CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 1715 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án “Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu”. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thì dự án này vẫn còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Dự án điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu được trao chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020. Ảnh: TL
Dự án chỉ mới qua được “ải thứ nhất”
Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu tại huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay).
Dự án điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu được trao chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020. Ảnh: TL
Dự án này được địa phương trao chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020, theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (nghĩa là đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó nhà đầu tư sẽ có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường ống đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tourbin khí giai đoạn 1 (công suất 800 MW) vào cuối 2023; sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, dự án có tổng diện tích 252,81ha và nhiên liệu sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu. Dự án có các hạng mục chính, gồm: tuabin khí, lò thu hồi nhiệt, tuabin hơi, nhà điều khiển trung tâm; các hạng mục, công trình phụ trợ như: Hệ thống cung cấp và xử lý nhiên liệu (trên bờ) và lò hơi phụ, hồ chứa nước biển và hệ thống cung cấp nước làm mát, cầu dẫn; hệ thống tháp làm mát và kênh thải nước làm mát từ tháp, sân phân phối 500 kV và hệ thống thiết bị điện của nhà máy…
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo các điều kiện có liên quan đến môi trường và có trách nhiệm thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án và rà phá bom mìn theo quy định; thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.
Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án.
Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, dự án điện khí LNG Bạc Liêu là dự án năng lượng vốn FDI quy mô lớn nhất vùng, do đây là dự án đầu tiên, là “người đi đầu” nên khó tránh khỏi các khó khăn vướng mắc, phải “vừa đi vừa gỡ”.
Hiện nay, dự án này vẫn đang còn vướng các khó khăn lớn đó là chưa thỏa thuận được giá mua bán điện, chưa thu xếp được nguồn vốn và phương thức chuyển tiền quốc tế như thế nào, đây là các vấn đề mà địa phương đang phối hợp cùng với các bộ, ngành để giải quyết.
Phối cảnh dự án điện khí 4 tỷ USD tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TL
Cũng theo người đứng đầu UBND tỉnh Bạc Liêu thì hiện nay mặc dù việc đầu tư đường dây 500 kV để giải tỏa công suất cho nhà máy điện LNG Bạc Liêu đã được đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII (sắp được phê duyệt), nhưng một khi chưa có đường dây truyền tải giải tỏa công suất cho nhà máy thì nhà đầu tư cũng chưa an tâm thực hiện dự án vì nếu nhà máy xây dựng xong mà không phát điện thương mại được thì thiệt thòi cho nhà đầu tư rất lớn.
Lý giải nguyên nhân vì sao cho đến nay chủ đầu tư dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu Trịnh Đặng Phong Vũ cho biết: Về nguyên tắc muốn ký hợp đồng PPA thì Báo cáo nghiên cứu khả thi phải được phê duyệt, tuy nhiên cho đến nay cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là Bộ Công Thương vẫn chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra vào cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng đã kiến nghị Chính phủ dành sự hỗ trợ đặc biệt cho tỉnh và nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án 4 tỷ USD này.
Cụ thể, ông Thiều đề nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, đầu tư đường dây đấu nối, giải tỏa công suất cho nhà máy, đồng thời có chỉ đạo hướng dẫn về nội dung hợp đồng PPA làm cơ sở cho EVN sớm kết thúc đàm phán, đi đến ký kết chính thức để tiến tới khởi công xây dựng nhà máy trong quý I năm 2021. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên mọi dự định triển khai dự án này đành phải dừng lại.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ