CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nông sản Việt trước cơ hội và thách thức

Invest Global 10:55 05/10/2022

Cơ hội lớn

Theo các chuyên gia, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu. Trong đó, nông sản Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để thâm nhập vào các thị trường khó tính...

Chẳng hạn như theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), sau 6 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Anh đạt mức 2.038 USD/tấn, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021. Cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến là 3 chủng loại cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Anh, trong đó, cà phê Robusta chiếm số lượng lớn nhất. Cũng trong thời gian này, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào nước Anh tăng gần 150% về lượng và khoảng 212% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Điều đáng nói, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của nước Anh tăng mạnh từ 16% lên gần 30% trong những tháng đầu năm 2022.

nong san viet truoc co hoi va thach thuc Thay đổi phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng cơ hội xuất khẩu cho nông sản.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại và lưu ý thị hiếu người tiêu dùng Anh. Cà phê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường này. Ngoài ra, về bao bì, người Anh có thói quen đọc thông tin trên bao bì rất kỹ để xác định xem sản phẩm có thành phần gây dị ứng hay không, nên được pha chế như thế nào, có đạt các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hay không? Các nhà phân phối sẽ hoan nghênh sản phẩm vừa phù hợp thị hiếu tiêu dùng vừa có bao bì đẹp.

Hay như với 27 quốc gia thành viên và 511 triệu dân, GDP đầu người bình quân trên 35.000 USD, các chuyên gia nhận định, EU là thị trường lớn còn nhiều dư địa để phát triển. Hiệp định EVFTA là dấu mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, sự hợp tác chặt chẽ của đối tác quốc tế, các nước thành viên EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA đang diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 2 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam phục hồi và gia tăng đáng kể. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu tăng 81,3%, cà phê tăng 62,7%, gạo tăng 42,9%, thuỷ/hải sản tăng 22,7%... Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực nông nghiệp năm sau cao hơn năm trước.

Vừa qua, việc các lô hàng nông sản của Gia Lai được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA là cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và chanh dây của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã mở ra bước ngoặt mới cho ngành hàng nông sản của địa phương này.

Thách thức cũng không nhỏ

Tuy nhiên, đi đôi với cơ hội lớn, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức như các đối tác yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và yêu cầu xử lý kiểm dịch động thực vật.

Cùng với đó là các khó khăn không hề nhỏ như sản phẩm nông sản có tính tương đồng với các quốc gia khác trong khu vực; năng lực cạnh tranh về chất lượng và giá thành của nông sản Việt hiện còn hạn chế; sản phẩm nông sản qua chế biến sâu còn ít; việc xây thương hiệu nông sản Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức…

Đơn cử như tại Gia Lai, địa phương này hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê, cao su, sắn lát, tiêu, sản phẩm gỗ, rau củ quả… Các sản phẩm này có mặt tại khoảng 40 quốc gia. Trong đó, có chưa đến 10 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hàng nông sản của địa phương có cơ hội lớn khi vào thị trường này. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông sản, đòi hỏi sự nỗ lực với những cam kết sâu rộng và toàn diện như việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh. Trong đó, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ… Do đó, người nông dân cần phải thay đổi phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu hàng hoá cho xuất khẩu…

Từ thực tế đó, các chuyên gia khuyến nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần nghiên cứu, bám sát diễn biến kinh tế - chính trị thế giới, khu vực và các nước lớn, các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế để dự báo và tham mưu có hiệu quả. Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn nâng cao hiểu biết chuyên sâu cho doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ những FTA; nâng cao hiểu biết pháp lý, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hoá, hàm lượng chế biến, tận dụng tốt và hiệu quả nhất những lợi ích mà các FTA mang lại, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hoá, hiểu rõ hơn về các cam kết mở cửa thị trường nông sản nhằm đưa nông sản Việt Nam ra thị trường toàn cầu.

Đồng thời, doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân sự pháp lý đủ khả năng, chủ động tìm hiểu thông tin các cam kết về các FTA, nắm chắc những thông tin về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến các mặt hàng kinh doanh; nghiên cứu thủ tục, quy định, thị hiếu của thị trường để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, chất lượng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA mang lại.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan