CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dự kiến với quy mô 3.000 tỷ đồng để bù 4% lãi suất, sẽ có khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi được “bơm” ra nền kinh tế. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải thiết kế quy chế đặc biệt cho gói hỗ trợ lãi suất này để không phải sửa Luật tổ chức tín dụng, đồng thời, lưu ý 4 "chốt" vĩ mô quan trọng...
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, đã chia sẻ quan điểm tại Đối thoại chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức tối 25/9.
LỢI ÍCH NHỎ, THIỆT HẠI KHÔN LƯỜNG
Theo quan điểm ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới, ngân hàng tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua giải ngân khoản vay mới. Một số quốc gia như Mỹ, châu Âu đã thành lập các nhóm ngân hàng tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp bằng cách cho vay tín chấp, có thể có bảo lãnh hoặc không có bảo lãnh. Tức là, tạo ra luồng tín dụng mới thực sự cho những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay ngân hàng, như doanh nghiệp đã có nợ xấu, không có tài sản đảm bảo.
Nhưng cách phổ biến nhất các nước đang làm để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp là sử dụng công cụ chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, tức là tăng cung tiền, hạ lãi suất điều hành. Dựa vào lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và giảm lãi suất huy động. Cách làm này áp dụng đại trà cho tất cả các doanh nghiệp, những ai còn đủ điều kiện vay ngân hàng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, Việt Nam từng thiết kế gói hỗ trợ lãi suất tương đối mạnh tay, mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm. Gói kích cầu 1 tỷ USD của Chính phủ chỉ sử dụng để hỗ trợ lãi suất cho vay các dự án và chương trình đầu tư với lãi suất ưu đãi.
Nhìn lại hiệu quả gói kích thích lãi suất trước đây, TS. Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn cho rằng: "Lợi ích là có nhưng không nhiều". GDP chỉ lình xình quanh mốc 5-6%/năm, tăng không lớn. Cụ thể, năm 2009, GDP Việt Nam đạt 5,3%/năm. Năm 2010, nhích lên 6,78%/năm. Năm 2011 lại giảm xuống 5,89%.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng được nới lỏng quá mức. Theo đó, năm 2009, tăng trưởng tín dụng quá khủng khiếp, lên đến 37,3%. Đến năm 2010, tăng trưởng tín dụng ở mức 27%. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát năm 2009 và 2010 chỉ ở mức 6,88%/năm; 9,19%/năm nhưng sang năm 2011 đã phi mã lên tới 18,58%/năm.
Về vi mô, hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng nguy hiểm, những hậu quả để lại vẫn chưa xử lý xong đến tận thời điểm này.
Cuối năm 2011 và trong năm 2012 chứng kiến một số sự kiện sáp nhập, mua lại “rúng động” ngành ngân hàng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn hợp nhất chính thức đi vào hoạt động sau khi hợp nhất từ 3 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa. Trước khi hợp nhất, ba ngân hàng này lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản trầm trọng.
CẤP BÙ LÃI SUẤT LÊN ĐẾN 4%
Trước tình cảnh hàng loạt doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ đã đến giới hạn của sức chịu đựng vì đòn giáng của đại dịch Covid-19,Hội Doanh nhân trẻ đã đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại gánh 1%. Đồng thời, có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.
Liên quan đến giải pháp cấp bù lãi suất này, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới đây các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cấp bách về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng gợi ý của Chủ tịch Quốc hội nên thảo luận một cách nghiêm túc, bởi 2 lý do.
Thứ nhất, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô, từ hai phía. Đó là ngân hàng trung ương, cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách, để bớt nặng để cho cả hai bên.
Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, dù có nhiều tổ chức hạ đến ba lần lãi suất từ năm ngoái năm nay, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ. Vì vậy, gói kích thích lãi suất này phải tạo ra một dấu ấn riêng.
Theo đó, dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung chẳng hạn, 1%/năm. Cộng với gói kích thích lãi suất này, đâu đó 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%/năm.
Thứ hai, về nguồn lực. Chúng ta căn ke quá nhiều. Đừng nghĩ chính phủ Mỹ và Nhật Bản, châu Âu nhiều tiền là không đúng. Nguồn lực Chính phủ các nước cũng vô cùng khan hiếm, chỉ đủ để chi tiêu thường xuyên và quản trị công. Hàng ngàn tỷ tài trợ cho doanh nghiệp, việc làm, thậm chí tài trợ đại trà đều vay ngân hàng trung ương.
Năm nay, với quy mô 3.000 tỷ đồng dự kiến để bù 4% lãi suất, dự kiến sẽ có khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi được “bơm” ra nền kinh tế. "Tôi cho rằng quy mô này quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét", TS. Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn.
“Nếu tiếp cận theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì số lượng doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất rất ít, một là không có nợ xấu, hai là đảm bảo doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản đảm bảo. Như vậy, Vietravel hay Vietnam Airlines chắc chắn đều đứng ngoài cuộc”.
Bộ Tài chính không dám đưa ra gói lớn hơn, vì lo sợ tạo rắc rối lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của dân chúng hoặc vay của ngân hàng trung ương. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương rất lớn, gấp tới 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009.
Vì vậy, “cần tạo ra khung khổ pháp lý cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu giảm, lợi nhuận có thể âm, lỗ, không có tài sản đảm bảo, đều tiếp cận được gói hỗ trợ. Phải có quy chế đặc biệt, để không ảnh hưởng đến Luật tổ chức tín dụng”, ông Nghĩa đề xuất.
Gói này áp dụng đại trà, bình đẳng, chứ không phân biệt nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, không phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, cần tính toán kéo dài gói hỗ trợ này trong vòng bao lâu, để sau khi kết thúc thì giải tán quy chế này. Ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán món này cho sòng phẳng, chứ không phải trừ vào thuế doanh nghiệp, chẳng khác đi “đem đá ném xuống ao bèo”, không đâu vào đâu. Đồng thời, thực hiện cách nghiêm túc, nhanh chóng, thuận tiện, cãi nhau hàng chục năm trời cũng không quyết toán nổi, không khéo xử lý hậu quả gói này lại mất đến 10 năm.
4 "CHỐT" CẦN LƯU Ý
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý, nếu chúng ta thiết kế gói hỗ trợ lãi suất, cần phải cân nhắc thận trọng, tránh những hậu quả về vĩ mô và vi mô không đáng có, phải giới hạn các “chốt”.
“Chốt” thứ nhất, giữ mức tăng trưởng tín dụng hợp lý nhưng mức bao nhiêu là chấp nhận được, không đẩy lên quá cao, ngân hàng trung ương phải tính toán.
“Chốt” thứ hai, không đẩy lạm phát đẩy lên quá cao, vậy mức nào có thể chấp nhận được? Chẳng hạn, hàng năm, Quốc hội “kìm cương” lạm phát dưới 4%. Vậy nếu thực hiện gói này, có thể chấp nhận mức 5% hay không? phải rất cẩn trọng,.
“Chốt” thứ ba, điều chúng tôi lo ngại về mặt vĩ mô, là tỷ giá hối đoái. Nếu thực hiện gói này, lãi suất giảm, tỷ giá hối đoái sẽ tăng.
“Chốt” thứ tư, phải chấp nhận nợ xấu ở mức độ nào khi thực hiện gói này, làm thế nào để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng là điều cần tính đến.
Từ kinh nghiệm của thế giới và bài học xương máu năm 2009, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này. Diễn biến dịch Covid-19 có thể kéo dài hết năm 2022, chưa lường trước những nguy hiểm của các biến thể mới nên gói hỗ trợ đủ dài, tạo sức bật cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh.
Hiện tại, năng lực thể chế, năng lực của ngân hàng trung ương khác trước rất nhiều. Quốc hội, Chính phủ cũng hiểu rõ về các vấn đề kinh tế vĩ mô và những bài học để đời đã thấm thía, là nền tảng quan trọng để thực hiện gói này. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam có nền tảng tài chính khá tốt, các chỉ số tài chính ROA, ROE… cải thiện đáng kể, tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
THEO VNECONOMY