CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

Invest Global 11:31 27/03/2023

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết cùng làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp trong nước.

Tuần qua, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ với hơn 50 công ty, trong số này có nhiều tập đoàn lớn như Boeing, Netflix, SpaceX, Apple, Coca-Cola... đã đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác, tiếp cận sâu hơn vào nền kinh tế đang phát triển rất nhanh này tại Đông Nam Á. Trước đó, các nhà đầu tư từ Tây Ban Nha và châu Âu đã tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam, có những dự án đầu tư hơn 1 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn nữa với các doanh nghiệp nước ngoài trên chính “sân nhà”.

tang suc canh tranh cho doanh nghiep viet Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn cần có sự cân nhắc của các nhà quản lý

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, chủ một cửa hàng đồ nội thất trên đường Nguyễn Xiển (TP. Hà Nội) cho biết, hiện những sản phẩm tầm trung do các doanh nghiệp trong nước sản xuất rất khó cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia…về giá. Không chỉ thế, các sản phẩm nhập khẩu còn đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu… phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng phổ thông.

Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) chia sẻ, chi phí sản xuất nội thất gỗ tại Việt Nam khá cao, không theo một quy chuẩn thiết kế, số lượng bán ra ít, đầu ra không đồng đều, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ trong nước không có khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có thể thấy rõ nét nhất trong ngành bán lẻ. Mới đây, Tập đoàn Central Retail, một “ông lớn” trong ngành bán lẻ của Thái Lan vừa công bố khoản đầu tư 50 tỷ Baht (tương đương 1,45 tỷ USD) để mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027. Bên cạnh đó, AEON (tập đoàn bán lẻ Nhật Bản) cũng dự định đẩy mạnh mở rộng tại Việt Nam, tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại vào năm 2025 nhằm chiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm. Trong khi đó, số lượng siêu thị do người Việt làm chủ hiện có thương hiệu tốt chỉ “đếm trên đầu ngón tay” như Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op), Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp WinCommerce (đơn vị chủ quản hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+)…

Ngoài ra, nếu không đủ lực, doanh nghiệp còn nhiều khả năng phải chấp nhận bị thâu tóm. Gần đây nhất, SP Group (SP) - Tập đoàn Điện lực Singapore đã đạt thỏa thuận mua lại 2 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 100 MWp nằm tại tỉnh Phú Yên. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ, chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong 2 tháng qua, địa phương này đã chấp thuận cho 305 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 199,7 triệu USD, tăng 13,4% về số trường hợp và tăng 23,8% về vốn so với cùng kỳ.

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Khó khăn là vậy, nhưng giới chuyên gia vẫn khẳng định, với các doanh nghiệp nội, hiện cơ hội nhiều hơn thách thức.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam phân tích, nhiều doanh nghiệp Việt gần đây chứng tỏ sức mạnh khi tạo dựng thành công môi trường làm việc tốt, thu hút mạnh mẽ người lao động. Đồng thời, việc các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường tham gia vào thị trường nội địa sẽ giúp doanh nghiệp Việt mở rộng chuỗi cung ứng và có nhiều cơ hội để tham gia vào dịch vụ cũng như chuỗi cung ứng. Động thái này là tín hiệu tích cực, giúp kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi tiếp cận với những doanh nghiệp nước ngoài mạnh về thương hiệu, tài chính… cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt nhìn lại chính mình để biết rõ mình thiếu gì, yếu gì, từ đó khắc phục và mạnh dạn thay đổi về quản trị doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh.

Thay vì coi là đối thủ cạnh tranh, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần thắt chặt mối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mở rộng hội nhập với thế giới. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp trong nước để cùng nhau phát triển.

Ngoài ra, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thiết bị điện MBT còn đánh giá cao vai trò của tạo lập chuỗi liên kết doanh nghiệp trong nước. Các hiệp hội trong vai trò quy tụ các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực, làm đầu mối kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện hợp tác tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở ra nhiều bạn hàng mới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn được hợp tác về các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực và được tạo điều kiện để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân vững mạnh. Khi xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, cần có chính sách bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp và “khôn ngoan”. Việt Nam chào đón doanh nghiệp nước ngoài và kỳ vọng những đầu tư lớn, tạo ra cơ hội công ăn việc làm, phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan