CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.
Gà thải loại ‘chạy' vào Việt Nam
Các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 - 35.000 đồng/kg thịt hơi, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền.
Giá gà công nghiệp trong nước giảm sâu vì phải cạnh tranh không công bằng với hàng nhập khẩu.
Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39.000 - 43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó giảm còn 26.000 - 32.000 đồng/kg trong tháng 4… “Giá có sự biến động lớn và thất thường”, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá.
Nói về những khó khăn trong ngành chăn nuôi gia cầm, báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng chỉ ra tình hình dịch Covid-19 trên người ở trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại. Đáng nói, cùng với sự việc duy trì mức giá cao của nhiều mặt hàng đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia cầm vẫn rình rập, tỷ suất lợi nhuận của ngành chăn nuôi gia cầm đang ở rất thấp, thậm chí hai năm vừa qua xuống mức âm.
“Giá bán giá cầm đang thấp hơn giá thành. Với sản phẩm gà lông màu, nông dân và doanh nghiệp đang chịu lỗ khoảng 6.000 – 8.000 đồng/kg; gà lông trắng lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh là điều đáng báo động với ngành chăn nuôi gia cầm”, ông Sơn nói.
Một vấn đề khác được Chủ tịch VIPA nêu là vấn đề các sản phẩm gia cầm nhập khẩu đang ồ ạt vào nước ta, kể cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, chiếm khoảng 25% tổng lượng gia cầm của Việt Nam. "Chúng ta quá dễ dãi khi cho nhập các sản phẩm gia cầm về Việt Nam. Gà sống thải loại từ Thái Lan 'chạy bộ' vào nước ta, gà dai Hàn Quốc cũng về rất nhiều. Có những quý nhập cả da gà, cổ, cánh, chân gà...”, ông nói.
Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu
Số liệu của VIPA cho thấy, tăng trưởng nhập khẩu thịt gà trong giai đoạn 2020-2021 gần 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất chỉ khoảng 6,1%. Ông Sơn cho rằng, thị trường trong nước dư cung, nhưng chúng ta vẫn nhập rất nhiều. Dù đã có nhiều chính sách kiểm soát gà nhập lậu nhưng dường như vẫn có những kẽ hở cho các sản phẩm này tuồn vào Việt Nam.
Hai năm trở lại đây, tăng trưởng nhập khẩu cao hơn tăng trưởng sản xuất trong nước.
Điều này khiến việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm rất bấp bênh, gà trắng nuôi 40-52 ngày hay gà lông màu khoảng 70-90 ngày phải kéo dài lên 110 ngày, chuyển thành gà đẻ trứng. “Nếu tình trạng này kéo dài, cả doanh nghiệp và nông dân sẽ rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ, thiếu vốn và có nguy cơ dừng sản xuất”, Chủ tịch VIPA lo ngại.
Do vậy, VIPA đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, không quá dễ dãi trong việc cấp phép nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. “Cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh, gà đẻ loại nguyên con đông lạnh. Đồng thời kiểm soát tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, giám sát chặt với sản phẩm chăn nuôi tạm nhập tái xuất”, ông Sơn đề xuất.
Ông Bùi Đức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín cho biết, thường nhận được nhiều câu hỏi tại sao người dân Việt Nam ăn nhiều đùi gà, ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước; giá thành chăn nuôi cao; cung lớn hơn cầu; chăn nuôi gia cầm thua lỗ…
Theo lãnh đạo Việt Tín, nguyên nhân đầu tiên là tập quán tiêu dùng thích ăn đùi hơn lườn gà của người Việt Nam dù giá trị dinh dưỡng lườn gà cao gấp 3 lần. Điều này giúp đùi gà nhập khẩu có chỗ đứng.
“Tôi có tiếp cận với một đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm, 1 tháng họ nhập về 200 tấn đùi gà nhưng chỉ mua với nhà cung cấp trong nước khoảng 20 tấn gà tươi. Đây là điều làm chúng ta suy nghĩ về câu chuyện truyền thông định hướng tiêu dùng”, ông Huyên chia sẻ.
Thêm vào đó, khâu lưu thông, phân phối tiêu thụ sản phẩm gia cầm còn nhiều bất cập đã đẩy giá bán lẻ lên cao, làm giảm sức mua. Đồng thời, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tham gia vào chăn nuôi gia cầm làm tăng nguồn cung, trong khi nhu cầu từ các khu công nghiệp giảm mạnh… Đây là những nguyên nhân khiến ngành gia cầm thua lỗ.
Vì vậy, ông Bùi Đức Huyên kiến nghị, tuyên truyền định hướng tiêu dùng để hạn chế dùng hàng nhập khẩu. Đặc biệt, chính sách nên hỗ trợ chuỗi liên kết, cơ sở giết mổ, có kho bảo quản khi thị trường dư thừa. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu đãi lãi suất, xem xét cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn để phát triển chăn nuôi.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, bản thân ông từng có 9 năm làm giám đốc một doanh nghiệp gia cầm nên thấu hiểu với những khó khăn mà các doanh nghiệp, người chăn nuôi đang gặp phải hiện nay. Về chính sách, tới đây ông Tiến cho hay cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu một loạt cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi.
“doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi, cứ đúng công thức mà làm”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói và cho rằng, cần phản ứng chính sách nhanh hơn, tránh trình tự thủ tục phức tạp gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Lê Thúy