CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, phải thiết kế thể chế, cơ chế, chính sách để DN và cả xã hội cùng vào cuộc, thúc đẩy KHCN phát triển.
Ông Tạ Hồng Thái, thành viên điều hành bộ phận Thuế và hỗ trợ doanh nghiệp tại KPMG Việt Nam
Đây là mong mỏi không chỉ của Thủ tướng, mà cũng chính là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp. Nhân buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN), Bộ KHCN đề xuất nhiều nội dung với mục tiêu là hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, trong đó có pháp luật về đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, về chính sách thuế.
Cụ thể, Bộ KHCN kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc sử dụng Quỹ Phát triển KHCN đầu tư cho đổi mới công nghệ, trong đó đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CNBTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp không biết đến quy định về Quỹ phát triển KHCN, hoặc đã từng nghe nhưng thấy không có lợi ích gì với doanh nghiệp của mình nên bỏ qua. Rõ ràng, đây là một chính sách chưa đến được với doanh nghiệp. Vậy cụ thể chính sách này hiện nay như thế nào?
Việt Nam đã có Luật KHCN từ năm 2000. Về cơ bản, đây là một văn bản luật thể hiện chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển KHCN của quốc gia, tạo điều kiện cho các hoạt động KHCN phát triển.
Theo luật KHCN, Nhà nước khuyến khích thành lập các quỹ phát triển KHCN của quốc gia, địa phương hay của tổ chức doanh nghiệp, đồng thời cam kết doanh nghiệp thực hiện đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể hiểu, doanh nghiệp có lợi từ ưu đãi thuế khi tham gia thành lập quỹ và tham gia hoạt động đổi mới nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp.
Còn theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thì doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
Luật Thuế TNDN cũng quy định thêm rằng, doanh nghiệp không được tính các khoản chi từ quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp vào chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế.
Có nghĩa là, khi doanh nghiệp thực sự phát sinh chi phí nghiên cứu phát triển công nghệ thì các chi phí này nếu chi từ quỹ thì không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nữa. Nhà nước chỉ khuyến khích bằng cách cho tạm hoãn tiền thuế thôi, doanh nghiệp không trả thuế trước thì phải trả sau (mất chi phí).
Điều này sẽ không có ý nghĩa gì nếu doanh nghiệp hiện cũng đang được hưởng các ưu đãi khác, ví dụ như ưu đãi miễn giảm thuế do đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, hay địa bàn khó khăn, hay các ưu đãi ngành nghề.
Ngoài ra, Luật Thuế TNDN cũng quy định thêm là trong thời hạn 5 năm kể từ khi trích lập, nếu doanh nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng không hết 70%, hoặc sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị truy thu thuế trên phần tiền trích lập cộng với lãi suất từ số thuế truy thu đó. Như vậy thì thời gian doanh nghiệp được tạm ứng tiền thuế để chi cho nghiên cứu phát triển công nghệ không nhiều.
Cũng cần phải nói thêm rằng, Bộ Tài chính đã ban hành quy chế sử dụng quỹ rất chặt chẽ trong Thông tư liên tịch số 12 về cách thức tổ chức quản lý quỹ, đăng ký, báo cáo, các thủ tục nội bộ cần thiết cho việc phê duyệt dự án, phê duyệt chi phí, điều chuyển kinh phí cho doanh nghiệp thành viên... Điều này chỉ có thể áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, còn đối với doanh nghiệp không có vốn nhà nước thì có nhiều phức tạp, cản trở sự linh hoạt trong việc sử dụng nguồn lực, trong khi lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng không đáng kể như đã nói ở trên.
Có thể thấy, chính sách khuyến khích thông qua cơ chế trích thành lập và sử dụng quỹ phát triển KHCN là chưa phù hợp và không thực chất. Chính vì vậy, đã qua rất nhiều năm, chính sách này không được các doanh nghiệp sử dụng.
Không chỉ Việt Nam, các nước đều chú trọng phát triển khoa học công nghệ và cung cấp ưu đãi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
Họ khuyến khích doanh nghiệp chi tiền cho nghiên cứu phát triển bằng nhiều chính sách khác nhau, trong đó phải kể đến chính sách cấn trừ thuế (R&D credit); khấu trừ chi phí hai lần (double deduction), hay siêu khấu trừ thuế (super deduction).
Đối với chính sách cấn trừ thuế, nếu doanh nghiệp phát sinh chi phí nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp có quyền dùng một tỷ lệ phần trăm chi phí phát sinh cấn trừ trực tiếp đối với số thuế phải nộp.
Thuế là một công cụ hỗ trợ rất tốt để thực hiện chính sách khuyến khích phát triển công nghệ. Thực tế, luật thuế hiện hành đã cung cấp ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất phần mềm, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ… Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu phát triển liên quan đến rất nhiều ngành nghề, rất nhiều doanh nghiệp ở các giai đoạn phát triển khác nhau và quan trọng hơn, chi phí nghiên cứu phát triển có ý nghĩa đặc biệt nếu xem xét với mục tiêu của luật KHCN là nhằm nâng cao nội lực KHCN quốc gia.
Có thể đối với Việt Nam, ngân sách chúng ta còn hạn hẹp, chưa mạnh tay hỗ trợ như các nước khác, nhưng từ thực tế trên, thiết nghĩ chính sách đề ra đã qua rất nhiều năm mà doanh nghiệp không quan tâm áp dụng thì cũng cần xem xét để sửa đổi.
THEO BÁO ĐẦU TƯ