CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dự án BOT "tắc nghẽn" phương án tài chính vì chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng

Invest Global 14:11 13/08/2021

Chính sách tính lãi vay nhiều bất cập, không được hoàn thuế giá trị gia tăng với những hóa đơn phát sinh sau khi dự án đưa vào hoạt động, khiến nhà đầu tư dự án BOT "tắc nghẽn" phương án tài chính...

Trạm thu phí BOT hầm Đèo Cả.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5503/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về giải quyết vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) về vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT.

"Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, để nhà đầu tư BOT được ghi nhận, phân bổ chi phí lãi vay các dự án BOT, tránh kéo dài gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đồng thời, giải quyết việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với những hóa đơn phát sinh cho doanh nghiệp BOT sau thời điểm đưa dự án vào khai thác".

Vừa qua, VARSI có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT.

Theo kiến nghị của VARSI, khoản chi phí lãi vay trong các năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành rất cao, do số dư tính lãi lớn. Ngược lại, doanh thu các năm đầu lại thấp và tăng dần vào các năm sau. Việc ghi nhận chi phí lãi vay như vậy không phù hợp với bản chất của dự án BOT và chuẩn mực tài chính quốc tế.

Đồng thời, VARSI cũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn gặp vướng mắc phát sinh từ việc không được hoàn thuế giá trị gia tăng.

 
Xét kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI, đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định pháp luật, có văn bản trả lời cho hiệp hội, doanh nghiệp được biết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 8/2021.

Đến nay, cả nước có 107 trạm thu phí thuộc thẩm quyền Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, Đến nay, mới có 6/66 trạm thu phí được áp dụng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT.

Đa số các dự án có doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, đặc biệt, kể từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, doanh thu của các trạm BOT sụt giảm mạnh, khó đạt theo phương án tài chính ban đầu. Hiện các nhà đầu tư BOT đang gặp khó trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Hiện các trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã tạm dừng thu phí BOT từ 0h ngày 20/7. Các trạm thu phí BOT trên các tuyến đường thuộc địa bàn Hà Nội đều đã dừng thu phí khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhiều trạm BOT cũng đã giảm phí cho các phương tiện như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 30% từ 0h ngày 12/8...

THEO VNECONOMY

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan