CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để sửa 6 Luật thuế, gồm: thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên.
Thông tin này được nêu tại văn bản của Bộ Tài chính gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc lấy ý kiến.
Hiện mỗi lít xăng phải ‘gánh’ 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê VũVới Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bộ này kiến nghị các các cơ quan được lấy kiến rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi các nội dung, gồm: đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh và nhóm vấn đề khác.
Bộ cũng kiến nghị các cơ quan làm rõ tính cấp thiết của nội dung đề xuất sửa đổi, tác động của đề xuất với kinh tế – xã hội, ngân sách và người dân. Những yếu tố này, theo Bộ Tài chính, là cơ sở để làm rõ những nội dung cần sửa ngay trong năm 2022 theo hình thức Luật sửa đổi, bổ sung nhiều Luật và những nội dung sẽ sửa khi sửa đổi Luật thuế TNCN tổng thể.
Với Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài chính kiến nghị rà soát các nội dung, gồm: đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, số lượng hàng hoá tính thuế, biểu khung thuế, việc khai, tính, nộp và hoàn thuế.
Đáng lưu ý, cơ quan này kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá mức độ phù hợp giữa khung và mức thuế BVMT hiện hành và mức độ gây ô nhiễm của các hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế. Đây là cơ sở kiến nghị, sửa đổi khung, mức thuế phù hợp.
Ngoài ra, Bộ này cũng có trách nhiệm đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hoá khi sử dụng để bổ sung đối tượng chịu thuế và khung thuế.
Với Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan đánh giá các nội dung, gồm: đối tượng chịu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế sử dụng đất, các khoản thuế khi chuyển quyền sở hữu hoặc sử dụng đất; căn cứ tính thuế và phí; chính sách miễn giảm thuế, phí.
Ngoài ra, cần đề xuất sửa đổi một số nội dung cụ thể về việc gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế với nhà, xây dựng Luật thuế tài sản hoặc bất động sản (nếu có).
Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát các luật thuế, báo cáo Chính phủ tại tại quyết định số 2114 năm 2021.
Việc lấy ý kiến sửa 6 Luật thuế của Bộ Tài chính cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều người nộp thuế và chuyên gia kinh tế phản ánh chính sách thuế TNCN có một số bất cập như biểu thuế lũy tiến từng có 7 bậc, với mức thuế cao nhất lên tới 35% – cao hơn gần 2 lần với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với hoạt động thu thuế bất động sản, Tổng cục Thuế cũng phát hiện một số phương thức trốn tránh thuế liên quan đến chuyển nhượng, gồm: chuyển nhượng bất động sản với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch; hai bên mua và bán chuyển nhượng bất động sản không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản – PV) nhằm tránh thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản.