CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Học cách thâm nhập thị trường của trái cây ngoại

Invest Global 09:48 17/08/2022

Về việc quảng bá trái việt quất của Mỹ tại Việt Nam, bà Huỳnh Thị Thu Hạnh, đại diện Hiệp hội việt quất Mỹ tại Đông Nam Á cho biết, hiện nay, Hiệp hội đang hỗ trợ cho các chiến dịch quảng bá tại thị trường bán lẻ dành cho mặt hàng tươi. 

Quảng bá bài bản, nhắm vào chuỗi siêu thị

Cụ thể như chương trình dùng thử sản phẩm (Sampling) trái việt quất tại hệ thống các siêu thị ở Việt Nam như: WinMart, Emart, Go!, Tops Market, Co.opmart, Co-opXtra, Aeon, Kingfood…

“Hầu như các hệ thống siêu thị lớn hiện nay và hệ thống các cửa hàng nhập khẩu trái cây như: Terrisa Direct, Biovegi, Farmers Market, Annam Gourmet, Hoa Biển… đang được chúng tôi hỗ trợ chương trình Sampling”, bà Hạnh thông tin.

HINH-6860-1660644610.jpg

Cách thức quảng bá ứng dụng trái việt quất Mỹ vào ngành công nghiệp thực phẩm cũng là điều mà các doanh nghiệp trong ngành hàng trái cây Việt cần học hỏi.

Chia sẻ tại chương trình giới thiệu và ứng dụng Việt quất Mỹ vào ngành công nghiệp thực phẩm được tổ chức ở Tp.HCM ngày 16/8, vị đại diện Hiệp hội việt quất Mỹ cho biết hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam đang diễn ra vào mùa vụ của loại trái cây đặc sản này (từ tháng 4 cho đến tháng 9 hàng năm). 

Không chỉ vậy, điểm khác biệt trong chương trình quảng bá năm nay của phía hiệp hội này có thêm việc phối hợp với 25 KOL (người có sức ảnh hưởng). 

Các KOL sẽ tới chuỗi hệ thống siêu thị và cửa hàng trái cây nhập khẩu để “check in” (đánh dấu nơi mà mình đang có mặt bằng việc ghi lại những tấm ảnh với món ăn ngon) và chia sẻ danh sách một loạt địa điểm bán hàng. Nhờ đó, người tiêu dùng hoặc người hâm mộ của các KOL sẽ biết được chính xác tại hệ thống bán lẻ này đang có trái việt quất Mỹ hiện diện và tìm mua.

Ngoài ra, Hiệp hội việt quất Mỹ còn làm việc với 5 nhà đầu bếp nổi tiếng để có những bài đăng tải liên quan đến chương trình quảng bá loại trái cây đặc sản của Mỹ này tại Việt Nam. Chương trình còn có sự hỗ trợ của phía USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM thông qua việc đăng tải trên website các thông tin liên quan về mùa vụ.

Nêu ra một vài cách thức quảng bá bài bản như vậy để thấy việc thâm nhập thị trường Việt của các loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ là một sớm một chiều. Điều này cũng được thể hiện rõ từ đầu năm 2022 đến nay, Mỹ xếp thứ 2 trong các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu vào Việt Nam. 

Còn theo số liệu 7 tháng đầu năm 2022 vừa được Tổng cục Hải quan công bố, giá trị nhập khẩu các loại rau quả đã đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tăng trưởng này là điều mà các nhà kinh doanh trái cây Việt cần lưu tâm, nhất là khi tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đã sụt giảm đến 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trước việc thâm nhập thị trường Việt ngày càng trở nên mạnh mẽ của các loại trái cây nhập khẩu, có thể nói vai trò của hệ thống siêu thị và các cửa hàng nhập khẩu trái cây là rất quan trọng. Và chính trái việt quất của Mỹ cũng đang nhắm vào chuỗi bán lẻ này.

Có học hỏi mới có khởi sắc

Trong khi đó, đang có không ít ý kiến lo ngại tình trạng trái cây Việt nếu vẫn giữ cách làm manh mún thì có khả năng bị trái cây ngoại “đánh bật” khỏi các siêu thị ngay trên “sân nhà”. Điều này dẫn đến tình trạng khi tiêu thụ ở thị trường nội địa thì trái cây Việt chỉ có nhắm vào thị trường bán lẻ truyền thống ở các sạp chợ hoặc dạt ra vỉa hè, xe hàng rong… 

Cũng cần thấy rằng, những nhà cung cấp trái cây ngoại vào thị trường Việt cũng là những “bậc thầy” về quảng bá thương hiệu và thâm nhập thị trường bán lẻ hiện đại. 

Đại diện một nhà sản xuất trái kiwi hàng đầu của Pháp từng chia sẻ, một nửa doanh thu đến từ việc xuất khẩu nhắm vào từng quốc gia khác nhau, trong đó điều quan trọng là quan hệ trực tiếp với các siêu thị ​​và với nhà bán buôn nhập khẩu.

Theo giới chuyên gia, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên trái cây nhập khẩu về Việt Nam càng nhiều, giá ngày càng rẻ. 

Hơn nữa, ngoài việc người tiêu dùng ưa chuộng trái cây nhập khẩu vì chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú, giá cả phù hợp…, thì việc quảng bá cũng là điều mà các doanh nghiệp và hiệp hội trong ngành hàng trái cây Việt cần học hỏi.

Chẳng hạn, nếu xét ở khu vực Đông Nam Á thì Thái Lan được xem là quốc gia triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các chiến dịch quảng bá đặc sản trái cây địa phương ra nước ngoài. Để nâng cao hiệu quả quảng bá ra nước ngoài, nước này đặc biệt quan tâm đầu tư thiết kế, in ấn tem, nhãn, bao bì sản phẩm trái cây và hệ thống công cụ quảng bá (tờ rơi, sách, báo, chương trình quảng cáo…).

Cho nên, trong việc quảng bá sản phẩm trái cây Việt ra nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp Việt vừa học hỏi cách thức mà trái cây ngoại đang thâm nhập thị trường Việt, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này. 

Bởi, có học hỏi xây dựng và triển khai các chiến dịch quảng bá có khả năng mang lại hiệu quả cao thì mới góp phần giúp ngành hàng trái cây Việt khởi sắc hơn trên thị trường xuất khẩu cũng như nâng cao sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Thế Vinh

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan