CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động trước những yêu cầu ngày càng 'khó tính' hơn

Invest Global 10:03 22/12/2021

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/12, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 633,223 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 317,446 tỷ USD, nhập khẩu 315,777 tỷ USD. Đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19, song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết năm nay do chi phí sản xuất lớn nên chỉ làm hòa vốn hoặc lãi chút ít, chưa kể khách hàng ngày càng khó tính.

Yêu cầu tăng, giá mua không đổi

Đơn cử trong ngành dệt may, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, cho biết 2021 là một năm khó khăn chồng chất với ngành dệt may nói chung, Công ty Thành Công nói riêng. Doanh nghiệp này có hệ thống sản xuất khép kín từ sợi, dệt thô, may... Trong giai đoạn "3 tại chỗ", doanh nghiệp vẫn phải làm vì sản xuất thì lỗ nhỏ hơn là ngừng hoạt động.

xuat-khau-det-may-1-5633-1640074424.jpg

Ngành dệt may loay hoay giải bài toán vừa phát triển bền vững vừa có lợi nhuận. 

Ở nhà máy dệt may Thành Công tại Tp.HCM với số lượng công nhân là 4.500 người, khi duy trì hoạt động "3 tại chỗ", hoạt động 50% công suất nên doanh nghiệp phải lo ăn, lo ở cho hơn 2.000 công nhân mỗi ngày.

"Có thể nói, thời gian này rất áp lực, khó khăn nhưng rồi giai đoạn khủng khiếp cũng qua đi", ông Tùng chia sẻ.

Tuy vậy, bước vào giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, đó là chi phí logistics tăng cao, giao hàng chậm trễ và đặc biệt là các nhãn hàng quốc tế - nhà mua hàng vẫn tiếp tục nâng thêm các yêu cầu về chất lượng sản phẩm gắn với phát triển bền vững.

Ông Tùng cho rằng, việc các nhãn hàng đưa ra các yêu cầu cũng dễ hiểu và doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ tiêu chuẩn đặt ra cao hơn nhưng giá sản phẩm lại không tăng tương ứng, hay nói nôm na là doanh nghiệp đang "ăn một chiếc bánh mì kẹp xương" vậy.

Ông Tùng dẫn chứng về một khách hàng châu Âu đã đưa ra yêu cầu rất cao về xử lý nước thải. Tuy nhiên, một nhà máy nhuộm có nhiều khách hàng, có khách hàng đặt ra yêu cầu cao, có khách ở mức trung bình, có khách ở mức thấp...,  còn giá sản phẩm thì như nhau, vì vậy doanh nghiệp rất khó để chia ra nhiều khâu xử lý nước thải cho từng khách hàng.

"Chúng tôi vẫn đang cố gắng đáp ứng mong muốn của khách hàng này nhưng cũng đang cân nhắc xem có tiếp tục làm ăn được không, vì như vậy thì doanh nghiệp sẽ lỗ, hiện khách đóng góp 5-6% trong tổng doanh thu của chúng tôi", ông Tùng cho biết.

Theo đó, Chủ tịch Dệt may Thành Công mong muốn các nhãn hàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới mong phát triển bền vững và tồn tại được. "Nếu sống còn không nổi thì sao phát triển bền vững", ông Tùng nói.

Áp lực thay đổi từ nhà mua hàng quốc tế

Ông Bùi Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần may Việt Tiến, đánh giá cuộc chơi của ngành dệt may là do các nhãn hàng lớn trên thế giới quyết định, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp gia công Việt Nam tăng mạnh trước những yêu cầu khắt khe từ phía nhà mua hàng về các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị để thích ứng trước các yêu cầu thay vì tiếp nhận một cách bị động, dẫn tới loay hoay không biết xử lý thế nào. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành may mặc nói riêng cũng như nhiều ngành khác phải thực hiện sản xuất theo hướng xanh hóa một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển.

Theo đó, nhà máy của doanh nghiệp phải sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường, doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội; từ đó đặt ra yêu cầu với chính nhà mua hàng về giá cả. 

Không chỉ với các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ hay linh kiện điện tử... mà các yêu cầu cũng được đặt ra ngày càng khắt khe với mặt hàng nông sản. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vina T&T Group, muốn đưa được nông sản vào thị trường EU thì phải bước qua được các yêu cầu khó khăn với nhiều chứng nhận cần có như vùng trồng đạt GlobalGAP, nhà máy phải đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO và đảm bảo thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường cho từng mặt hàng.

"Doanh nghiệp có được các tiêu chuẩn đó thì mới ngồi đàm phán về giá cả, hình thức giao hàng", ông Tùng chia sẻ.

Nhìn nhận các yêu cầu thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết ngành nông nghiệp đang đứng trước 3 chữ "biến" là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự báo một ngày nào đó không xa, sản phẩm nông sản Việt Nam không chỉ phải đáp ứng kiểm dịch an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải dán nhãn sinh thái vào sản phẩm, đây mới là khó khăn.

"Nông sản không phải ăn ngon, sạch là được mà phải được sản xuất theo quy trình không gây tác động xấu tới môi trường tự nhiên. Xu thế tiêu dùng sẽ quyết định cách thức sản xuất", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, để thích ứng thì ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, góp phần định hướng nền nông nghiệp trở thành nông nghiệp xanh.

Nhật Linh 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan