CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường sôi động trở lại, liệu đã hết lo?

Invest Global 11:31 05/08/2022

Thị trường đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp với dòng tiền được cải thiện đáng kể khi thanh khoản đều duy trì trên mốc 15.000 tỷ đồng và nhiều cổ phiếu tăng tốt. Điều này cho thấy tiền vào thị trường rất tốt, luân phiên diễn ra ở các nhóm ngành và không hề thoát ra khỏi thị trường, tạo kỳ vọng vào một “làn sóng” mới.

Nhà đầu tư có tâm lý chốt lời

“Dòng tiền quay trở lại được hỗ trợ bởi một số yếu tố tích cực, như VN-Index vượt ngưỡng cản 1.200 điểm, cởi bỏ áp lực tâm lý nhà đầu tư sau thời gian dài chán nản”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá.

Có thể nói, rất lâu rồi thị trường mới sôi động trở lại như vậy. Trên nhiều diễn đàn đầu tư chứng khoán, những nhà đầu tư bên "phe" cầm tiền thời gian qua cho biết, đang tìm hiểu một số mã cổ phiếu có triển vọng để lên kế hoạch giải ngân trở lại, thậm chí có nhà đầu tư chia sẻ đã sử dùng margin (đòn bẩy) trong vài phiên gần đây.

Tuy nhiên, dư âm từ những biến động mạnh của thị trường trong thời gian qua vẫn đang ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của một số nhà đầu tư theo trường phái “đỏ mua xanh bán, lãi là chốt”.

ta-m-ly-cho-t-lo-i-jpeg-165961-9868-3995

Tâm lý chốt lời của nhà đầu tư vẫn là lực cản khiến thanh khoản được đánh giá là khó có thể trở lại ngưỡng cần thiết để củng cố đà tăng cho thị trường (Ảnh minh hoạ)

Chị Thanh Giang (Hà Nội) chia sẻ, sau khi VN-Index vượt 1.200 điểm, đánh giá thị trường khá tích cực, chị đã cơ cấu danh mục, chốt lời cổ phiếu tài chính, ngược lại mua vào cổ phiếu thép.

“Thời gian này, lãi T+3 hoặc trong tuần được 5-10% là tôi bán, không giữ quá lâu vì lo thị trường có thể điều chỉnh bất kỳ lúc nào”, chị Giang nói.

Một số nhà đầu tư khác lại có quan điểm, thị trường đang khỏe do có dòng tiền nhập cuộc, chưa thể đi ngay ra khỏi thị trường được, cho nên VN-Index rất có thể lên tới vùng 1.280 điểm trong ngắn hạn. Khi đó, họ sẽ tiến hành chốt lời.

Theo ông Phan Mạnh Cường, chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán FPTS, tâm lý ngắn hạn của nhà đầu tư cá nhân là thị trường sôi động thì bán ra, lên cao thì mua lại, cứ tiếp diễn như vậy đến khi thị trường đảo chiều đột ngột thì cắt lỗ. Nếu dòng tiền nhà đầu tư cá nhân lại ồ ạt đổ vào thị trường thì có thể là lúc nhà đầu tư chuyên nghiệp bán toàn bộ.

"Vì vậy, thị trường sẽ sôi động hơn khi nhà đầu tư giao dịch nhiều nhưng dòng tiền chưa thể trở lại như trước”, ông Cường nhận xét.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk cho rằng, trong dòng tiền có một yếu tố nhiều người thường bỏ qua, đó là tương quan giữa dòng tiền vào thị trường và số lượng cổ phiếu. Khi số lượng cổ phiếu ít, chỉ lực đẩy nhỏ là có thể dễ dàng bứt phá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, thị trường chứng khoán phát triển khá tốt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội này để phát hành cổ phiếu (tăng lượng hàng hóa), cho nên dòng tiền lên 10 nghìn tỷ/phiên – mức cao so với quá khứ vẫn không đủ để trở thành lực đẩy mạnh cho thị trường, mà phải đạt tối thiểu 18-20 nghìn tỷ/phiên.

“Hiện tại vẫn chưa có yếu tố đủ lớn để có thể kéo dòng tiền trở lại mức 18 nghìn tỷ cho HoSE trong thời điểm này”, ông Điệp lưu ý.

Như vậy, mặc dù nhà đầu tư cá nhân quay lại giao dịch nhiều hơn khiến thị trường trở nên sôi động, đẩy thanh khoản tăng cao so với bình quân 2 tháng vừa qua là một tín hiệu tích cực. Nhưng việc tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư cá nhân vẫn thường trực cho thấy, đà tăng của thị trường sẽ phần nào bị ảnh hưởng.

Lạc quan trong thận trọng

Xét theo góc độ tích cực, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nếu thị trường vẫn tích cực, nhà đầu tư sẽ lại chủ động, tiếp tục quay lại tìm kiếm cơ hội. Trong khi đó, số lượng tài khoản mở mới duy trì mức cao và lượng tiền nằm chờ tại các công ty chứng khoán vẫn lớn, nên khi cơ hội rõ ràng, người cũ bỏ đi, thì sẽ có người mới thay vào.

Theo tiết lộ của ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp Đại học Bristol (Anh), lượng tiền mặt trên thị trường đang ở mức cao nhất trong lịch sử trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây ở các quỹ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc luôn có một lượng tiền rất lớn đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường.

“Các quỹ đầu tư thế giới đang chờ thanh khoản thị trường cải thiện sẽ đổ tiền vào. Lúc đó, thị trường cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng điểm”, ông Tuấn nhận định.

Nhìn chung, xét theo 3 yếu tố: Bối cảnh vĩ mô, dòng tiền và lợi suất, giới phân tích cho rằng, giai đoạn hiện nay đang là vùng đáy của thị trường và rủi ro đã phản ánh đáng kể vào thị giá. Mặc dù sẽ còn có những rung lắc song để thị trường giảm sâu hơn nữa là rất khó.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên chú ý tới 2 rủi ro có thể ảnh hưởng tới tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là ảnh hưởng từ giá dầu thô, lạm phát, lãi suất cao hơn và lo sợ tăng trưởng toàn cầu chững lại. Trong đó, giá dầu thô hiện nay đang biến động khó lường nên ảnh hưởng của nó tới thị trường chứng khoán vẫn là một dấu hỏi.

Vì vậy, mặc dù thị trường vẫn đang phát ra nhiều tín hiệu tích cực, nhưng nhà đầu tư nên có chiến lược phù hợp.

Với nhà đầu tư ngắn hạn, có thể canh mua những cổ phiếu có nền tích lũy đi ngang 1-2 tuần hoặc mua khi cổ phiếu điều chỉnh kiểm tra lại vùng hỗ trợ MA10, MA20. Không mua đuổi khi cổ phiếu đang có nhịp tăng giá. Còn với nhà đầu tư dài hạn, cần theo sát diễn biến vĩ mô trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Một điều nhà đầu tư nên lưu ý, đó là bất kể đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, tỷ trọng nắm giữ cố phiếu không nên vượt quá 30% tổng tài sản, và nếu gia tăng tỷ trọng nên quan sát giải ngân từng phần.

“Do chưa hội tụ đủ các yếu tố hỗ trợ mạnh, thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục ở mức thấp. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro”, chứng khoán VNDirect khuyến nghị.

Hải Giang

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan