CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tái phát COVID-19 sẽ thay đổi thái độ của giới đầu tư
NGUYỄN CHUẨN | 25/06/2020, 06:30:00
ENTERNEWS.VN Giá vàng tăng đỉnh điểm trong 8 năm qua, giá dầu mỏ sạt sàn dường như đang báo hiệu một “cuộc trú ẩn” của các nhà đầu tư quốc tế.
Vàng trở thành “tài sản trú ẩn an toàn” cho các nhà đầu tư?
Trong tuần qua, khi mà đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Vàng, tài sản trú ẩn an toàn thiết yếu, đã tăng trên 1.776 đô la mỗi ounce, mức cao nhất trong gần tám năm qua.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, cho biết: "Bức tranh toàn cảnh thị trường cho thấy, vàng có thể cán mốc 1.800 đô la một ounce, một đỉnh núi từ rất lâu chưa được chứng kiến".
Tại Đức, DAX 30, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt đã giảm hơn 2% ngay cả khi cuộc khảo sát kinh doanh Ifo- chỉ số môi trường kinh doanh nước Đức được theo dõi chặt chẽ và kỳ vọng sự phục hồi của nước này đang trở lại.
Tại Mỹ, hợp đồng tương lai chứng khoán nước này cũng thấp hơn khi các nhà đầu tư quan ngại với các trường hợp COVID-19 đang gia tăng ở các bang như California, Florida, Arizona và Texas. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, đã cảnh báo rằng: "về cơ bản, nước Mỹ đang đuổi theo một đám cháy rừng".
Có thể nói, khi các nước trên thế giới mở cửa trở lại, tình hình ở Hoa Kỳ đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu. Liên minh châu Âu có thể khuyến nghị các quốc gia thành viên ngăn người Mỹ đến thăm đất nước của họ do sự tăng đột biến các trường hợp nhiễm COVID-19.
Theo các chuyên gia phân tích cho rằng, ngay cả khi các nhà đầu tư bước đi cẩn thận, các tài sản rủi ro như cổ phiếu đang không thực sự an toàn. Ngay cả khi không có sự đột biến trong các trường hợp lây nhiễm dẫn đến sự phong tỏa mới, các nhà kinh tế vẫn lo ngại về khả năng của sự phục hồi.
Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại Commerzbank, nói rằng, mặc dù có sự chuyển động trong cuộc khảo sát về môi trường kinh doanh của Đức, ông cho rằng sự phục hồi sẽ chỉ đến “chầm chậm” trong nửa cuối năm nay.
“Cơn đau dài” của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ
Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đang kỷ niệm sinh nhật lần thứ 15 của mình vào đúng thời điểm nguy hiểm. Có thể nói, sự tăng trưởng lớn từ dầu đá phiến đã biến Hoa Kỳ thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Nhưng ngành công nghiệp này đã thất bại trong việc biến “sự tăng vọt” đó thành lợi nhuận ổn định và khi đại dịch đến, tất cả thành “con số 0” tròn trĩnh.
Điều đó có nghĩa là gì? Theo nhà báo Matt Egan của hãng thông tấn CNN, giá dầu thô giảm kèm theo hàng đống nợ lớn và nguồn vốn đầu tư từ nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ gây ra làn sóng phá sản hàng loạt, những doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi hoặc bị “nuốt chủng” bởi những người chơi lớn hơn.
Theo một nghiên cứu được công bố trong tuần này của Deloitte, khoảng 30% các nhà khai thác đá phiến ở Mỹ bị vỡ nợ kỹ thuật với giá dầu 35 USD / thùng. Điều đó có nghĩa là giá trị tương lai chiết khấu của các frackers này thấp hơn tổng nợ của họ. Dầu Mỹ hiện đang giao dịch ở mức từ 39 đến 40 USD / thùng.
Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất và khai thác dầu đá phiến của Mỹ được hỗ trợ bởi mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử từ FED, tuy nhiên, thu nhập và dòng tiền miễn phí đang tỏ ra khó nắm bắt. Ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ đã đốt cháy 300 tỷ đô la kể từ năm 2010, theo Deloitte.
Suy thoái kinh tế đang diễn ra và giá năng lượng thấp đến mức “không thể thấp hơn nữa” hiện đang buộc các công ty dầu lớn và nhỏ cắt giảm giá trị của danh mục đầu tư sinh lợi một thời của họ. Theo các chuyên gia, điều này sẽ gây ra những hậu quả cực lớn cho ngành công nghiệp này của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Quỹ tiền tệ quốc tế(IMF) đưa ra dự báo sản lượng toàn cầu sẽ giảm 4,9%, so với mức giảm 3,0% được dự đoán vào tháng 4, khi một số nước đang rơi vào tình trạng bùng phát trở lại của COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất.
IMF cũng cho biết, sẽ cần thêm các hành động chính sách từ các chính phủ và ngân hàng trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại và tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.