CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Làm gì để phục hồi ngành du lịch

Invest Global 14:49 30/08/2021

Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tình hình kinh tế- xã hội, thu nhập và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; du lịch, dịch vụ ăn uống, khách sạn, vận chuyển hàng không, đường sắt, đường bộ là những ngành chịu tác động nặng nề nhất.


Từ ngày 27/4/2021 đến nay, diễn biến dịch trở nên phức tạp bắt đầu từ Bắc Giang và Bắc Ninh- hai địa phương có nhiều khu công nghiệp, đã buộc phải đóng cửa một số nhà máy, hàng vạn người lao động mất việc. Khi ổ dịch ở đây đã được khống chế thì bùng phát tại TP.HCM và một số tỉ̉nh phụ cận. Lệnh giãn cách xã hội toàn Thành phố đông dân nhất nước ta và 18 tỉ̉nh Nam Bộ đã được thực hiện từ ngày 19/7.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương nhận định virus Corona có ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam: Dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam, chiếm hơn 30% khách quốc tế trong năm 2019. Nha Trang - Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do khách Trung Quốc chiếm hơn 70% khách quốc tế trong năm 2019.

Sụt giảm lượng khách đến Châu Á do được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Tại Đông Nam Á, sau giai đoạn 9 năm gần đây tăng trưởng hàng năm đạt 7,8%, năm 2019 thu hút 138 triệu khách quốc tế thì năm 2000- 2021 Thái Lan, Indonesia, Việt Nam phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ Châu Âu, Úc, Mỹ...

Du lịch trong nước sụt giảm đáng kể do giãn cách xã hội và đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, bến xe, trạm xe buýt, nhà hàng, khu vui chơi giải trí.

Năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam chỉ̉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78% và khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm hơn 34% so với năm trước.

Thị trường Việt Nam ghi nhận công suất phòng giảm từ mức 62% năm 2019 xuống 24% năm 2020 và doanh thu phòng giảm gần 70%. Tại Hà Nội và TP.HCM, năm 2020 công suất phòng cho thuê năm 2020 đạt lần lượt là 32% và 23%, giảm nhiều so với mức 80% và 72% vào năm 2019.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist dự báo sẽ có một làn sóng phá sản các doanh nghiệp du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch thì khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động. Bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty Ascend Travel nhận định: sau đợt COVID lần 1, các đơn vị lữ hành in-bound, out-bound bị ảnh hưởng đầu tiên, nhưng cố cầm cự. Song sau đợt dịch đợt lần 2, các doanh nghiệp này gần như đóng cửa hoàn toàn. Họ thực sự không thể gồng gánh thêm chi phí thuê văn phòng, trả lương nhân viên, đóng bảo hiểm và chi phí để sống sót qua ngày. Hầu hết các khách sạn và khu nghỉ̉ dưỡng có kết quả hoạt động kinh doanh giảm sút, một số phải quyết định đóng cửa tạm thời.

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch toàn cầu đã giảm 1 tỷ lượt, doanh thu du lịch giảm 1.300 tỷ USD vì đại dịch COVID-19, cao hơn 11 lần so với thiệt hại của ngành trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Trước đại dịch, du lịch đóng góp 20% GDP của Thái Lan, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. COVID-19 đã ảnh hưởng tới hơn 7 triệu người lao động của ngành du lịch nước này, từ những người bán thức ăn trên phố tới tài xế taxi, người dọn phòng khách sạn và hướng dẫn viên du lịch. Một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của nước này đã cạn kiệt vì COVID-19. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất công bố số lượng khách phục vụ trung bình trong một ngày trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán năm 2021 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình dịch tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận rất phức tạp, khó dự kiến thời gian và tiến độ phục hồi ngành du lịch.

Ứng phó ngắn hạn

Trước khó khăn, thử thách, các doanh nghiệp đang phải nỗ lực để ứng phó, tìm cơ hội tồn tại và phát triển, chung sống với đại dịch bằng cách tự cứu lấy mình, bởi vì chính khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp có tính quyết định sự sống còn của họ.

Nhận biết được nguy cơ doanh nghiệp phải dừng kinh doanh khi dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp coi việc phòng chống dịch COVID-19 tại công ty là quan trọng hàng đầu.

Một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Hà Nội đã chủ động chuẩn bị các kịch bản phục hồi trong tình hình mới. Công ty Du lịch AZA Travel đã chuyển một số nhân viên điều hành sang làm việc ở lĩnh vực sản xuất đồ uống.

Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành đã phải cho 60-70% nhân viên nghỉ̉ việc, số còn lại được bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn theo hướng chuyển sang du lịch số, tranh thủ thời cơ tạo nên những tua du lịch mới với chính sách khuyến mãi cao để duy trì hoạt động.

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất đã giúp một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành du lịch giảm bớt một phần khó khăn. Tuy vậy, thông tin phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy các gói hỗ trợ này chưa có tác động rõ nét đối với nhiều doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ khó khăn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch (HDV), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 quy định mức hỗ trợ cho mỗi HDV là 3,71 triệu đồng, chi trả 1 lần. Theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, để được hưởng khoản trợ cấp này, HDV cần có đủ ba điều kiện: có thẻ HDV được cấp lần đầu trước ngày 1/5/2021, còn hạn sử dụng; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: quy định “có thẻ HDV” là khả thi, còn hai điều kiện sau đều khó đối với cả HDV tự do lẫn HDV có hợp đồng lao động với công ty lữ hành. Rút kinh nghiệm từ các gói cứu trợ trước, hy vọng gói cứu trợ này và các gói cứu trợ khác sẽ được thực hiện bằng thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch, kịp thời và có hiệu quả hơn.

Một số địa phương như tỉ̉nh Kiên Giang đã kiến nghị Chính phủ cho thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại thành phố Phú Quốc, nơi có điều kiện thuận lợi do xa đất liền, có bở biển đẹp, hệ thống khách sạn 4-5 sao, nhiều resort nghĩ dưỡng, khu mua sắm hiện đại, có cảng hàng không quốc tế, cơ sở hạ tầng kỷ thuật đồng bộ. Tuy nhiên, để triển khai đòi hỏi phải thực hiện tốt cơ chế đặc biệt cấp visa cho khách quốc tế và tiêm vắc xin COVID-19 cho đại bộ phận dân cư Phú Quốc.

Đối với ngành du lịch, cần xây dựng lộ trình kích hoạt các hoạt động du lịch song song với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19. Đây chính là cách giúp xây dựng lại niềm tin của du khách, phục hồi ngành du lịch sau những tổn thất khủng khiếp do đại dịch gây ra.

Giải pháp dài hạn

Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) đưa ra thông điệp: ngành du lịch, lữ hành cần xoay trục và thích ứng để trở lại mạnh mẽ hơn hậu COVID-19, xác định xu hướng mới cũng như khám phá những thay đổi cần thiết nhằm duy trì hoạt động trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng nếu bỏ qua những tác động tiêu cực, thì đại dịch cũng giống như “chất xúc tác” kích thích con người phải đổi mới và tích hợp công nghệ hiện đại như sinh trắc học trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, giúp mang lại trải nghiệm không giới hạn cho du khách; theo đó một số đơn vị lữ hành trên thế giới đã tiên phong ra mắt những tour “không tưởng”, giúp con người ngồi ở nhà nhưng có thể chu du tận đáy đại dương hay khám phá di sản ngay tại chổ.

Bà Virginia Messina, Phó Chủ tịch WTTC khuyến nghị: “Các Chính phủ trên toàn thế giới nên tận dụng lợi thế của việc triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19. Điều này có thể giảm đáng kể các hạn chế đi lại và giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn…;cần có các quy định rõ ràng và phối hợp nhịp nhàng để hỗ trợ ngành “công nghiệp không khói” xây dựng lại niềm tin cho du khách đồng thời cho phép các chuyến du lịch quốc tế phục hồi nhanh chóng”.

Thông điệp của WTTC là cách tiếp cận khoa học đối với việc xây dựng Chiến lược khôi phục và phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Việc thí điểm khôi phục du lịch quốc tế tại Phú Quốc được coi như giai đoạn đầu, cần được thực hiện có kết quả để từ đó rút khinh nghiệm mở rộng ra những địa phương có đủ điều kiện, bởi vì trong bối cảnh hiện nay thì dịch COVID-19 chủ yếu tập trung tại TP.HCM và một số tỉ̉nh phụ cận; nhiều địa phương tuy có dịch nhưng số lượng không nhiều, nhiều tỉ̉nh 14 ngày không phát sinh ca nhiễm mới; dư địa để khôi phục nhanh du lịch trong nước, từng bước mở rộng du lịch quốc tế rất lớn, cần có kế hoạch chi tiết để chủ động thực hiện ngay khi điều kiện cho phép,

Giai đoạn tiếp theo đặt trọng tâm vào nâng cấp ngành du lịch theo hướng kinh tế số, doanh nghiệp số để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc giãn cách xã hội đã buộc một số doanh nghiệp lữ hành, lưu trú chuyển sang quản trị số, online khi giao dịch với khách hàng giảm thiểu thời gian, nhân lực, sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Các bảo tàng, điểm đến du lịch cần được hiện đại hóa bằng trang bị các thiết bị nghe nhìn với nhiều ngôn ngữ, kể cả thiết bị thực tế ảo. Tăng cường quan hệ hợp tác theo chuỗi cung ứng trong các tua du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp hợp tác với doanh nghiệp du lịch tham gia quá trình chuyển đổi số.

Trong Báo cáo “Phương án phục hồi điểm đến du lịch tại Việt Nam”, Outbox Consulting cũng khẳng định, phát triển du lịch trong nước ngay sau dịch bệnh được khống chế sẽ là ưu tiên hàng đầu trong khôi phục du lịch, bởi vì thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho nhiều địa phương ngay khi đã khống chế được dịch bằng việc khôi phục các tua du lịch thông qua sự hợp tác với các hãng hàng không, vận tải hành khách đường bộ, đường sắt, với hệ thống khách sạn, khu nghĩ dưỡng. Tập trung vào đối tượng khách du lịch trẻ nội địa đã đi làm, ít bị tác động bởi tâm lý sợ hãi và đang bị kìm nén nhu cầu do thời gian giãn cách xã hội thông qua các chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Các điểm đến có thể ưu tiên xây dựng sản phẩm hay có chính sách thu hút, đặc biệt cho thị trường du lịch nội địa trong năm 2021, đáp ứng yêu cầu về cách ly, hạn chế tụ tập đông người.

Chiến lược cần hướng đến đa dạng hóa thị trường du lịch quốc tế, gia tăng nhanh chóng khách du lịch từ Mỹ, Canada, Châu Âu, bởi vì kinh nghiệm thực tế đã cho thấy rằng, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc về lâu dài sẽ không bền vững.

Khởi động và đổi mới marketing du lịch, sử dụng truyền thông mạng xã hội và quảng cáo nhắm đến khách du lịch có khả năng quay trở lại Việt Nam nhưng không thể đến vào thời điểm này và khách du lịch tiềm năng, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông giai đoạn phục hồi thông qua chương trình hỗ trợ ưu đãi và cam kết đặc biệt đối với du khách ở thời điểm sau dịch.

Các địa phương cần xem xét đầu tư nhiều hơn vào giải pháp truyền thông số xúc tiến du lịch, thay cho các kênh truyền thông cũ không còn phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng chân dung và đặc tính hành vi của du khách mục tiêu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách quốc tế.

Với việc khởi động chương trình tiêm vắc xin trên diện rộng và tốc độ nhanh để đạt đến mức miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022, hy vọng nước ta sẽ sớm khắc phục về cơ bản dịch COVID-19 để đưa đất nước trở lai trạng thái bình thường mới, ngành du lịch và những ngành chịu tác động nặng nề nhất được phục hồi và phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào thực hiện Chiến lược kinh tế- xã hội 2021- 2030.

 THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan