CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

[Gặp gỡ thứ Tư] GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Không nên thu hút FDI vào những dự án chỉ 1-2 triệu USD'

Invest Global 09:49 14/04/2021

Nhà đầu tư Nói về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, đến thời điểm hiện tại chúng ta có đủ điều kiện để lựa chọn những dự án đủ lớn, chất lượng cao, còn những dự án nhỏ chỉ 1-2 triệu USD doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thu hút đầu tư nước ngoài thành công trong khu vực. Cũng sau 30 năm, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành một Nghị quyết 50 -  nghị quyết chuyên đề để định hướng trong các năm tới với quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh là thu hút FDI chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Những định hướng trên được nêu ra trong bối cảnh thu hút FDI đi cùng với thành tựu là những tồn tại như hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách lao động, tiền lương... làm phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.

Nhằm làm rõ hơn thực trạng và định hướng thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) - một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho thu hút FDI vào Việt nam những năm 1990-1991.

"Nên cân nhắc có làm nhà máy nhiệt điện trong tương lai?"
Có ý kiến cho rằng, dòng vốn FDI dịch chuyển đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, ông đánh giá ra sao về nhận định này?

GS-TSKH - Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Trước khi có COVID-19 nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao kinh tế Việt Nam nhưng đến năm 2020 thì còn đánh giá cao hơn nữa. Hầu như tháng nào cũng có một bài báo nước ngoài nói về thành quả của kinh tế Việt Nam, cho rằng chúng ta là một trong những nước đạt thành công lớn nhất về khống chế dịch COVID-19. Đồng thời có tăng trưởng kinh tế dương +2,29%. Quý 1/2021, tăng trưởng GDP cao hơn quý 1/2020 báo hiệu cả năm tăng trưởng cao. Quý 1/2020 đầu tư nước ngoài cũng tăng 15-16% vốn đăng ký.

Tiền đề sự dịch chuyển từ Trung Quốc vào các nước không phải nằm trên lý thuyết mà đang diễn ra trên thực tế. Nhiều nhà đầu tư Nhật, Mỹ để chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng sớm phát hiện dòng dịch chuyển này và có chính sách nhanh. Ngay từ tháng 1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ trưởng, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành có đầu tư nước ngoài lớn để lắng nghe tính hình và đưa ra giải pháp.

Tham dự cuộc họp trên, tôi có đưa 3 vấn đề cần lưu ý. Cụ thể, cần coi đây là cơ hội lớn, cơ hội này không phải toàn bộ Việt Nam được hưởng. Trên 2.000 tỷ USD đã vào Trung Quốc và nếu có dịch chuyển, Việt Nam cũng chỉ nhận được 1 phần trong số đó. Khoảng 200 tỷ USD từ Mỹ, Nhật là dịch chuyển về nước, còn khoảng 100 tỷ USD dịch chuyển sang các nước và Việt Nam chỉ cần thu hút được vài chục tỷ USD cũng đã là rất tốt vì đây thường là những doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội nếu không muốn bỏ lỡ tiếp thì phải có giải pháp căn cơ. Quan trọng nhất của dịch chuyển là thời cơ. Doanh nghiệp muốn dịch chuyển sang đây cần phải được tiếp tục sản xuất nên nếu thủ tục quá rườm rà lên tới 6 tháng, 1 năm thì không được. Chúng ta cần làm sao để chỉ trong 3 tháng đã có thể cấp đất cho họ xây dựng nhà xưởng, đi vào sản xuất. Các khu công nghiệp phải tạo điều kiện cho người ta làm nhanh nhất. Cần kiên quyết, thời gian là nhân tố quyết định.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng rất quan trọng, cần đảm bảo không đòi lương cao, không tăng lương quá nhiều lần. Mặt bằng lương lao động hiện nay của Việt Nam bằng 40% Trung Quốc là khá tốt rồi. Giá thuê đất cũng không được tăng và cần kiên quyết tuyên bố "không tăng".

Tôi cũng đề xuất cần lập ra 1 tổ công tác trực tiếp do Thủ tướng làm Tổ trưởng để giải quyết những gì khó khăn nhất về thu hút đầu tư nước ngoài; như vậy mới mong thu hút được "đại bàng về làm tổ".

Một vấn đề rất đáng lưu ý hiện nay là tồn tại một nghịch lý trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 3 dự án điện đã chiếm tới 45% số vốn đăng ký, trong đó có nhà máy nhiệt điện. Theo tôi nên cân nhắc có nên làm nhà máy nhiệt điện trong tương lai nữa không khi than chúng ta đã phải nhập khẩu?

Cùng với đó, trong 3 tháng đầu năm 2021, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM không có một dự án công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai nào đăng ký đầu tư mới. Vì thế, chúng ta cũng cần xem xét, đánh giá lại thực tế dịch chuyển hay cũng chưa thấy có dự án điện khí nào ra tấm ra món.

Cần làm rõ rằng, thời gian tới, chúng ta phải kiên quyết hướng tới chuyển dịch thu hút FDI theo chất lượng. Điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Hiện nay, điều cần nghĩ là làm sao có công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, lấy chất lương làm trọng chứ không phải chỉ là vốn. Nếu không làm được điều đó thì số vốn vào có cao hơn cũng không đạt yêu cầu.

Doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp rất nhiều trở ngại
Nhìn về những cơ hội và thách thức, xin ông cho biết, các địa phương cần phải thay đổi về tư duy và thực tiễn thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào trong thời gian tới?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Quả bóng hiện nay nằm trong chân UBND các tỉnh, thành phố. Quan trọng là đối mới tư duy, hơn thế là cần đội ngũ tham mưu cho trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phải có năng lực, biết sàng lọc thông tin, thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn dự án phù hợp với địa phương.

Trước đây, cứ làm xúc tiền đầu tư là phải bằng hội họp, đi đến các nước. Đến mức, một vị đại sứ Nhật phải thốt lên rằng một ngày phải tiếp không biết bao nhiêu tỉnh, thành sang Nhật để xúc tiến đầu tư. Nhưng bây giờ, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận, hướng tới những tập đoàn lớn. Những tập đoàn lớn, họ không cần nghe về môi trường kinh doanh, cái mà họ muốn là thông tin cụ thể về dự án chúng ta đang làm và có đáp ứng được yêu cầu của họ không.

Khi làm Intel vào Việt Nam đã đưa 18 yêu cầu và khi chúng tôi hứa đáp ứng 18 yêu cầu đó, họ mới quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Những điều doanh nghiệp FDI cần rất cụ thể là đất, công nhân, thuế... Vì vậy, đội ngũ tham mưu phải có trình độ để giải đáp thắc mắc, có cam kết bằng văn bản với doanh nghiệp.

Một trong những điểm rất đáng lưu tâm tồn tại trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 là có nhiều dự án quá nhỏ, chỉ 1-2 triệu USD. Tôi cho rằng, trừ dịch vụ là có thể vốn thấp như vậy, còn công nghệ, công nghiệp thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được không nên để FDI làm. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta có quyền lựa chọn cái gì tốt hợp với người Việt thay vì nhận tất cả những gì họ đưa đến.

Theo tôi, muốn làm việc sàng lọc các dự án tốt cần có một hệ thống thông tin hiện đại và hệ thống. Thông tin này phải được cập nhật từ Bộ KH&ĐT tới các ngành, đại phương. Hiện nay chúng ta cũng đang làm trung tâm thông tin về đầu tư nước ngoài nhưng rất chậm. Mong rằng sẽ có một cổng thông tin đầu tư nước ngoài như làm định danh thẻ căn cước công dân, kết nối với các bộ ngành để cập nhật về tình hình đầu tư nước ngoài, dự án nào cấp mới, vốn đăng ký và vốn thực hiện bao nhiêu.

Cuối cùng, chúng ta nói nhiều tới Chính phủ số, kinh tế số, giảm bớt phiền hà, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lòng tin vào Chính phủ nhưng thực tế doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp rất nhiều trở ngại từ thuế tới hải quan, quản lý thị trương, đất đai ách tắc...

Tôi mong rằng Chính phủ mới có thể cải cách mạnh mẽ hơn, có hệ thống pháp luật ổn định, công khai minh bạch và thực thi trên cả nước với đội ngũ mẫn cán để biến cơ hội thành hiện thực, khát vọng thịnh vượng của dân tộc được hiện thực hoá nhanh hơn.

Nguồn NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan