CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hải Dương họp bàn cách khai thác 'kho báu' 35.000 tấn đang náu dưới sông

Invest Global 13:02 04/12/2021

Hiệu quả kinh tế cao từ nuôi cá lồng trên sông

Ngày 2/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp Tổng cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Hải Dương và nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ tổ chức diễn đàn "Phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái".

Mục đích của diễn đàn này nhằm tạo điều kiện cho người dân nâng cao kiến thức, trao đổi thảo luận với các nhà qua học, nhà quản lý, các doanh nghiệp... đồng thời để đánh giá và nhân rộng mô hình hiệu quả này của Hải Dương.

Qua thống kê, kiểm tra tới thời điểm 31/5/2021, trên địa bàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố nuôi cá lồng với 7.040 lồng nuôi/451 hộ nuôi. Tổng số lồng được đưa vào nuôi là trên 6.400 lồng. Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, sản lượng cá lồng tại tỉnh đạt khoảng 35.000 tấn mỗi năm.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nuôi cá lồng tập trung phát triển chủ yếu trên sông Thái Bình và sông Kinh Thầy thuộc địa bàn huyện Nam Sách, Thành phố Hải Dương, Thị xã Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng và Thành phố Chí Linh. Một số địa phương có số lượng lồng nuôi lớn là Thành phố Hải Dương, Tứ Kỳ, Nam Sách.

Hải Dương họp bàn cách khai thác kho báu 35.000 tấn đang náu dưới sông - Ảnh 1.

Bảng thống kê cá lồng tỉnh Hải Dương.

"Các đối tượng nuôi hiện nay tập trung vào thủy đặc sản và các loài bản địa có giá trị kinh tế cao, nâng thu nhập cho người nuôi như cá lăng, cá chiên, cá bỗng… và sắp tới có thể mở rộng thêm các loại cá phổ thông hơn như cá trắm đen, cá chép…", ông Đặng Xuân Trường Trưởng phòng Khuyến ngư (TTKNQG) cho biết.

Hình thức tổ chức sản xuất của người nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương khá phong phú bao gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhưng tập trung chính vẫn là các hộ cá thể. Các hình thức tổ chức sản xuất (hợp tác xã, doanh nghiệp) có trình độ quản lý cao hơn, khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn lớn, trình độ kỹ thuật cao, có tư duy và tiếp cận thị trường vẫn còn chiếm rất ít.

Nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi truyền thống trong ao đất do giảm được chi phí đầu vào. Tận dụng được dòng chảy của nước nên nuôi cá lồng bè trên cùng 1 đơn vị diện tích sẽ nuôi được mật độ cao hơn gấp 20 lần so với nuôi trong ao đất.

Nhiều hạn chế cần giải quyết

Việc nuôi cá lồng bè đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân Hải Dương trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Việt Anh, ngành này còn nhiều hạn chế.

Năng suất nuôi cá lồng của tỉnh Hải Dương mới chỉ ở mức trung bình đạt 4 tấn/lồng, thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng Trung du Miền núi phía Bắc (4,5 tấn/lồng), thấp hơn khá nhiều so với những địa phương người dân có điều kiện kinh tế đầu tư, kỹ thuật nuôi thâm canh cao như tỉnh Bắc Ninh (7,2 tấn/lồng), Hà Nội (5,1 tấn/lồng)...

"Ngành nuôi cá lồng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là kỹ thuật nuôi, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, phát triển cá lồng gây tác động lên môi trường sinh thái. Việc nuôi cá lồng bè còn mang tính tự phát, chưa có sự liên kết, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh ảnh hưởng đến thu nhập người sản xuất chưa phát huy được tối đa", ông Vũ Việt Anh chia sẻ.

Hải Dương họp bàn cách khai thác kho báu 35.000 tấn đang náu dưới sông - Ảnh 2.

Một bè nuôi cá lồng trên địa bàn Hải Dương. Ảnh: Báo Hải Dương.

Tại hội nghị này, các nông dân cũng được hướng dẫn về các kiến thức cơ bản trong việc nuôi và phát triển cá lồng bè trên sông, từ đó cập nhật nhanh các kiến thức cũng như cách khắc phục để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, phát huy được tiềm năng sẵn có về mặt nước các con sông của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân, tạo việc làm cho người lao động.

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ cá tại Hải Dương gặp khá nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân, lãnh đạo địa phương đã đẩy mạnh quảng bá thế mạnh và thương hiệu cá lồng của địa phương; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối liên kết hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có kết nối bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như VOSO, Postmart để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng một cách thuận tiện và nhanh nhất.

Theo Pha Lê

Doanh nghiệp và tiếp thị

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan