CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát, cập nhật lại: Nhấc ra gần 8.000 MW nguồn điện

Invest Global 17:02 13/09/2021

Sau khi rà soát lại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt nguồn điện của phương án phụ tải cơ sở năm 2030 chỉ còn 130.370 MW, giảm 7.700 MW so với phương án hồi tháng 3/2021.

Giảm truyền tải xa

Dự thảo Quy hoạch điện VIII, sau khi được rà soát, cập nhật lại, vừa được Bộ Công thương gửi lấy ý kiến các bên liên quan, với mục tiêu chính thức trình Chính phủ trong tháng 9 này. Quan điểm được đặt ra trong lần rà soát này là ưu tiên phát triển những dự án có vị trí, quy mô, thời điểm phù hợp với các tính toán tối ưu tại chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII.

Theo hướng đó, các dự án nguồn điện ở khu vực phía Bắc sẽ được ưu tiên phát triển để tăng cường khả năng cung cấp nội miền, giảm thiểu sản lượng điện truyền tải từ khu vực miền Trung. Đồng thời, sẽ xem xét giãn tiến độ các dự án nguồn điện tại miền Trung, rà soát đầu tư hợp lý các dự án nguồn điện tại miền Nam.

Sự điều chỉnh trên xuất phát từ thực tế phát triển nguồn điện những năm gần đây chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải. Theo đó, khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng điện năng tiêu thụ và công suất phụ tải (Pmax) cao nhất trong 3 miền, tương ứng ở mức bình quân 9,1% và 9,3%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng công suất nguồn chỉ đạt 4,7%/năm, dẫn tới tỷ lệ chênh lệch công suất lắp đặt/Pmax giảm dần từ mức 55% năm 2016 xuống 31% năm 2020. Khả năng tự cân đối cung - cầu của hệ thống điện miền Bắc đã giảm dần, phụ thuộc nhiều vào thủy văn, dẫn tới tiềm ẩn rủi ro không đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô.

Miền Trung và miền Nam có tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp hơn so với miền Bắc, chỉ đạt 5-7%. Tuy nhiên, nguồn điện phát triển mạnh với mức tăng bình quân 16%/năm tại miền Trung và 21%/năm tại miền Nam dẫn tới tỷ lệ chênh lệch công suất lắp đặt/Pmax của 2 miền ở mức rất cao, tương ứng mức 237% và 87%.

Như vậy, tổng công suất đặt nguồn điện tại phương án phụ tải cơ sở trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới sẽ là 130.370 MW, giảm khoảng 7.700 MW so với phương án đưa ra tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021. Công suất nguồn điện giảm chủ yếu từ các nguồn năng lượng tái tạo và nhập khẩu điện từ Lào, với mức giảm gần 10.000 MW, trong khi nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW so với Tờ trình số 1682/TTr-BCT để bù lại sản lượng điện thiếu hụt. Tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ mức 26,5% xuống còn 23,4% tổng công suất các nguồn điện, trong khi tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.

Quan điểm về phát triển năng lượng tái tạo cũng được đưa ra rõ ràng trong bản dự thảo mới. Theo đó, các dự án điện gió, điện mặt trời được ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời mặt nước và điện mặt trời trên mái nhà (có quy định tự sử dụng là chính, chỉ bán điện dư lên lưới điện trung thế hiện hữu). Ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi khi hội đủ những điều kiện về kinh tế, kỹ thuật thích hợp.

Với Dự thảo mới, ở phương án phụ tải cơ sở, năm 2030, điện sản xuất toàn hệ thống dự kiến đạt 551-595 tỷ kWh, công suất đặt toàn hệ thống đạt 130.300 MW và tỷ lệ năng lượng tái tạo khoảng 16%, đáp ứng các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị.

Dự án chậm sẽ bị thu hồi

Theo tính toán mới, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32 tỷ USD, trong đó vốn cho phát triển nguồn điện khoảng 85,74 tỷ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD. Như vậy, chương trình phát triển điện lực phương án phụ tải cơ sở sau khi rà soát sẽ giảm khoảng 12 tỷ USD tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 8,62 tỷ USD trong giai đoạn 2031-2045.

Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện cũng được nhắc tới là thực hiện theo đúng các quy định tại Luật Đầu tư và các quy định về lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.

Điểm đáng chú ý lần này là, Bộ Công thương đã đề nghị dứt khoát phải xây dựng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ việc thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, áp dụng với các chủ đầu tư, bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và địa phương.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực họp ít nhất 1 lần/tháng, thường xuyên đôn đốc các dự án trọng điểm, điều phối, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư các công trình điện đảm bảo tiến độ, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Công thương cũng đề xuất Thủ tướng giao cho Bộ trách nhiệm rà soát các công trình nguồn điện đã duyệt trong Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch liên quan còn hiệu lực.

Theo đó, nếu các dự án trong các quy hoạch đã duyệt chậm quá 24 tháng trong lần rà soát đầu tiên năm 2022, sẽ điều chỉnh đẩy lùi thời kỳ phát điện của dự án sang chu kỳ 5 năm sau. Trong lần rà soát thứ 2 của năm 2022, nếu dự án đó vẫn không có tiến triển thực tế, sẽ xem xét thu hồi để giao cho nhà đầu tư mới có năng lực triển khai, thiệt hại vật chất (nếu có) do chủ đầu tư cũ gánh chịu.

Với các dự án điện chưa lựa chọn được chủ đầu tư/chưa được giao chủ đầu tư, Bộ Công thương đề xuất, trong 12 tháng kể từ ngày quy hoạch được duyệt, UBND cấp tỉnh nơi có dự án được duyệt phải thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo các quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Nếu quá hạn này, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng điều chỉnh dự án, thay thế bằng các dự án trong quy hoạch đã duyệt.

THEO BÁO ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan