CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp khẩn thiết đề xuất 5 nhóm giải pháp ‘cấp cứu’

Invest Global 14:14 27/09/2021

Nhàđầutư: Gần 2 năm nay qua với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 buộc chính phủ phải thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội, chúng ta đã chứng kiến dịch bệnh tác động trực tiếp đến hầu hết các ngành nghề kinh doanh rất nặng nề. 

Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land.

Các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa hàng buôn bán. Các con đường trên các tuyến phố đóng cửa, cầm cự được vài tháng phải trả mặt bằng, chấp nhận mất tiền đã đầu tư trang bị cho cửa hàng.

Những nhà mặt tiền cho thuê bây giờ không cho thuê được, họ mất nguồn thu mà người chủ cũng có thể là những nhà đầu tư cá nhân vay vốn ngân hàng mua nhà cho thuê, bây giờ không ai thuê, tiền đâu trả lãi ngân hàng, kéo dài nhiều tháng khác gì phá sản.

Nhiều cao ốc cho thuê làm văn phòng, từ khi giãn cách xã hội, nhân viên làm việc ở nhà, hình thành thói quen làm việc Online, chủ doanh nghiệp thu xếp trả bớt mặt bằng thuê. Mặt bằng không cho thuê được, thuyền bé, sóng bé, thuyền càng to sóng càng lớn.

Hàng không, du lịch đã gần như đứng im ngay từ đầu mùa dịch. Ai có việc phải đi máy bay đều chạy cho nhanh, các cửa hàng kinh doanh trong sân bay cũng phải dẹp bớt. Các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng thì tiêu điều, hoạt động cầm chừng trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa các đợt giãn cách xã hội.

Các ngành sản xuất công nghiệp, các dự án bất động sản, công trường xây dựng đường xá, nhà cửa, các nhà máy hầu như ngưng trệ, đơn hàng bị mất, công nhân mất việc làm về quê... Đó còn chưa kể đến rất nhiều ngành nghề khác, giải quyết được rất nhiều việc làm cho lao động phổ phông (cắt uốn tóc, giữ xe, bảo vệ...) bây giờ hầu như mất việc làm. Điểm qua một vòng các DN đều đã cạn kiệt nguồn lực và đang đuối sức nghiêm trọng phải đứng trước sự lựa chọn mang tính sống còn. Các khó khăn chung hiện tại mà đa số DN đang gặp phải như: Ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động.

Chi phí tăng cao do những phát sinh: xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện "3 tại chỗ"…

Tạm ngừng hoạt động, nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội… nhưng đa số DN vẫn phải thanh toán lương cho người lao động để duy trì và bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong khi nhà nước chưa thể hỗ trợ cụ thể do tập trung chống dịch.

Nhiều DN có doanh thu rơi về mốc 0% trong những tháng gần đây. Trong lúc DN khó khăn đến như vậy, trả lương và chu cấp cho người lao động cũng là góp phần cùng Chính phủ chống dịch.

Nhiều DN đã chết và sắp chết trong tình huống hết sức khẩn cấp. Các DN rất mong VCCI, các hiệp hội... các hiệp hội kiến nghị với chính phủ theo đúng vai trò chức năng của mình, không cần chờ DN kêu cứu.

Bản kiến nghị của các DN sẽ được gửi đến Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan. Theo đó Các DN tha thiết đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và định hướng các cơ quan ban ngành trực thuộc, khẩn cấp ban hành quyết sách cứu DN, để DN yên tâm đồng hành cùng Chính phủ vượt qua đại dịch. Cụ thể một số đề xuất Chính phủ hỗ trợ như sau:

Chính sách liên quan đến người lao động: Cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội it nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch.

Không áp dụng phạt đối với các DN không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ đại dịch.

Miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội.

Có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.

Đối với chính sách thuế và chi phí: Miễn thuế VAT trong năm 2021; Giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023; Giảm 50% thuế TNDN phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; Được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà DN phải bỏ ra: xét nghiệm, chi phí chống dịch và "3 tại chỗ".

Đối với chính sách tài chính - ngân hàng: Hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho DN tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.

Cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các DN phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài.

Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các DN còn lại.

Để giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, DN chúng tôi khẩn thiết kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các DN hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vắc xin đầy đủ, xin đề xuất:

Người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy… để làm việc khi đã tiêm đủ 1 mũi, và phải thưc hiện nghiêm túc 5K.

Người lao động và đại diện DN được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi, và phải thực hiện nghiêm túc 5K.

Ngoài ra cần có thêm các giải pháp cải tiến về quy trình, thủ tục hành chính như: Các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện online, hồ sơ gửi qua bưu điện không phải đến trực tiếp nữa trong thời gian giãn cách. Dù đang có dịch thì tiến độ để duyệt thủ tục hành chính vẫn cần phải được đảm bảo, nếu có chậm thì cũng chỉ chậm từ 1 đến 2 tuần, chứ hiện giờ nhiều cơ quan nhà nước lấy lý do chống dịch và hoãn các thủ tục hành chính quá kéo dài.

Các chính sách giảm bảo hiểm, giảm thuế... phải được thực hiện tự động trên phần mềm chứ không phải nộp hồ sơ xin duyệt sẽ tạo ra những giấy phép con và cớ để DN bị hạch sách.

Mọi thủ tục hướng dẫn hỗ trợ cho DN cần có một cổng thông tin hướng dẫn công khai, minh bạch để ai cũng có thể vào tra cứu được khi cần.

Chính phủ nên có một hệ thống các kênh nhận nhận ý kiến góp ý của DN và người dân để gỡ các nút thắt qua nhiều kênh khác nhau như như Facebook, email, đối thoại trực tiếp, đường dây nóng, livestream trực tiếp,... thì mới gỡ được các nút thắt cho DN và người dân kịp thời được.

Cho phép bán hàng online với điều kiện shipper phải đeo khẩu trang N95 và đã được tiêm phòng đủ 2 mũi để giảm bớt gánh nặng cho chính phủ, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, cứu DN vừa và nhỏ, giảm việc khan hiếm hàng và giảm tụ tập mua bán chỗ đông người. Cần có chế độ ưu tiên tiêm phòng cho đối tượng này cùng với đối tượng người già và phụ nữ mang thai.

Đại dịch là tình huống bất khả kháng, các khó khăn hiện nay không phải xuất phát từ nội tại DN hay do thị trường mà hoàn toàn do hoàn cảnh bên ngoài dịch bệnh gây ra. Sức chống chịu của các DN đã ở giới hạn cao nhất có thể gồng gánh được. Vì vậy các DN rất mong nhận nhanh chóng được Chính phủ lắng nghe và đưa ra giải pháp cấp thiết giúp DN có thể đứng vững và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan