CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Nông dân chuyên nghiệp là lực lượng nòng cốt, nền tảng quan trọng thúc đẩy xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm giúp người nông dân tri thức hoá, chuyên nghiệp lên. Đó là hành trình không có điểm dừng.
Ngày 12/9, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp", được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, thu hút 300 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022.
Cả nước có 3,6 triệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏiTại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII, bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước cho biết, thực tế cho thấy, nông nghiệp trong thời gian qua giữ vị trí rất quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2021 mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng 2,98% (cao hơn GDP bình quân chung cả nước), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD.
Nông dân đóng vai trò chủ thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Mỗi một kết quả, một thành công đều có bàn tay đóng góp của 12 triệu hộ hội viên nông dân, trong đó có khoảng 3,6 triệu hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi...
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, trong số 10,2 triệu hộ hội viên, nông dân của cả nước thì hiện nay có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu 'Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi' các cấp. Họ chính là lực lượng nòng cốt, nền tảng quan trọng thúc đẩy xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hơn nữa là thực hiện mục tiêu tri thức hoá nông dân.
"Tôi cũng vui mừng được biết, hàng năm cả nước có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; với nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200.000 hộ nông dân thoát nghèo. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần" - bà Võ Thị Ánh Xuân nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững. Lao động nông thôn có xu hướng già hoá. Năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, cần làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp", "Tri thức hóa nông dân" là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện và cụ thể hóa chương trình, đề án tri thức hóa người nông dân. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần có các chính sách để thu hút các lao động có trình độ, tri thức về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm việc tại các hợp tác xã.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đặt vấn đề: Tri thức hóa nông dân để làm gì? Ảnh: Khánh Linh Xây dựng người nông dân mới chính là người nông dân chuyên nghiệpLàm rõ nội hàm nông dân chuyên nghiệp, ở góc độ doanh nghiệp ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed, bày tỏ quan điểm người nông dân chuyên nghiệp phải là: người phải có tri thức, am hiểu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật; am hiểu quy luật kinh tế, thị trường, vốn, tài chính; am hiểu khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, người nông dân phải luôn nghĩ đến quan hệ hợp tác, quan hệ giữa nông dân với nhau, quan hệ với các cơ quan quản lý, với các doanh nghiệp; phải chú trọng việc vào hợp tác xã và có trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đặt vấn đề: Tri thức hoá nông dân là gì? Đó là sự hiểu biết. Theo ông, nông dân có hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, không gian lớn hơn không chỉ ngoài làng xã mà ra toàn cầu. Đó là điều mà hàng ngày chúng ta có thể làm được! Như Bác Hồ đã nói, học tập là học mãi, học suốt đời.
"Chúng ta có trách nhiệm giúp người nông dân tri thức hoá, chuyên nghiệp lên. Chúng ta sinh ra từ bờ tre gốc rạ, sinh ra từ nông thôn nên phải hiểu rằng người nông dân còn rất nhiều việc phải làm hàng ngày. Từ những bước đi đầu tiên, việc làm nhỏ, sẽ giúp nông dân dần tiếp cận số hoá, công nghiệp 4.0" - ông Hoan nhấn mạnh..
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đang bấp bênh, lý do quan trọng là thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, chuẩn hoá quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân. Nghị quyết số 19 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 có đề ra 9 giải pháp, thì giải pháp đầu tiên chính là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn...
“Tri thức hoá người nông dân chính là phải sẵn lòng chuyên nghiệp hoá chính mình. Bà con nông dân hãy thay đổi đi, rồi sẽ có chuyên gia, đoàn thể giúp đỡ…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Duy Hưng nhận định, để nâng cao năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn, cần tăng cường giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, khoa học công nghệ, quản trị xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh… Từ đó, nông dân và cư dân nông thôn có đủ khả năng làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp.