CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thuốc “đặc trị” cho giải ngân vốn đầu tư công - Bài 4: Ai không làm thì đứng sang một bên

Invest Global 15:33 02/08/2021

Còn rất nhiều việc phải làm để Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 có thể được triển khai hiệu quả. Ở đó, không có chỗ cho những người đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Để giải quyết dứt điểm, phải có các thuốc “đặc trị”, không phải chỉ bằng quyết tâm chính trị, mà phải bằng cả một kế hoạch đầu tư công trung hạn hiệu quả và có tầm nhìn xa. 


Muốn thực hiện hiệu quả một dự án đầu tư công thì phải làm tốt từ khâu chuẩn bị đến xử lý vấn đề mặt bằng, thi công, thanh toán…  Trong ảnh: Triển khai thực hiện một đoạn Dự án Cam Lộ - La Sơn có vốn đầu tư công. Ảnh: Anh Minh

Bài 4: Ai không làm thì đứng sang một bên

Còn rất nhiều việc phải làm để Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 có thể được triển khai hiệu quả. Ở đó, không có chỗ cho những người đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ thích “xin - cho”, bo bo giữ tư duy nhiệm kỳ và lo lắng cho lợi ích nhóm.

Trăm dâu đổ đầu… thể chế

Tháng 11/2020, con đường Trường Chinh, cũng như một đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở), vốn được mệnh danh là “đường cong mềm mại” ở Hà Nội, đã được đưa vào khai thác, sau 7 năm ì ạch triển khai.

Cùng thời điểm đó, với nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, một loạt dự án đầu tư quy mô lớn cũng đã chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, bắt đầu khởi công hoặc sẵn sàng mọi thủ tục để sớm có thể khởi công xây dựng. Đó là các dự án xây dựng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Long Thành giai đoạn I…

Đây là một vài trong rất nhiều dự án thuộc diện chậm được triển khai trong thời gian qua. Và cũng như nhiều dự án đầu tư công khác, một trong những nguyên nhân được nhắc đến là do vướng mắc về thể chế. Điều này được nói nhiều đến mức, bà Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã phải thốt lên: “Có một câu chuyện gây rất nhiều tranh cãi. Đó là khi đánh giá về hạn chế, thì thể chế, pháp luật bao giờ cũng là nguyên nhân đầu tiên”.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đúng là có câu chuyện vướng mắc về thể chế, ở giai đoạn đầu của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016-2020, như việc cho phép các dự án giải ngân 2 năm; công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; cơ chế điều chỉnh kế hoạch đầu tư công thiếu linh hoạt…

“Nhưng hiện nay, về cơ bản, hệ thống luật pháp liên quan đến Luật Đầu tư công đã hoàn thiện. Còn một vài vấn đề thì sẽ tiếp tục được rà soát để sửa đổi, nhưng về cơ bản là đã rất tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, thực tế, những vướng mắc về thể chế, chính sách không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn là Luật Đất đai, Luật Xây dựng…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vấn đề không hẳn nằm ở thể chế, mà còn do yếu tố chủ quan, bởi tại sao, cùng một thể chế, chính sách, mà nơi giải ngân rất tốt, nơi lại không. Đây là thực tế được nhắc đến lâu nay, nhất là năm ngoái, khi giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề “nóng bỏng” của nền kinh tế.

Câu chuyện cũng đang lặp lại trong năm nay, khi 6 tháng đầu năm, trong khi có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình cả nước (29%), thậm chí có những tỉnh giải ngân rất cao, như Hải Phòng (76,2%), Thái Bình (64,4%), Quảng Ninh (59,6%), thì lại có 3 bộ, ngành giải ngân dưới 1% và 9 bộ, ngành chưa giải ngân được kế hoạch vốn.

“Đổ” cho thể chế là dễ nhất, nhưng thực tế không phải, vấn đề nằm ở chính các bộ, ngành, địa phương. “Đã nói phân cấp mạnh rõ ràng rồi, luật cũng rất rõ rồi, nhưng rất nhiều địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy và liên tục hỏi lại Trung ương để hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ, mất rất nhiều thời gian và không cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, giờ đã phân cấp, nên từ khâu lập dự án, lựa chọn dự án, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, triển khai, bố trí vốn chi tiết hàng năm cho dự án nào, bao nhiêu tiền đều do địa phương và bộ, ngành làm hết, Trung ương bây giờ không làm. Do đó, nếu có dàn trải, thì là do địa phương chọn dự án không đúng, bố trí vốn chậm, giao vốn chậm.

“Chúng ta chưa bám sát các quy hoạch, yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối vốn. Một số thì còn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư để đề xuất dự án, dẫn đến không bố trí được vốn, rồi làm chậm, dàn trải, lãng phí, thất thoát. Nhiều dự án chưa cần thiết cũng đề xuất, nhiều dự án quy mô quá lớn so với yêu cầu, đáng lẽ làm nhỏ, thì lại xin làm to, không kiểm soát được các định mức đơn giá, nên tổng mức đầu tư đội lên rất lớn, không có khả năng cân đối, rất lãng phí, dẫn đến kéo dài, ảnh hưởng đến dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn.

Thực tế, kinh nghiệm ở các địa phương giải ngân vốn đầu tư công tốt cho thấy, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng. “Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chúng tôi luôn sát sao từng dự án, thành lập các tổ công tác để thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án”, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đã từng quyết liệt mở chiến dịch “30 ngày đêm” trong năm ngoái để giải phóng mặt bằng cho cao tốc Hạ Long - Móng Cái, nhằm sớm triển khai dự án quan trọng này.

Ai không làm thì đứng sang một bên

Một chuyện chưa từng có đã xảy ra trong “lịch sử” đầu tư công, bởi lâu nay, trong con mắt của nhiều người, vốn đầu tư công chẳng khác nào “chùm khế ngọt”, càng xin được nhiều càng tốt. Vậy mà tháng 8, tháng 9 năm ngoái, khá nhiều bộ, ngành, địa phương đã lần lượt xin “trả lại vốn”.

Con số cuối cùng được tổng kết là trên 15.000 tỷ đồng vốn được trả lại, trong khi phần “xin thêm” chỉ gần 590 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương. Khoản chênh lệch được tính toán là hơn 14.598 tỷ đồng, một con số không nhỏ.

Một nguyên nhân rất đơn giản lý giải việc trả lại vốn bất thường này là các đơn vị đó không kịp giải ngân hết trong năm 2020. Vào thời điểm đó, Chính phủ hối thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân và rất gắt trong việc quy trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều cam kết được đưa ra trong khi thực tế, khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân là không thể. Trả lại vốn chính là cách để không ít địa phương “lách luật”. Trả lại vốn thì tỷ lệ giải ngân trên phần vốn được phân giao theo kế hoạch sẽ tăng lên, cam kết với Chính phủ sẽ hoàn thành.

Nhưng chuyện này không thể xảy ra trong giai đoạn 2021-2025 vì theo Luật Đầu tư công, từ  2021, nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân, thì năm sau, sẽ bị cấn trừ vốn. “Điều này buộc các địa phương phải tính toán kỹ khi lên kế hoạch đầu tư công hàng năm. Làm sao đúng với năng lực giải ngân của mình, nếu không, năm sau sẽ bị mất vốn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.

Theo mục tiêu được đặt ra tại Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, đã chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 28/7, với 474/476 đại biểu tán thành, 1 đại biểu không tán thành và 1 đại biểu không biểu quyết, thì phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Đây là mục tiêu khá “khó nhằn”, cao hơn cả giai đoạn 2016-2020, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các bộ, ngành, địa phương.

Năm ngoái, khi thị sát việc giải phóng mặt bằng Dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, đã nói rất rõ ràng rằng: “Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm”.

Đó là một dự án rất quan trọng. Nhưng các dự án đầu tư công khác cũng quan trọng không kém. Để triển khai Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 hiệu quả, tiến độ giải ngân đúng kế hoạch, thì không có chỗ cho những người đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cũng không có chỗ cho “xin - cho”, cho tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm. Tất cả phải vô cùng quyết liệt, từ khâu chuẩn bị dự án, làm thủ tục đầu tư, xử lý vấn đề về đất đai, mặt bằng, rồi thi công và thanh toán…

Nhiệm vụ nặng nề

Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã chính thức được thông qua, nhưng còn cả một khối công việc nặng nề phía trước phải hoàn thành. Đầu tiên, là còn có tới 777/2.236 dự án khởi công mới (chiếm 34,7%) sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn này chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư.

15.000 tỷ đồng là số vốn mà các bộ ngành, địa phương xin “trả lại” trong năm 2020 vì không giải ngân được hết.

777 Dự án khởi công mới (chiếm 34,7%) sử dụng vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2021-2025 chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư.

“Cần sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án này”, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai nói.

Thực tế, kế hoạch đầu tư công năm 2021 có những điểm khác biệt, đó là được triển khai khi Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa được thông qua. Chính vì thế, có nhiều dự án dự kiến khởi công trong năm nay chưa có tên trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, nên chưa thể giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 để thực hiện các dự án này. Giờ đây, nhiệm vụ cần sớm hoàn thành là chuẩn bị dự án và phân bổ vốn, để các dự án này sớm được triển khai.

Nhưng đó là nhiệm vụ trước mắt. Nhiệm vụ xuyên suốt và lâu dài, cũng là một “bài toán khó”, nhưng khó mấy cũng phải làm, theo Chủ tịch Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường là, Quốc hội yêu cầu giai đoạn 2021-2025, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm đưa công trình vào sử dụng....

“Phải tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Làm sao khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới”, ông Cường nói.

Một yêu cầu khác, đầu tư công phải bám sát và phục vụ việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước…

Đã đến lúc, vốn đầu tư công không còn và không thể là “chùm khế ngọt”, mà phải được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. “Vốn đầu tư công cần phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân và kể cả là vốn đi vay, thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào”, bà Vũ Thị Lưu Mai nói.

5 bài học kinh nghiệm

1. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún.

2. Nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công.

3. Nâng cao năng lực thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

4. Phát huy hiệu quả của cơ chế phân cấp, không trông chờ, ỷ lại.

5. Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát huy vai trò dẫn dắt, lan tỏa, “vốn mồi” của đầu tư công.
(Còn tiếp)

THEO BÁO ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan