CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(Khoa học) - Dự thảo Quy hoạch Điện VIII vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi.
Có khả thi?
Bộ Công thương vừa đưa ra bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật để lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành. Dự thảo mới này tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.
Tại tọa đàm trực tuyến "Quy hoạch Điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh" diễn ra vào ngày 16/9 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thẳng thắn cho rằng, bản thảo lần này của Bộ Công thương đã thể hiện "những bước lùi" và có phần đi ngược lại quan điểm xuyên suốt được xác định trong Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đó là: "Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”.
Theo bà Khanh, dự thảo Quy hoạch Điện VIII vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035-2045 "là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi".
Phân tích cụ thể, bà Khanh cho hay, nhìn từ phân loại 30.000 MW điện than theo hiện trạng tiếp cận vốn, có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 dự án điện than (công suất khoảng 10.800MW) đã thu xếp được vốn và đang xây dựng; nhưng có tới 15 dự án (công suất khoảng 16.400MW) đang ở bước đàm phán, chưa huy động được vốn. Tương tự, có 2 dự án (khoảng 3.200MW) đã ký hợp đồng BOT nhưng chưa thu xếp được vốn cũng có rủi ro tiếp tục chậm tiến độ so với thời gian đưa ra trong quy hoạch.
Bà Khanh lưu ý, trong số 30.000MW điện than dự kiến phát triển từ nay tới năm 2045, đa số đã được đưa vào từ Quy hoạch Điện VII, nhưng chậm triển khai nên đã đẩy lùi thời gian vận hành trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, và nay lại tiếp tục đẩy lùi thời gian vận hành trong Quy hoạch Điện VIII.
Theo chuyên gia, lựa chọn phát triển nhiệt điện than ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi
"Tình trạng dự án treo từ quy hoạch này sang quy hoạch khác như thế này là một sự lãng phí về nguồn lực của địa phương, và kìm hãm sự phát triển kinh tế của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong đời sống của người dân địa phương. Nếu những dự án không khả thi tiếp tục được đưa vào quy hoạch mà không thể tiếp cận được nguồn vốn không chỉ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng mà còn kéo lùi sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như của cả nước", bà Khanh chỉ rõ.
Bên cạnh đó còn là sự biến động của giá than trong thời gian vừa qua, cảnh báo rủi ro khi tiếp tục phát triển những dự án như vậy. Bởi thực tế, giá than 6 tháng đầu năm 2020 là 98,8 USD mỗi tấn, đến nay tăng lên 159,7 USD mỗi tấn, tăng 150%, gấp hơn 100 lần so với tốc độ dự báo trong Quy hoạch ĐiệnVIII.
"Với giá than tăng lên 150-160 USD mỗi tấn như hiện nay, giá điện quy dẫn khoảng từ 10-11 UScent/kWh, đắt hơn điện gió ngoài khơi hưởng giá FIT là 9,8 UScent/kWh. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15-16 UScent/kWh.
Như vậy, giá điện than không hề rẻ mà ngược lại đắt nhất và đắt hơn tất cả các loại năng lượng tái tạo đang hưởng giá FIT", Giám đốc GreenID chỉ rõ.
Bà khuyến cáo, đối với những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét cẩn trọng và tìm các phương án thay thế. Quy hoạch Điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.
Không hợp xu thế
Chia sẻ quan điểm tại tọa đàm, PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ bày tỏ lo ngại dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ “thắt lại” lộ trình chuyển dịch xanh.
Ông cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nhưng dự thảo lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Điều này sẽ gây ra nhiều tác động và hệ lụy.
“Chúng ta không nên nhận định đơn thuần về mặt kỹ thuật, kinh tế năng lượng mà phải đánh giá trên phương diện rộng hơn. Vừa qua, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mẻ mà các nước xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu, trong đó có Việt Nam phải quan tâm.
Nếu hàng hóa của chúng ta bị đối tác định giá lượng khí thải quá cao (từ việc sử dụng năng lượng không thân thiện với môi trường) sẽ bị buộc phải trả một khoản tiền tương ứng khi đưa hàng hóa đó qua biên giới vào châu Âu", PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.
Ông Mai Văn Trung, Phó Chủ tịch Phát triển dự án Công ty Nami Energy cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với thách thức về tỷ trọng sử dụng điện sạch trong tổng công suất sử dụng điện đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Năm 2022, các bạn hàng của Việt Nam ở châu Âu, Bắc Mỹ có thể áp đặt tỉ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu. Chính vì vậy, trong Quy hoạch Điện VIII cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, khi xây dựng dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần bám sát vào Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông cho rằng, Quy hoạch Điện VIII đã cố gắng sửa chữa những khuyết điểm từ Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, song có điều cần hết sức cân nhắc đó là câu chuyện phát triển điện than.
"Theo dự thảo vừa công bố, thấy rằng điện than được "ưu ái" hơn năng lượng tái tạo, tôi cho rằng không hợp với xu thế. Bởi điện than phụ thuộc vào vấn đề nhập khẩu rất nhiều, khó tiếp cận nguồn tài chính, gây ra những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường", ông Huân nói.
Dù vậy, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng cũng không thể cắt giảm ngay điện than và phải có lộ trình giảm dần trong thời gian tới; đồng thời, tìm cách tháo gỡ dựa trên sự cân đối về hệ thống điều độ, vận hành, nâng công suất mạng lưới hay các giải pháp về lưu trữ...
“Việc nâng công suất mạng lưới cần 13 tỷ USD và rất cần sự tham gia của khối tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay Điều 4 Luật Điện lực vẫn chưa quy định sự tham gia của khối tư nhân trong hệ thống phân phối lưới điện. Do vậy, phải có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn, sửa đổi Luật Điện lực và cởi bỏ những rào cản về chính sách”, ông Huân nói.
Khắc phục trở ngại của điện mặt trời
Trước đó, trong kiến nghị góp ý lần thứ 4 cho dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này. Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.
"Chỉ khi có lộ trình điện cạnh tranh rõ ràng với cơ chế, chính sách đồng bộ, thì ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam mới phát triển, công nghệ hiện đại được áp dụng, doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các dịch vụ nhiều hơn từ thiết kế, xây lắp, vận chuyển, vận hành, bảo trì… có những đóng góp quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia", kiến nghị của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam nêu rõ.
Theo Liên minh, việc kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian tới là giải pháp dễ thực hiện cho nhà vận hành hệ thống điện nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu nhất bởi lẽ:
Thứ nhất, với sự cải tiến nhanh về công nghệ trong thời gian qua, điên mặt trời ở Việt Nam đã cạnh tranh được với giá thành sản xuất điện than vào năm 2021, trong khi đó điện gió được dự báo sẽ cạnh tranh với điện than mới vào năm 2025.
Thứ hai, các lo ngại hiện nay về việc điện mặt trời phát điện 6-7 tiếng vào ban ngày gây quá tải cục bộ lưới điện sẽ được khắc phục nếu đồng thời áp dụng các nhóm giải pháp:
Bán điện tại chỗ (DPPA) cho các nhà máy (hộ tiêu thụ điện lớn) tại nơi sản xuất điện; Áp dụng công nghệ thông minh (Smart) trong quản lý, điều hành lưới điện; Nâng cấp lưới điện; Cho tư nhân tham gia xây dựng lưới điện như Nghị quyết 55 TW đã nêu; Tổ chức đấu thầu công khai minh bach chọn nhà đầu tư điện mặt trời; Vạch lộ trình áp dụng công nghệ mới, chuyển từ công nghệ điện mặt trời quang học hiện nay sang điện mặt trời nhiệt học, cho phép phát điện 24/24.
Phát triển nguồn điện mặt trời phân tán, phục vụ nhu cầu tự dùng tại chỗ; Phát triển các giải pháp kết hợp giữa các nguồn năng lượng tái tạo: ví dụ như điện mặt trời nổi kết hợp với thủy điện, điện gió kết hợp với điện mặt trời,…
Thúc đẩy các giải pháp tích hợp giữa nguồn năng lượng tái tạo với các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo kết hợp với nông nghiệp, giao thông; Nghiên cứu thiết bị lưu trữ điện giá rẻ và không ảnh hưởng môi trường
Theo Liên minh, sự phát triển vượt bậc của công nghệ tích trữ trong thời gian qua là giải pháp cho vấn đề năng lượng tái tạo không ổn định. Theo Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia (NREL), giá pin tích trữ giảm rất nhanh, từ 2010 đến 2020 giảm khoảng 80%. Giá tích trữ điện bằng pin hiện nay ở mức khoảng từ 10,8 đến 14 cent/kWh, rẻ hơn cả giá tích trữ bằng thủy điện tích năng, khoảng 20 cent/kWh. Dự báo đến năm 2030, giảm còn khoảng 55% và đến năm 2050 chỉ còn khoảng 40% so với hiện nay.
Hiện tại, dự thảo chưa xem xét tới công nghệ này trong giai đoạn 2021-2030, và đưa vào một số lượng nhỏ sau 2030. Điều này sẽ khiến Việt Nam tụt lại ở phía sau so với thế giới về phát triển năng lượng tái tạo, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam nhận xét.
THEO DATVIET