CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số từ một chính sách phù hợp

Invest Global 11:44 24/02/2022

(TBTCO) - Với gần 100 tỷ đồng mỗi năm, nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Gia Lai không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, giữ rừng hiệu quả.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số từ một chính sách phù hợp

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa), Gia Lai. Ảnh: CTV

Lợi ích nhiều mặt

Ông Nguyễn Xuân Thưởng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai cho biết, Nghị định số 156/2008/NĐ-CP đã tích hợp những quy định phù hợp về chính sách chi trả DVMTR. Từ khi áp dụng trên địa bàn từ năm 2016 đến nay, đã đem lại hiệu quả, lợi ích nhiều mặt, tác động trực tiếp đến cuộc sống, nhận thức và hành động của hàng vạn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Điều nhận thấy rõ nhất là không chỉ góp thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà ý thức quản lý, bảo vệ rừng của bà con ở những nơi áp dụng chính sách này nâng lên rõ rệt.

Theo đó, Gia Lai đang thực hiện chính sách cung ứng DVMTR trên địa bàn là 470.247,73 ha. Đến nay, 59/59 chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND cấp xã đã hoàn thành việc mở 1.896 tài khoản ngân hàng để thực hiện chi trả cho người dân.

Ông Thưởng cho biết, thời điểm hiện tại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai phối hợp các sở ngành, UBND các huyện tổ chức rà soát và tiến hành thu tiền DVMTR đối với 18 cơ sở công nghiệp có sử dụng DVMTR. Đồng thời, quỹ tham mưu giúp UBND tỉnh quy định một số nội dung để tổ chức quản lý tiền DVMTR một cách hiệu quả, làm cơ sở cho các chủ rừng, tổ chức nhà nước, UBND cấp xã bố trí nhiệm vụ chi phù hợp, đúng quy định.

Đồng thời, lồng ghép tiền DVMTR với ngân sách nhà nước, làm sao để đảm bảo việc chi trả cho người dân nhận khoán tối thiểu là 300.000 đồng/ha/năm, có nơi được 600.000 đồng/ha/năm (tùy lưu vực chi trả).

Đặc biệt, quỹ còn đóng vai trò giám sát từ cơ chế cho đến tổ chức thực hiện, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo các chủ rừng sử dụng nguồn tiền đúng mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Chính sách này đã tạo ra nguồn lực giúp hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng có thêm thu nhập trung bình 6 triệu đồng/năm. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến việc mở rộng diện tích rừng giao khoán, tăng thêm lực lượng tham gia bảo vệ rừng để người dân được hưởng lợi từ nguồn DVMTR”- ông Nguyễn Văn Thưởng chia sẻ.

Giảm áp lực chi ngân sách

Theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, thời hạn thanh toán tiền DVMTR cho bên cung ứng DVMTR là trước ngày 1/6 hàng năm. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai (quỹ tỉnh) đã thực hiện chi trả xong nguồn tiền DVMTR đảm bảo đạt 100%/năm cho bên cung ứng (căn cứ trên tổng số tiền DVMTR thực thu trong năm).

Ban lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai cho biết, trong 3 năm qua, mỗi năm Quỹ huy động được nguồn thu DVMTR gần 100 tỷ đồng và chi cho các bên cung ứng. Có thể khẳng định, nguồn thu này đã tác động tích cực đến việc giảm áp lực của ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND cấp xã được bổ sung nguồn thu mới để bố trí các hoạt động thiết yếu cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, chính sách này còn giải quyết khó khăn về tài chính của 11 công ty lâm nghiệp khi Chính phủ cho dừng khai thác gỗ rừng theo quy định. Nhờ nguồn kinh phí này, tỉnh đã huy động được hơn 12.000 hộ dân sống gần rừng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số từ một chính sách phù hợp

Người dân xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai tham gia tuần tra bảo vệ diện tích rừng nhận khoán. Ảnh: CTV

Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai Nguyễn Xuân Thưởng cho biết thêm, Bên cạnh hoạt động thu, chi cho các đối tương, quỹ còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông, mục tiêu hướng đến là làm sao cho các cấp, các ngành, người dân sống gần rừng và kể cả các em học sinh nắm được chính sách chi trả DVMTR và công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, chú trọng nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp theo từng đối tượng: tuyên truyền qua báo, đài; tập huấn hoặc xây dựng các pa nô tuyên truyền đặt ở các trục giao thông để người dân nhận thức dần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Kết quả truyền thông cho thấy tác động tích cực, vừa giúp hộ gia đình, các em học sinh nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa của chính sách để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, vừa nắm bắt kịp thời các ý kiến từ cơ sở để thực hiện chính sách có hiệu quả hơn. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền đã tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở địa phương./.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan