CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hiện thực hoá 'Giấc mơ' sông Hồng: Cần tư duy 'sống chung với lũ'

Invest Global 16:01 25/09/2021

Nhàđầutư: "Làm sao hiện thực hoá giấc mơ về thành phố 2 bên sông Hồng" là vấn đề được đặt ra tại hội thảo Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng. Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần có tư duy mới, chủ động "sống chung với lũ". 

Ngày 24/9, Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo "Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng", nhằm hiện thực hoá giấc mơ đô thị ven sông Hồng và làm rõ tiềm năng từ các dự án phía Đông Hà Nội gắn với quy hoạch đô thị sông Hồng.

Toàn cảnh hội thảo "Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng". Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cuối tháng 3/2021, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng tại Thông báo số 180-TB/TU. Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến Bộ Xây dựng theo quy định. Dự kiến, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt vào cuối năm nay.

Năm 2021 là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư.

Trong bối cảnh đó, vùng thủ đô Hà Nội, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm của cả nước, cũng là đầu tàu của thị trường bất động sản cả nước, hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước rất kỳ vọng vào Đồ án quy hoạch phân khu đô khi sông Hồng được phê duyệt và ban hành.

"TP. Hà Nội cũng đang rất quyết tâm để đẩy nhanh việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khi được công bố, quy hoạch khu đô thị sông Hồng sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, đây không phải lần đầu bàn về quy hoạch sông Hồng như một câu hỏi chưa có lời giải. Vậy làm thế nào để hiện thực hoá giấc mơ sông Hồng, trong khi đây là vấn đề rất được người dân, nhà quản lý và nhà đầu tư quan tâm?

Nhận xết về quy hoạch phân khu sông Hồng gần nhất, ông Chiến cho rằng, quy hoạch khá mềm dẻo, giải được bài toán dân ở ngoài bãi, có tuyến đường 2 bên lòng sông - đây sẽ là chỉ giới đỏ để tạo thành thành phố 2 bên sông. Sau khi có 2 tuyến đường này thì người dân sẽ tự động quay mặt lại sông thay vì quay lưng như hiện nay.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký VNREA cho rằng, cái khó nhất hiện nay với quy hoạch khu đô thị sông Hồng là  nguồn lực, lấy tiền đâu ra để thiện hiện quy hoạch, từ ngân sách nhà nước hay huy động nguồn lực xã hội hoá?

"Quy định hiện nay cho phép huy động nguồn lực xã hội hoá nhưng lại chưa làm rõ là làm thế nào để thu hút nhà đầu tư, quỹ đất ở đâu? Làm sao để quy hoạch đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn, sinh lời? Nếu không làm rõ được vấn đề trên quy hoạch sẽ mãi chỉ là trên giấy", ông Chiến nói.

Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Muốn biến giấc mơ khu đô thị sông Hồng thành hiện thực cần tư duy mới trong quy hoạch và làm chính sách.

Cầu Vĩnh Tuy nối hai bờ sông Hồng. Ảnh: Trọng Hiếu

"Đã tới lúc không thể quay lưng lại với sông Hồng nhưng muốn làm được vậy cần thay đổi tư duy quy hoạch, cần có sự quyết liệt từ các cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương. Theo đó, cần có tư duy chủ động thích ứng với thiên tai để phát triển bền vững, làm sao làm chủ được sông Hồng thay vì tư duy bị động trong làm quy hoạch như như hiện nay", ông Tùng nói.

Đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, khu đô thị sông Hồng sẽ còn giá trị hơn cả khu đô thị ven hồ Tây, vì gắn nhiều với các giá trị văn hoá, lịch sử, giá trị bất động sản cũng sẽ tăng mạnh khi quy hoạch được thực hiện. Tuy nhiên, muốn quy hoạch được đồng bộ, cần sửa Luật Đê điều, chấp nhận sống chung với lũ. "Đây sẽ là mảnh đất sáng tạo cho các kiến trúc sư, kỹ sư nổi tiếng trong nước và thế giới. Ngay cả nhà đầu tư cũng cần có tư duy đổi mới, không phải "ăn sẵn" như đồng bằng mà phải có cách làm sáng tạo", ông Tùng nói.

Từ góc độ một doanh nghiệp địa ốc lớn, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland cho biết: Hiện đang có nguồn khoảng 80.000 chyên gia bất động sản muốn dịch chuyển về thành phố, đại đô thị ven sông Hồng sẽ là một những điểm đến hấp dẫn được các nhà đầu tư phát triển bất động sản tầm cỡ săn đón.

"Không chỉ tạo nguồn thu từ các dự án bất động sản mà còn là hấp lực phát triển rất nhiều ngành, lĩnh vực khác như du lịch, giải trí, phụ trợ... từ đó kéo các tập đoàn kỹ nghệ, công nghệ cao... để hiện thực hoá giấc mơ khu đô thị sông Hồng, là điểm đến hấp dẫn của du khách và chuyên gia quốc tế", ông Khiêm nói.

Theo thống kê của Savills Hà Nội, Gia Lâm, Long Biên hiện đang là khu vực nóng của thị trường bất động sản Hà Nội, chiếm 15% nguồn cung nhà thấp tầng, biệt thự và 26% nguồn cung căn hộ.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn Savills cho biết: Với quy hoạch không gian thoáng, hạ tầng giao thông thuận tiện, không khí trong lành, khu Gia Lâm, Long Biên đã thành công trong việc thuyết phục người dân khu phố cổ dịch chuyển sang phía đông. Giá bất động sản khu vực này cũng không còn quá thấp so với khu vực trung tâm và đang tiếp tục gia tăng ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh.

Savills dự báo thị trường bất động sản thế giới sẽ phục hồi, tăng trở lại khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Nguồn cung tương lai, nhà ở thấp tầng khu phía Đông Hà Nội cũng sẽ tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá. Xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm đã khá rõ ràng, người dân dễ chấp nhận cự ly khoảng 30 phút đi đường tính từ trung tâm ra các khu vực ven đô.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan