CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp Việt định hình mô hình sản xuất mới

Invest Global 09:45 07/10/2022

Cách đây không lâu, trên Tuần báo The Economist của Anh có một bài viết về hoạt động sản xuất ở Việt Nam, trong đó lưu ý vẫn còn nhiều việc phải làm nếu các nhà máy của Việt Nam muốn tiến xa hơn trong chuỗi giá trị.

Giới hạn ở khả năng cung ứng

Theo so sánh của The Economist, cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn hạn chế hơn nhiều so với Trung Quốc. Các công ty nước ngoài vẫn muốn mua được nhiều linh kiện trong nước hơn, vì như vậy nhanh hơn và thuận tiện hơn so với việc chỉ tìm được nguồn cung ứng ở bên kia biên giới. Nhưng họ thường không tìm thấy những gì mình tìm kiếm.

-8714-1665050181.jpg

Việc phát triển mô hình sản xuất mới, định hình nền sản xuất tương lai của các DN Việt vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nêu ví dụ như Nhà máy Hanpo Vina ở Bắc Ninh chuyên sản xuất và gia công các công đoạn của sản phẩm nhựa (bao gồm cả lắp ráp) cho các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, linh kiện xe máy, thiết bị gia dụng,…, The Economist cho rằng, nhà máy này “không chỉ minh họa cho những gì Việt Nam đã đạt được, mà còn cả những giới hạn của thành công đó”.

Bởi lẽ, Hanpo Vina là một trong số hiếm hoi các nhà cung cấp phụ tùng cho một nhà sản xuất quan trọng của nước ngoài. Thế nhưng, các mảnh nhựa mà nhà máy này tạo ra là một trong những thứ đơn giản nhất trong điện thoại Galaxy của Samsung. 

Hơn nữa, máy ép nhựa của công ty được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Nhựa mà họ đúc thành hàng nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc. Loại công việc này nằm ở cấp thấp hơn của chuỗi giá trị điện tử, được trả mức lương thấp hơn và dễ dàng hơn cho các quốc gia khác có lao động phổ thông.

Nêu ra câu chuyện phản ánh từ truyền thông quốc tế như vậy để thấy còn nhiều mặt hạn chế trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển mô hình sản xuất mới, định hình nền sản xuất tương lai của các doanh nghiệp (DN) Việt.

Cần để ý thêm, khảo sát của Công ty kiểm toán PWC cho thấy, trong số 2.000 nhà sản xuất thì 86% nhìn nhận cơ hội sẽ giảm chi phí sản xuất và tăng doanh thu trong năm tới. Theo đó, muốn giành vị trí cạnh tranh trong "cuộc chơi", các nhà sản xuất cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi chiến lược, định hình mô hình sản xuất mới trong kỷ nguyên 4.0.

Trong khi đó, chia sẻ tại Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ và Metalex Việt Nam 2022 tổ chức ở Tp.HCM ngày 6/10 với chủ đề “Định hình nền sản xuất”, ông Vũ Trọng Tài - Tổng giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam cho rằng, cùng với cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì thách thức không nhỏ cho các DN Việt là quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý còn hạn chế, các liên kết chuỗi lỏng lẻo.

“Chìa khóa” nâng sức cạnh tranh

Chính thách thức như vậy, theo ông Tài, đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN Việt. Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, điều rõ ràng là các DN trong nước cần đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực, cũng như liên kết chặt chẽ và sâu rộng hơn nhằm tạo ra sức cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu.

Còn theo ông Matsumoto – Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, sự hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ là một điểm quan trọng việc tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, khảo sát của Jetro cho thấy một số vấn đề như chất lượng sản phẩm, kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến trở ngại cho việc thu mua linh kiện, nguyên vật liệu tại Việt Nam. Cho nên, việc giải quyết những vấn đề này là rất quan trọng.

Ông Matsumoto cho rằng, các DN Nhật Bản khi đầu tư và mở rộng nhà máy ở Việt Nam thường nhắm vào những ngành công nghiệp có giá trị cao nhằm đáp ứng sự đa dạng hoá giữa chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Vì thế, trước việc các DN Việt đang đối mặt với không ít thách thức, Trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM nhấn mạnh để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực.

Đứng ở góc độ của một DN Việt đang đạt hiệu quả sau khi đầu tư mô hình sản xuất mới theo công nghệ 4.0, ông Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao SIBA cho biết, dây chuyền sản xuất của công ty trước đây lạc hậu, tốc độ sản xuất chậm. 

Không những thế, do sản xuất quy mô lớn nên công ty khó khăn trong việc quản lý nguồn nhân lực. Báo cáo theo phương pháp truyền thống không có sự đồng bộ giữa các hệ thống dữ liệu, khó kiểm soát những rủi ro hàng hóa hư hỏng, hao hụt nguyên vật liệu, khó kiểm soát chi phí vận hành... Khi xảy ra sự cố rất khó truy xuất được nguồn gốc vấn đề, giải quyết chậm gây gián đoạn quy trình vận hành, mất thời gian. 

Chính vì vậy, như chia sẻ của Tổng giám đốc SIBA, khi thực hiện đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao và triển khai chuyển đổi số quy mô lớn đã giúp công ty giải quyết tất cả khó khăn nêu trên, từ đó tối ưu năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Chúng tôi tin rằng trong thách thức luôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi thực hiện chuyển đổi số một cách quyết liệt hơn, đã mở ra rất nhiều hướng phát triển mới. Bằng việc ứng dụng giải pháp công nghệ mới, chúng tôi đã tối ưu hóa quy trình vận hành, nhà máy hoạt động đạt năng suất cao hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Đức bộc bạch.

                                  Thế Vinh

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan