CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Vaccine' nào cho nền kinh tế? - Bài 2: Chuyên gia băn khoăn gói 115.000 tỷ giãn thuế cho doanh nghiệp

Invest Global 11:57 23/06/2021

Nhàđầutư: Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị ngoài "gói" giãn thế 115.000 tỷ, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ có biện pháp miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. 

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội nhận định hoạt động doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Hiệu quả của các giải pháp tài chính, tiền tệ để hỗ trợ DN, các đối tượng khó khăn còn hạn chế, chưa triển khai được.

Như bài trước đã nêu, Chính phủ đã kích hoạt nhiều chính sách là chưa từng có tiền lệ. Cách tiếp cận chính sách ở đây là diện bao phủ được hỗ trợ đủ rộng, kết hợp đảm bảo an sinh xã hội cùng cơ bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp còn có "dòng tiền" để cầm cự, duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ khiến các gói hỗ trợ chưa hiệu quả.

Thực tế tới tháng 5/2020, gói hỗ trợ 62.000 tỷ chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu. Đa số khoản tiền này là chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, lao động tự do mất việc làm, hộ kinh doanh…

Ngoài gói 62.000 tỷ, DN cũng quan tâm đến "gói" giãn thế đã thực sự hỗ trợ được DN hay chưa?

Đề nghị miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo đó, Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 được xem là liều thuốc quý giá, giúp doanh nghiệp "hồi sức" trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng. 

Trao đổi với Nhadautu.vn về "gói" này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện những biện pháp tương tự như Nghị định 41 đã được Chính phủ tiếp thu và đưa vào Nghị định 52.

Theo ông, Nghị định 52 mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách, tác động dịch bệnh COVID-19 bắt đầu mở rộng hơn các nhóm đối tượng, một số thủ tục hành chính có những cải thiện, cải tiến trong Nghị định 52.

Chính phủ đã kích hoạt nhiều nhiều chính sách là chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: Trọng Hiếu.

"Tuy nhiên, Nghị định 52 khi được thực thi liệu DN có lăn tăn? Có những điểm trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP tôi có thể chia sẻ như sau: Bản chất của Nghị định 52 là không miễn, không cắt thuế, mà là tạm lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ, chính sách. DN phải thực sự ý thức rất rõ điều này. Nếu không, DN sẽ tính toán sai trong chiến lược kinh doanh. Tạm thời lùi việc nộp nghĩa vụ về tài chính, lùi lại thời hạn, có nghĩa là nghĩa vụ tài chính này không phải nộp trong thời điểm hiện nay, nhưng sau đó phải nộp đầy đủ, cho nên, đây không phải là biện pháp miễn", ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia nhận định, hiện nay, DN cần một luồng tiền mặt để trang trải những chi phí trong việc cầm cự, hoặc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nhưng DN lo là sau khi thời hạn giãn, hoãn đã hết, phải nộp nghĩa vụ về tài chính thì gánh nặng tài chính bị cộng dồn.

"Có nghĩa cuối năm họ nộp một lúc rất nhiều nghĩa vụ tài chính, thậm chí khó khăn lại chồng chất hơn về cuối năm. Chúng ta tin tưởng dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng giả sử một kịch bản xấu nhất là dịch bệnh vẫn tiếp tục, DN vẫn gặp khó khăn, thì khó khăn của họ sẽ tăng lên rất nhiều lần. Vì thế rất nhiều DN rất ngần ngại khi đưa ra quyết định có nên thụ hưởng chính sách này hay không", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích.

Mặt khác, ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng Nghị định 52, tạm hoãn 4 chính sách là thuế thu nhập DN, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình và tiền thuê đất, như vậy sẽ có các vấn đề xảy ra.

Thứ nhất, về tiền thuê đất, rất nhiều DN trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm, đối tượng được thụ hưởng nội dung này cũng giảm đi một chút.

Thứ hai, thuế VAT xảy ra khi chúng ta có giao dịch thương mại thì mới phát sinh thuế VAT. Khi kinh doanh bị đình trệ, thậm chí không phát sinh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN không phát sinh nghĩa vụ thuế.

Điểm thứ ba, điều DN lo ngại nhất là khi họ thực hiện thủ tục hành chính, trong nguyên tắc DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực chính sách, về mặt đối tượng. Khi họ nộp thủ tục, theo Nghị định 52, cơ quan thuế có một thủ tục không thực sự rõ, nên DN rất nghi ngại. Đó là sự chấp nhận đề nghị gia hạn, nhưng chấp nhận đề nghị gia hạn đấy, giả sử sau này DN có bị sai về đối tượng, hoặc bị sai về các vấn đề về thuế, thì theo nguyên tắc DN tự chịu trách nhiệm và nếu sai lại bị thanh tra và bị truy thu thuế.

"Vấn đề DN lo ngại ở đây là khi đã nộp đề nghị gia hạn thuế thì liệu rằng đề nghị này có giá trị pháp lý như thế nào? Họ lo rằng, nếu được hưởng chính sách này, sau đó cơ quan thuế lại thanh tra, nhỡ có một sai sót gì trong việc thực hiện thủ tục mà bị nộp phạt thuế, hoặc bị truy thu thuế thì rất khó khăn cho DN", theo ông Phan Đức Hiếu.

Ông cũng nhận định Nghị định 52 có tiến bộ hơn so với trước đây, nhưng chưa nhìn thấy được điều khoản nào thực sự rõ ràng để giảm được rủi ro pháp lý cho các thủ tục đó. Đây là 3 quan ngại mà cộng đồng DN cho rằng liên quan đến Nghị định 52 được áp dụng trong thời gian tới.

Về kiến nghị, ông Hiếu muốn làm rõ cho DN ý nghĩa khi nộp thủ tục này. Khi được cơ quan thuế chấp thuận, ý nghĩa của nó như thế nào, bởi điều này rất khác với Nghị định 41. Cơ quan thuế phải suy nghĩ đến kịch bản xấu nhất: Dịch vẫn còn tiếp diễn phức tạp và tác động đến cộng đồng DN đến cuối năm; cộng dồn những nghĩa vụ thuế ở đây mà DN không trả được, thậm chí rủi ro của họ tăng gấp đôi. Ngay bây giờ phải nghĩ đến biện pháp, nếu như tác động của dịch bệnh còn kéo dài, thì việc tiếp tục thực hiện Nghị định 52, hay những khoản thuế đã được gia hạn, có nên đặt vấn đề tiếp tục gia hạn hay không.

"DN cần biết rất rõ để họ xây dựng chiến lược kinh doanh không thể trong vòng vài tháng. Nếu như ngay từ bây giờ họ có một phương hướng thì có thể sẵn sàng tiếp nhận và xây dựng chiến lược kinh doanh một năm tới", vị chuyên gia nêu vấn đề.

Ông còn kiến nghị cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ có biện pháp miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho DN như: Giảm một phần nào đó nghĩa vụ về thuế hay có thể xem xét miễn giảm thuế VAT cho các vật tư, thiết bị phòng chống dịch chẳng hạn ... sẽ hỗ trợ thiết thực cho DN, người dân vượt qua đại dịch, thực hiện thành công "mục tiêu kép" do Chính phủ đề ra.

Cơ quan thuế nói gì?

Nói về những băn khoăn trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) chia sẻ về lo lắng của người dân, của DN là việc giãn thuế sẽ phát sinh nghĩa vụ tài chính bị dồn cục vào thời điểm cuối năm.

Cần nhiều phương án đủ mạnh để giải cứu nền kinh tế trước bão COVID-19. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nhưng theo bà, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN phải lường trước được, phải chuẩn bị dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Nghị định 52 đã có thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn cục tất cả vào tháng 12. "Ví dụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng, thì tháng 9 sẽ phải nộp thuế, thuế GTGT tháng 4 thì tháng 10 nộp thuế… chứ không phải tất cả nộp trong tháng 12. Hoặc như tiền thuê đất, nếu tiền thuê đất đợt một phải nộp vào NSNN vào ngày 31/5 thì được thiết kế là gia hạn 6 tháng, có nghĩa đến 31/11 mới phải đóng. Chúng ta thấy được sự giảm tải tập trung thanh toán tại một thời điểm, giúp người nộp thuế chủ động hơn", bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.

Về tính pháp lý của giấy đăng ký gia hạn nộp thuế, Tổng cục Thuế tuân theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Bà Hà cũng khẳng định không ai ngoài người nộp thuế biết họ đang sản xuất, kinh doanh ngành hàng nào, có thuộc nhóm được Nhà nước cho phép gia hạn không.

"Đồng thời, Nghị định 52 cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế sẽ tự soi vào đấy để xác định mình thuộc ô nào và tự tích vào đấy. Nếu họ không thuộc các ô đấy thì họ không được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế. Cơ quan thuế chỉ rà soát, kiểm tra đối chiếu xem người khai thuế có sai sót, nhầm lẫn hay không để nhắc nhở họ soi lại, chứ cơ quan thuế không phủ định việc họ có được gia hạn nộp thuế hay không. Tôi khẳng định, giấy đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế có tính chất pháp lý, có hiệu lực để áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế", Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế nhấn mạnh.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan