam Land thâu tóm quỹ đất tại TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án đã được tỉnh cấp phép từ những năm 2010, khi đó quỹ đất này được cấp phép phát triển dự án chung cư với diện tích căn hộ lớn hơn 100m2/căn và ít tiện ích nhưng chủ đầu tư lại không thể triển khai dự án.

Sau khi vào tay Him Lam Land với số tiền bỏ ra thâu tón lên tới gần 1.000 tỷ, doanh nghiệp này đã xin điều chỉnh thiết kế và diện tích căn hộ. Tuy nhiên, nhiều năm liên tiếp không thể thay đổi được thiết kế căn hộ cho phù hợp với thị trưởng hiện tại, số vốn bỏ ra lớn, trong khi nguồn ngân sách mua quỹ đất này Him Lam Land phải vay ngân hàng, cuối cùng năm 2020 doanh nghiệp này đành chấp nhận thất bại và bán quỹ đất đi.

Hay như năm 2019, Công ty CP Tập đoàn địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) trúng đấu giá khu đất tại Thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An với số tiền 300 tỷ đồng. Sau đó doanh nghiệp này xin pháp lý và triển khai dự án bất động sản tại đây và đã bán hết cho khách hàng. Tuy nhiên, năm 2020, Thanh tra tỉnh Long An thanh tra lại việc đấu giá khu đất này, kết luận cuối cùng Cát Tường Group đã thực hiện đấu giá sai quy định của pháp luật trong việc đấu giá thành công quỹ đất này. Từ đó, Thanh tra tỉnh Long An yêu cầu dừng triển khai dự án này. Tới nay dự án vẫn chưa biết số phận sẽ ra sao.

Hay như việc Tập đoàn địa ốc Kim Oanh đang “sa lầy” ở dự án Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Tân Phú (KĐT Tân Phú) với diện tích 43ha tại TP Mới, tỉnh Bình Dương khi năm 2017 đã thâu tóm quỹ đất dự án này từ Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc để triển khai và bán dự án cho người dân theo diện dự án phân lô bán nền. Tuy nhiên, năm 2020, Thanh tra tỉnh Bình Dương thanh tra việc chuyển nhượng dự án này đã phát hiện việc mua bán dự án không đúng pháp luật, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của nhà nước… Kết quả giờ đây dự án bị thu hồi và chưa ngã ngũ. Còn Công ty Kim Oanh thì “sa lầy”, tiềm mất tật mang.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ Phận Nghiên Cứu và Phát Triển của DKRA Vietnam cho rằng, việc thâu tóm quỹ đất tại vùng ven là một cuộc đua không hề đơn giản với các doanh nghiệp địa ốc. Khi tìm kiếm quỹ đất cần tìm hiểu kỹ chủ đất là ai, làm ăn thế nào, đất có pháp lý rõ ràng không, có tranh chấp không, có nằm trong khu quy hoạch không được triển khai dự án bất động sản hay không. Nếu đất đấu giá thì phải thực hiện đúng theo quy trình đấu giá mà nhà nước quy đinh. Bên cạnh đó cần xem xét tiến độ pháp lý quỹ đất này được cấp trong thời gian bao lâu trước khi quyết định thâu tóm quỹ đất.

(Còn tiếp)

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan