CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thông điệp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2022 là: “Tư duy mở - Hành động nhanh - Kết quả thật” và Bộ sẽ mang thông điệp đó mở ra cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Từ đó, kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp.
Với mong muốn kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn “Kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp”. Tại diễn đàn, các kiều bào Việt Nam đã hiến kế để ngành nông nghiệp Việt Nam “cất cánh” hơn nữa trong tương lai.
Sản phẩm nông sản Việt muốn vươn xa cần sự kết nối, hỗ trợ của kiều bào.Là Việt kiều Israel, thời gian qua bà Hồng Shurany đã đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Isarel tại Việt Nam, cụ thể là các tỉnh Tây Nguyên. Bà Hồng Shurany cho rằng, điều kiện để phát triển nông nghiệp của Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Do đó, bà đưa ra một số kiến nghị để nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh như Israel.
Theo bà Hồng Shurany, trước tiên, cần thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu các thị trường nông sản tạo ra một cuộc cách mạng nông nghiệp mới; thay đổi cách đầu tư của doanh nghiệp (DN) và việc tổ chức sản xuất, làm hàng xuất khẩu nông sản để tận dụng các lợi ích từ thuế, hải quan, thuế suất mới các hiệp định thương mại tự do; thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu để chuẩn hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ DN và hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu nông sản theo kinh nghiệm của Israel. “Cùng với đó, khai thác tốt thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhất là nguồn lực từ quan hệ Việt kiều…” – bà Hồng Shurany nói.
Số liệu từ Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ những kinh nghiệm để đưa nông sản vào thị trường Hoa Kỳ và cách thức hỗ trợ các DN trong nước về tiếp cận thị trường này, bà Jolie Nguyễn - Giám đốc Công ty LNS US LLC (Hoa Kỳ) cũng cho biết, đây là một thị trường khổng lồ với 333 triệu dân. Tuy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản nhiệt đới từ Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng thị trường Hoa Kỳ có tiêu chuẩn cao, đòi hỏi các DN phải làm ăn lâu dài, bài bản, đặt cam kết chất lượng lên hàng đầu. Trước khi bước vào thị trường mới, DN cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, đặc biệt thị trường ngách, định vị và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường để ổn định.
“Nếu không thể tự mình phát triển thị trường với thương hiệu riêng, các DN có thể tham gia vào một hệ thống phân phối có sẵn, theo quy chuẩn của nhà phân phối. Đồng thời, tìm hiểu các đối tác chiến lược, các thỏa thuận, hiệp định quốc gia cho các dòng sản phẩm để nhận ưu đãi thuế quan và thủ tục” - bà Jolie Nguyễn nói.
Đồng quan điểm, TS. Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu (EU) khẳng định, Việt Nam có nguồn nông lâm sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu vào các nước EU. Do đó, các DN trong nước, ngoài việc bán hàng trực tiếp cho các DN của các nước sở tại, cần phải hướng tới chinh phục được thị trường này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các DN cần tìm hiểu thị trường, pháp luật, văn hóa…
Kiều bào có nhiều đóng góp thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệpTheo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kết quả này có sự đóng góp đáng quý của các kiều bào.
Nhận định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để ngành nông nghiệp sớm bắt kịp các xu thế chung về phát triển bền vững và thích ứng lâu dài với đại dịch.
Đánh giá cao tiềm năng và đóng góp của bà con kiều bào trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thế giới không chờ đợi chúng ta, chúng ta phải bán thứ thế giới cần chứ không phải bán thứ chúng ta có và như vậy, rất cần sự chung tay giúp đỡ của bà con kiều bào trên khắp thế giới.
Bộ trưởng khẳng định, yêu quê hương, yêu nước không phải là những gì to tát, mà từ những điều giản dị nhỏ bé, như bán thêm được nông sản cho nông dân, kết nối tri thức về cho đất nước… Chúng ta đưa Việt Nam ra thế giới, đồng thời đưa thế giới đến Việt Nam thông qua hệ thống kiều bào trên toàn thế giới, đưa tinh hoa nông sản Việt ra toàn cầu, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển thành một cường quốc nông nghiệp sinh thái, một nền kinh tế nông nghiệp có trách nhiệm.
Dưới cương vị là người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tự cảm thấy trách nhiệm lớn lao là cần phải kết nối những nguồn lực của bà con kiều bào. Bộ trưởng chia sẻ, bà con kiều bào không chỉ có “lực” mà còn có “tâm”. Cái tâm đó có thêm nguồn lực và nguồn lực xuất phát từ cái tâm. Tâm của mỗi người Việt xa xứ.