CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Vaccine' nào cho nền kinh tế - Bài 3: Doanh nghiệp cần gói vay ngân hàng, chính sách thuế, cởi trói các thủ tục

Invest Global 14:01 23/06/2021

Nhàđầutư: Đại diện nhiều doanh nghiệp gặp khó trước đại dịch COVID-19 cho rằng Chính phủ đã quan tâm ban hành các gói hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, một số chính sách chưa tới để doanh nghiệp vượt khó. 

Tại cuộc họp phiên mở rộng do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức để cho ý kiến về thẩm tra sơ bộ báo cáo kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại khi số doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao, lần lượt tăng 20,7% và 23%.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết ông bất ngờ khi DN lớn cũng rút khỏi thị trường. "Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra. Có một nhận định chung là sức khỏe của DN đang yếu, bị COVID-19 "đánh" cho tan hoang", ông Phương nhận định.

Để có tiếng nói của người trong cuộc, Nhadautu.vn đã trao đổi với một số lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trước dịch COVID-19, đề xuất Chính phủ những giải pháp để doanh nghiệp "sống sót" vượt qua đại dịch.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Group. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những gói vay ngân hàng là loại "vaccine" doanh nghiệp cần nhất

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Group cho rằng gần 60.000 DN dừng hoạt động từ đầu năm 2021 tới nay, đặt biệt theo lãnh đạo UBND TP.HCM thì các DN dừng hoạt động lớn nhất khi mà làn song dịch bệnh COVID -19 lần thứ 4 bùng phát.

"Tất cả đang đẩy các DN tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vào tình cảnh khó khăn, trong khi tới nay tôi nhận thấy các gói hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay vẫn chưa phát huy hiệu quả cho DN", bà Hương nhận định.

Theo bà, năm 2020, Chính phủ có một gói vay tài khóa hỗ trợ DN bị ảnh hưởng từ dịch bệnh lên tới 180.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ giãn, hoãn cho thuê đất, thế nhưng tới nay tỷ lệ hỗ trợ được công bố sau 1 năm hình thành chỉ đạt 48%. Hay như ngành sản xuất, DN thiếu nhất là nguồn vốn trong ngắn hạn để trả lương và tái đầu tư nhằm duy trì và khôi phục hoạt động thì liều vaccine tốt nhất là hỗ trợ về vốn.

Vì vậy, Chính phủ nên có gói hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp lãi suất ưu đãi và ân hạn nợ gốc. Tuy nhiên, CEO Đại Phúc Group cho rằng sẽ có xếp loại đánh giá về khả năng chi trả, trong đó có yếu tố lịch sử doanh thu, lợi nhuận, số người lao động, thâm niêm hoạt động, khả năng chiếm thị phần và mở rộng hoạt động trong tương lai...

Nữ Tổng giám đốc cũng phân tích, Chính phủ cũng đã có những gói cứu trợ tài chính cho vay lớn, tuy nhiên tới nay những gói cứu trợ này chưa được giải ngân cho vay hết. Các gói vay này đa phần mang tính đại trà, dẫn tới việc DN tiếp cận khó, trong khi đó nếu gói tín dụng vay có thể đưa vào từng ngành nghề thì các doanh nghiệp sẽ hấp thụ gói vay tốt hơn.

"Đặc biệt là một số nhóm ngành quan trọng cần có gói vay hỗ trợ riêng, từ đó sẽ có sự hấp thụ gói vay và hiệu quả gói vay tốt hơn. Bên cạnh đó, để gói hỗ trợ tài chính hiệu quả, giải ngân tốt thì cũng cần thay đổi cách thực thi chính sách tiếp cận gói vay cho các DN, không nên khắt khe quá trong việc xét năng lực được vay. Có như vậy, liều "Vaccine" tài chính mới thực sự hiệu quả, giúp DN kháng được đại dịch, hồi phục năng lực phát triển", theo bà Nguyễn Hương.


Doanh nghiệp vẫn cần gấp liều "vaccine" mang tên thuế

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn địa ốc Thắng Lợi nhận định đại dịch đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình kinh doanh của DN. Vì thế, các chính sách hỗ trợ DN như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và các khoản thuế phí khác, tiền thuê đất trong năm 2021 được xem là thiết thực giúp cho DN có thể trụ vững được trong bối cảnh nhiều ngành nghề phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID -19.

Thêm nữa, sau khi dịch được kiểm soát thì việc gia tăng sản xuất, bù lỗ cho thời điểm trước dịch sẽ được các DN tích cực đẩy mạnh, do đó, những chính sách, thủ tục trong việc triển khai các dự án mới được khơi thông để giúp DN có thể sớm "vượt cạn" sau đại dịch.

Song song đó, doanh nghiệp cũng tự phải có những chiến lược ứng phó với thời COVID hiện tại, vừa đảm bảo an toàn trong mùa dịch, vừa không để dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh.

"Tại Tập đoàn Thắng Lợi, chúng tôi tuân thủ nghiêm thông điệp 5K. Đặc biệt, quán triệt chủ trương "Sống, làm việc và phát triển cùng COVID" rộng rãi trong toàn hệ thống tập đoàn. Có thể nói, dịch bệnh cũng là lúc chúng tôi nhìn lại cơ cấu tổ chức, từ đó có những phương hướng, sách lược mới phù hợp với tình hình và bối cảnh thực tế",  ông Quyền chia sẻ.

4 liều "vaccine" cho doanh nghiệp địa ốc TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay HoREA và cộng đồng DN bất động sản đang cần một liều "vaccine" đó là cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng để tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch COViD-19.

Cụ thể, liều "vaccine" đầu tiên là cần Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM sớm trình UBND TP.HCM "ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố” theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình tại Văn bản số 382/TB-VP ngày 12/05/2021. Với liều "vaccine" này, HoREA đề xuất nội dung 4 bước thủ tục hành chính, như sau:

Bước 1: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP (có ghi tên “nhà đầu tư”).

Bước 2: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM; hoặc UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện thủ tục "phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng" dự án nhà ở thương mại đã có văn bản "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư", Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 quy định "chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận".

Bước 3: Sở Tài nguyên và Môi trường  TP.HCM thực hiện thủ tục giao thuê đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Bước 4: Sở Xây dựng TP.HCM thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thực hiện song song thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất và thông báo để chủ đầu tư thực hiện.

Liều "vaccine" thứ hai là Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM sớm trình UBND TP.HCM ban hành "quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập".

Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Ảnh: Thế Toàn.

Liều "vaccine" thứ 3 là UBND TP.HCM hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản khai thác được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19

HoREA đề nghị UBND TP. HCM quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ về pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản, để sớm khai thác được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, đáp ứng một phần nhu cầu chủng ngừa vaccine cho nhân dân thành phố và người lao động của các doanh nghiệp.

Liều "vaccine" cuối cùng là Chính phủ sớm tháo gỡ "ách tắc" về việc nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư:

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP thì tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp (100% đất nông nghiệp), hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở), nhưng không được công nhận là chủ đầu tư, mặc dù nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất các thửa đất này đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2020.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan