CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trong hồ sơ mời thầu Dự án LNG Quảng Ninh, địa phương đã đưa ra 10 vấn đề mà nhà đầu tư phải cam kết, bên cạnh các tiêu chí về tài chính.
Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2.
Có 30 ngày để nộp hồ sơ
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã chính thức phát hành thông báo mời quan tâm tới Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh.
Theo đó, Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh quy mô 1.500 MW có tổng chi phí thực hiện dự kiến là 47.350 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 55,89 ha (bao gồm 13,38 ha mặt nước) với thời hạn hoạt động dự án là 50 năm, kể từ khi được giao/cho thuê đất.
Theo kế hoạch được tỉnh Quảng Ninh đưa ra, tiến độ chuẩn bị đầu tư hoàn thành trong quý I/2022, thời gian đầu tư Dự án từ quý II/2022 đến quý II/2027 để hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý III/2027.
Số tiền trên là để xây dựng nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tua-bin chu trình hỗn hợp công suất 1.500 MW cùng sân phân phối 500 kV với quy mô đảm bảo truyền tải hết công suất nói trên.
Phạm vi thực hiện của Dự án còn bao gồm các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ nhà máy điện.
Dự án cũng sẽ có bến nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 2,4 triệu tấn LNG/năm, tuyến ống để vận chuyển LNG và kho chứa LNG công suất 1,2 triệu tấn/năm…
Theo yêu cầu của tỉnh Quảng Ninh, hồ sơ phải viết bằng tiếng Việt, thời gian hết hạn nộp hồ sơ đăng ký là 16h30 ngày 29/7/2021, tức là 30 ngày kể từ ngày danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất được đăng tải.
Về năng lực tài chính, nhà đầu tư được yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu phải thu xếp là 7.122 tỷ đồng, tương đương 299,7 triệu USD. Phần vốn huy động từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, các cá nhân khác tối đa là 40.358 tỷ đồng (1,698 tỷ USD).
Đối với trường hợp liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30% và từng thành viên có tỷ lệ vốn sở hữu tối thiểu 15% trong liên danh.
Hồ sơ cũng yêu cầu, bất cứ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng, thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.
Ở mục kinh nghiệm, nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh sẽ được cho là đạt nếu đã thực hiện ít nhất 1 dự án loại 1; 2 dự án loại 2 hoặc 3 dự án loại 3 trong lĩnh vực sản xuất điện khí, gồm cả khí tự nhiên hoặc LNG.
Theo đó, ở dự án loại 1, nhà đầu tư phải đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện là đã tham gia với vai trò góp vốn chủ sở hữu ở dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 599,4 triệu USD (tương đương 30% tổng mức đầu tư của Dự án LNG Quảng Ninh); có phần giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu tương đương 89,91 triệu USD (tương đương 30% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của Dự án LNG Quảng Ninh) và dự án đã hoàn thành xây dựng trong giai đoạn 2000-2020.
Ở dự án loại 2, nhà đầu tư phải từng là nhà đầu thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện: giá trị phần công việc tham gia trong gói thầu/hợp đồng tối thiểu tương đương 398,5 triệu USD (tương đương 20% chi phí thực hiện của Dự án LNG Quảng Ninh) và gói thầu/hợp đồng đã kết thúc trong giai đoạn 2000-2020.
Với dự án loại 3, đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện: giá trị phần công việc đối tác cùng thực hiện tham gia trong gói thầu tối thiểu tương đương với 398,5 triệu USD (tương đương 20% chi phí thực hiện của Dự án LNG Quảng Ninh); gói thầu đã kết thúc trong giai đoạn 2000-2020.
Cũng theo yêu cầu, kinh nghiệm của nhà đầu tư bằng tổng số dự án của nhà đầu tư/thành viên liên danh và đối tác đã thực hiện.
Mười cam kết không dễ nhằn
Bên cạnh các yêu cầu về tài chính và kinh nghiệm, tỉnh Quảng Ninh đưa ra 10 cam kết mà nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ, nếu muốn triển khai dự án.
Ngoài cam kết không khiếu kiện trong trường hợp có thay đổi, điều chỉnh các nội dung yêu cầu với nhà đầu tư hoặc hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà đầu tư vì lý do an ninh quốc phòng, thì một số cam kết khác được đánh giá là không dễ nhằn.
Đó là, nhà đầu tư phải cam kết không yêu cầu bảo lãnh về hợp đồng mua bán điện (PPA), thu mua sản lượng điện sản xuất, cam kết tự thỏa thuận đàm phán PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhà đầu tư cũng phải cam kết không mua bán, chuyển nhượng dự án dưới bất cứ hình thức nào trong thời gian triển khai dự án đầu tư đến khi nhà máy đưa vào vận hành phát điện thương mại. Trường hợp vi phạm thì thu hồi dự án mà không bồi thường.
Cũng được xem là khó nhằn còn có cam kết tiến độ đầu tư hoàn thành đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2027. Trường hợp không triển khai đúng tiến độ, Dự án sẽ bị thu hồi và không được bồi thường, trừ việc bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải cam kết thực hiện đầu tư theo pháp luật Việt Nam, mọi tranh chấp, khiến kiện giải quyết theo luật pháp Việt Nam, tòa án Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Bình luận về thông báo mời quan tâm của Dự án LNG Quảng Ninh, các chuyên gia tư vấn đầu tư ngành điện cho hay, Dự án không có bất cứ ràng buộc nào về giá điện, sản lượng điện mua, nên cứ chiếu theo các quy định hiện hành để đàm phán.
Nhìn vào thực tế đàm phán PPA của Dự án điện khí LNG Bạc Liêu trong hơn 1,5 năm qua mà chưa đi đến đâu, tồn tại 12 vấn đề không thuộc thẩm quyền quyết định của EVN mà phải lên tới các bộ, ngành, Chính phủ, thì có thể thấy rõ, các công việc chuẩn bị đầu tư của Dự án LNG Quảng Ninh để đáp ứng yêu cầu “bắt đầu xây dựng từ quý II/2022”, tức là sau 1 năm nữa, là không đơn giản.
THEO BÁO ĐẦU TƯ