CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía Bắc

Invest Global 17:07 18/12/2021

(TBTCO) - Nhiều sản phẩm rau quả của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đang trong thời gian thu hoạch, rất cần kết nối tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cập nhật công nghệ mới nhất, đẩy mạnh việc bán hàng qua nhiều kênh khác nhau, sẽ giúp công tác tiêu thụ thuận lợi hơn.

Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía Bắc Quang cảnh Diễn đàn "Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía Bắc". Ảnh: Khánh Linh

Ngày 18/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn "Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía Bắc" thông qua hình thức trực tuyến.

Đang vào vụ thu hoạch, rau quả khu vực phía Bắc cần kết nối tiêu thụ

Tại diễn đàn, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, nhiều sản phẩm rau quả của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đang trong thời gian thu hoạch, rất cần kết nối tiêu thụ. Qua diễn đàn có thêm cơ hội để các nhà bán lẻ, doanh nghiệp phân phối, chế biến nông sản trên cả nước tiếp xúc và biết thêm thông tin về nông sản phía Bắc.

Điển hình, phía tỉnh Lào Cai đang hiện có khoảng 1.600 ha dứa và sản lượng khoảng 40.000 tấn. Tuy nhiên, mặt hàng này chưa được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi, các nhà máy chế biến dứa hiện mới tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng. Lạng Sơn đang phân phối qua các kênh bán hàng nhỏ lẻ ở trong nước. Vì vậy, tỉnh này rất mong được kết nối với các địa phương lân cận và Trung Quốc, đặc biệt là ở những sản phẩm đã được Lào Cai sản xuất theo quy trình tiên tiến, đảm bảo chất lượng.

Hay như tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có tổng diện tích trồng cam trên địa bàn là khoảng 200 ha. Giá bán của các loại cam dao động từ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam. Do đó, huyện này kiến nghị các cơ quan ban, ngành, địa phương hỗ trợ để sản phẩm cam Vân Đồn được biết đến và tiêu thụ rộng rãi hơn nữa trên cả nước.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, các mặt hàng nông sản của các tỉnh phía Bắc hết sức phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc tiêu thụ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Doanh nghiệp cần cập nhật công nghệ, mua bán hàng qua nhiều kênh

Theo bà Nguyễn Thị Hậu, theo yêu cầu chung, xu hướng bán hàng đa kênh đang trở thành yêu cầu bức thiết, giúp các sản phẩm kết nối thị trường rộng lớn, không chỉ tại Việt Nam. Với mục tiêu của diễn đàn là cơ hội lớn và phù hợp để các chủ thể, sản phẩm nông sản có thể mở rộng kết nối. Hiện có sự chênh lệch giữa các kênh bán hàng, tạo nên sự cạnh tranh nội tuyến giữa các kênh - từ đó, tạo ra yêu cầu cần thiết phải thay đổi và phù hợp từ chiến lược nhà sản xuất với từng kênh bán hàng, cần có những ràng buộc rõ ràng theo từng hợp đồng tiêu thụ…

Thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm ở mỗi gia đình có xu hướng tăng lên. Do đó, để sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá bán hợp lý… sẽ dễ dàng được thị trường nội địa chấp nhận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật công nghệ mới nhất, đẩy mạnh việc bán hàng qua nhiều kênh khác nhau, sẽ giúp công tác tiêu thụ thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh việc mua hàng trực tiếp đang gặp khó khăn do dịch bệnh như hiện nay. Các địa phương cần hỗ trợ hợp tác xã, người dân nâng cấp phương tiện sản xuất, bán hàng để thích nghi tình hình mới.

Cũng theo bà Hậu, hiện nay, các tỉnh thành phía Bắc trồng rất nhiều loại trái cây ăn múi, nên sự cạnh tranh trên thị trường rất mạnh mẽ. Một thực tế đang diễn ra là giá bán trôi nổi các sản phẩm này trên thị trường và các chợ, siêu thị đang có sự chênh lệch rất lớn, nên gây khó khăn cho công tác tiêu thụ, người tiêu dùng bối rối trong việc tiếp cận với những sản phẩm thực sự chất lượng. Do đó, các đơn vị sản xuất nên nghiên cứu để sớm có phương án điều chỉnh để giá cả không có sự chênh lệch lớn, tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn.

Diễn đàn kết thúc bằng việc ký kết 3 biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ giữa các đơn vị tiêu thụ với đại diện 3 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang nhằm tiêu thụ nông sản của 3 địa phương này. Biên bản chính là tiền đề cho những hợp đồng kinh tế tiêu thụ nông sản lâu dài trong thời gian tiếp theo. Dự kiến, sau thành công của 16 phiên diễn đàn, ngày 25/12/2021 sẽ tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu nông sản thực phẩm dịp Tết Nguyên đán” cho các tỉnh, thành trong cả nước./.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan