CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thay vì bị tin đồn “thôi miên” nhà đầu tư nên chú trọng vào yếu tố vĩ mô

Invest Global 10:50 15/04/2022

(TBTCO) - Thị trường chứng khoán những phiên gần đây đang chịu tác động một phần từ các tin giả, tin đồn lan truyền kiểu “té nước theo mưa” theo một số sự vụ đang bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố vĩ mô cũng như nội tại doanh nghiệp để tránh bị tác động về mặt tâm lý tin giả, tin đồn, dẫn tới những sai lầm trong đầu tư.

Phối hợp chặt chẽ để xử lý các đối tượng tung tin giả

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn trong xu thế đi ngang vì tâm lý nhà đầu tư (NĐT) thận trọng. Chỉ số VN-Index nhanh chóng để mất mốc 1.500 điểm và có xuất hiện thêm một số phiên giảm sâu. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thông tin hỗ trợ từ trong nước chưa đủ mạnh, TTCK vẫn chịu tác động tương đối lớn từ diễn biến quốc tế như căng thẳng dư địa chính trị, hay lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng thêm lãi suất. Cùng với đó, thị trường cũng chịu tác động không nhỏ từ các tin giả, tin đồn tiêu cực “té nước theo mưa” theo các vụ việc liên quan tại FLC hay Tân Hoàng Minh mà các cơ quan chức năng đang xử lý.

Thay vì bị tin đồn “thôi miên” nhà đầu tư nên chú trọng vào yếu tố vĩ mô Nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh hành động theo những tin giả, tin đồn thất thiệt trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 2 công điện trong đó đã chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt UBCKNN và các đơn vị chức năng trong việc tăng cường sự phát triển ổn định, lành mạnh của TTCK. Thời gian qua, hàng loạt sai phạm cũng đã được các cơ quan quản lý xử lý nghiêm.

“Những chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển, UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm; đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên TTCK” – bà Tạ Thanh Bình cho biết thêm.

Ông Chu Tuấn Linh – Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, những sự vụ đơn lẻ vừa qua sẽ không tác động lâu dài tới TTCK và việc cơ quan chức năng mạnh tay thanh lọc các hành vi không lành mạnh, sai phạm cần được nhìn nhận là điều tích cực, giúp dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn.… Do đó, “các NĐT cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố vĩ mô cũng như nội tại doanh nghiệp để tránh bị tác động về mặt tâm lý, dẫn tới những sai lầm trong đầu tư” – ông Linh nói.

Các yếu tố nền tảng vẫn hỗ trợ thị trường tăng trưởng

Theo bà Tạ Thanh Bình, mặc dù, biên độ dao động và nhịp độ biến động có thể sẽ lớn hơn, song TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.

Cụ thể, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, nhưng đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế... Bên cạnh đó, sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, “Chính phủ cũng đã quán triệt nhiều chính sách sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều giải pháp về trong lĩnh vực thuế, hải quan,… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực chứng khoán, nhiều chính sách đã được Bộ Tài chính kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường và đã chứng minh được hiệu quả…” – bà Tạ Thanh Bình chia sẻ thêm.

Về các yếu tố nội tại của TTCK, bà Tạ Thanh Bình cho biết, với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên TTCK đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho “đặc sản riêng có” so với nhiều thị trường khu vực, như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh, ...

Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường khu vực. Theo Reuters, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3/2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 - 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN.

Tránh đầu tư theo trào lưu

“Nhà đầu tư (NĐT) cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán Việt Nam 2022 vẫn được đánh giá khả quan, do đó, NĐT nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, NĐT cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư”. - Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan