CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nguồn nhân lực trong nền kinh tế số - Cơ hội và thách thức của Việt Nam

Invest Global 15:36 12/11/2020

Chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội

Chúng tôi cảm ơn Ban tổ chức đã mời đại diện Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội có bài trình bày về nhân lực số cho nền kinh tế số. Đây là vấn đề quan trọng nhưng không phải diễn đàn nào chúng tôi cũng có cơ hội để nói về chủ đề này.

Chuyển đổi số xác định con người chính là trung tâm và ASEAN cũng xác định đây là một trong 3 trụ cột. Ngày 16/10 vừa qua, Hội đồng giáo dục ASEAN đã ra mắt để bàn 3 câu chuyện thúc đẩy. Một là thúc đẩy thể chế phát triển nhân lực trong chuyển đổi số. Hai là gắn kết doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào vấn đề đào tạo nhân lực. Ba là vấn đề kỹ năng số.

Khi coi con người là trung tâm có thể tăng GDP lên 2%, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách kỹ năng của người lao động trong 10 năm không được cải thiện thì mỗi năm chúng ta sẽ mất 5.000 tỷ USD. Do đó, kỹ năng không chỉ là là vấn đề đơn thuần mà còn là vấn đề để phát triển kinh tế.

Thưa quý vị, người ta dự báo 2030 sẽ có 1,4 tỷ công nhân không có kỹ năng phù hợp, 1/3 số ngành nghề hiện tại thay đổi do AI (trí tuệ nhân tạo), công nghệ thông tin. Đây là vấn đề toàn cầu đối mặt.

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ nêu quan điểm như bài phát biểu của đồng chí đại diện VCCI, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, gia nhập công nghệ số.

Trong 6 quan điểm Chính phủ đưa ra thì nhận thức quyết định, con người là trung tâm, thể chế là động lực, quan trọng nhất đồng hành các bên quyết định thành công.

Kinh tế số vận hành trên công nghệ số, tôi là tay mơ so với nhiều chuyên gia kinh tế số ở đây nhưng với nền kinh tế vận hành mới dẫn đến phương thức sản xuất mới mà lực lượng lao động là động lực là nhân tố quyết định.


Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Chúng ta hiểu thế nào nguồn nhân lực kinh tế số, bao gồm cả lực lượng lao động tương lai, học sinh sinh viên và cả những người dân khác có thể tham gia vào kinh tế số, chúng ta phải đồng thuận về nhận thức từ đó tập trung thế nào và tập trung vào nhóm nào?

Vừa rồi có tổng kết kỹ năng mới nhất được đưa ra, 14 kỹ năng được đưa ra trong đó có kỹ năng về con người, kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh. Kỹ năng số tập trung quản lý phân tích dữ liệu, phát triển trương trình máy tính và an ninh số.

Không phải bây giờ mới đặt ra nguồn nhân lực kinh tế số, trước đó các nước G20 khi bàn về phát triển kinh tế số thì họ đưa ra 3 nhóm chính sách là: tương lai số thế nào? Ưu tiên của Chính phủ cho thương mại số thế nào? và nói về kỹ năng số trong giao dục nghề nghiệp và họ cho rằng kỹ năng số là nhân tố cơ bản để phát triển kinh tế số để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là tổng kết các Bộ trưởng kinh tế G20 trong diễn đàn kinh tế số.

Tự động hóa song song tạo ra bất lợi kép, đây là vấn đề toàn cầu. Dự báo đến năm 2025, máy móc sẽ ngang trình độ con người, 43% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động, nhưng cũng có 1/3 doanh nghiệp lại mở rộng lao động. Việc cắt giảm lao động sẽ là trào lưu lớn hơn, dự báo sẽ có 40% lao động phải đào tạo lại, 94% doanh nghiệp yêu cầu kỹ năng mới. Nhu cầu học trực tuyến tăng lên, những người duy trì việc làm có xu hướng học hỏi, những người thất nghiệp tập trung phát triển kỹ năng số, cơ hội cho nguồn nhân lực cho kinh tế số là rất rõ ràng.

Chuyển đổi số là chủ trương đúng, kịp thời. Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh. Chúng tôi có 800 trường cao đẳng trung cấp, trước đây học trực tuyến xa lạ nhưng khi Covid-19 xảy ra học trực tuyến được áp dụng phổ biến. Lúc đầu đúng là có tâm lý lo ngại làm sao để học chất lượng, học sinh chưa được trang bị tốt, nhưng đến nay 60% các trường đã tổ chức học trực tuyến, các ứng dụng cũng sẵn có trên mạng để phát triển.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay là thay đổi thói quen, học đi đôi với hành, thực hành liên tục với thầy cô và nhà trường. Thay đổi tất cả sẽ rất khó nhưng trước mắt chúng ta có thể thay đổi nội dung lý thuyết.

Một thách thức nữa là người dân hiểu biết về công nghệ thông tin chưa cao.

Rõ ràng chỉ một mình hệ thống giáo dục đào tạo tổ chức vận hành thì khó thành công, vai trò của doanh nghiệp công nghệ với thế mạnh của mình sẽ hỗ trợ xây dựng nền tảng hạ tầng. Học liệu chương trình đào tạo chuyển đổi số giúp cho quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Một khó khăn nữa là nguồn lực đầu tư hạn chế. Tới đây chắc chắn sau chương trình Chuyển đổi số quốc gia thì phải có đề án chiến lược chuyển đổi số cho đào tạo. Chúng ta phải đi theo chiến lược bài bản, cụ thể thế nào thì phải tính toán.

Rất mừng vừa rồi vào ngày 28/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về đẩy nhanh phát triển nhân lực có kỹ năng góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Bộ Lao động xây dựng đề án chuyển đổi số, bước đầu tiên chúng ta xác định các kỹ năng số cần thiết trong tương lai.

Chúng ta xác định cái gì cần thiết cho tương lai? 10 năm tới, 1/3 nhân lực của chúng ta thay đổi. Theo khảo sát, 53% doanh nghiệp Việt Nam không biết kỹ năng cần thiết tương lai là gì?

Trong Chỉ thị vừa rồi của Thủ tướng cũng như Dự thảo văn kiện Đại hội 13, vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực số này đã lần đầu được đặt ra.

Thời gian tới không chỉ đào tạo cho học sinh sinh viên mà hơn 50 triệu lao động đang làm việc hiện nay phải đào tạo lại để thích ứng với kinh tế số.

Một vấn đề nữa là tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức vai trò của kỹ năng số, nhân lực số cho chiến lược kinh tế số.

Lâu nay chúng ta đào tạo trong nhà trường là chính. Tuy nhiên, kết hợp nhà trường với doanh nghiệp đào tạo dựa trên công nghệ là quan trọng trong tương lai. Gắn các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp theo hướng vừa học vừa làm.

Về phía người lao động, cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng kỹ năng mới trong thế giới đang thay đổi. Bản thân người lao động xác định lỗ hổng trong kiến thức hiện tại để bổ trợ cần thiết, học hỏi đồng nghiệp để thêm kỹ năng

Với cơ sở đào tạo, chuyển đổi số là cơ hội để thay đổi, là vấn đề sống còn, có kế hoạch thu hút giảng viên, chương trình học liệu số để phát triển kỹ năng số. Phối hợp chặt giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Học sinh sinh viên cần nhận thức rõ nghề nghiệp tương lai của mình để có kế hoạch nghề nghiệp, phát triển kỹ năng thông qua chương trình đào tạo của nhà trường, tìm kiếm thông tin và phát triển kỹ năng của mình.

Các nhóm này cộng tác với nhau để tạo nên sự chuyển đổi số thành công trong giáo dục đào tạo nói riêng và chuyển đổi số thành công nói chung.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan