CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Vaccine' nào cho nền kinh tế? - Bài cuối: Chính phủ muốn biết doanh nghiệp, người dân đang cần gì để hỗ trợ

Invest Global 11:35 25/06/2021

Nhàđầutư: "Sẽ không có bất cứ định lượng hay giới hạn thời gian cho "gói" hỗ trợ lần này vì nó phụ thuộc vào việc các địa phương, người dân, DN ở địa phương đó cần gì thì Chính phủ sẽ hỗ trợ theo cách đó", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết. 

Các gói hỗ trợ là liều "vaccine cho nền kinh tế" hiện nay. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ đang đốc thúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm trình Thủ tướng xem xét các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo báo cáo tình hình phát triển DN năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021. Trong dự thảo, đơn vị này đề xuất nhiều giải phép hỗ trợ DN.

Theo đó, về tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho DN, Bộ KH&ĐT đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.

Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho DN, giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp; không chỉ áp dụng với các DN nhỏ và vừa mà bổ sung thêm DN trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.

Với việc miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng tiếp tục áp dụng và có sửa đổi chính sách giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch COVID-19; tiếp tục cho áp dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp nhập linh kiện về sản xuất máy thở, hoàn thuế cho doanh nghiệp đã nhập khẩu linh kiện về sản xuất máy thở.

Doanh nghiệp cần sớm được nhận thêm gói hỗ trợ để vượt qua đại dịch COVID-19. Ảnh: Trọng Hiếu.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính cần xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như: Hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa.

Cùng với đó, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô mới đăng ký kinh doanh vận tải.

Với các khoản phí, lệ phí phải nộp, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 12/2021; giãn đóng phí công đoàn và giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021; cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021…

Cũng được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ DN và NLĐ bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ phải ngừng việc do DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm hoạt động, để phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19.

Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho NLĐ bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn: NLĐ đang thuê nhà, NLĐ đang thuê nhà có nuôi con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm ngừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng dịch Covid-19.

Ngoài ra, thực hiện chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ; hỗ trợ dòng tiền cho các DN, vừa để bảo đảm việc làm cho NLĐ.

Bộ LĐTB&XH còn đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng...

Chính phủ muốn biết doanh nghiệp, người dân đang cần gì

Trao đổi với Nhadautu.vn, về quan điểm của Chính phủ trong hỗ trợ DN, nền kinh tế vượt đại dịch COVID-19 thời gian tới, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng đánh giá lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế thời gian vừa qua có thể thấy những kết quả khả quan, tích cực khi Việt Nam tăng trưởng kinh tế năm 2020 dương 2,91% trong khi kinh tế thế giới suy giảm 4%.

"Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế thế giới và Việt Nam không đứng ngoái vòng xoáy đó. Cho đến thời điểm hiện tại chúng ta đã đối diện với đợt dịch thứ 4 bùng phát, DN, người dân cũng đã phải chống đỡ với dịch bệnh 1 năm rưỡi - một khoảng thời gian đáng kể để DN "ngấm đòn" và phần nào suy kiệt thể lực", TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuy nhiên, ông Kiên nhận định cũng cần nhìn nhận điều đó là "bình thường" trong một giai đoạn bất thường - khủng hoảng kinh tế toàn cầu; không thể dùng mức tăng trưởng năm 2018, 2019 để so sánh với tăng trưởng kinh tế năm 2020 hay 2021. Việc DN rời khởi thị trường tăng, trong đó có cả DN lớn nên được nhìn nhận một cách khách quan, là đúng quy luật vận hành của kinh tế thị trường trong bối cảnh thế giới cũng đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19.

Chính phủ thời gian qua và hiện nay đang làm hết sức để hỗ trợ DN, nền kinh tế để DN có thể sống sót, phát triển và nền kinh tế có thể đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Hiện nay có rất nhiều giải pháp đang được Chính phủ đồng thời áp dụng, cùng với đó là thay đổi cách tiếp cận để hỗ trợ DN.

Chính phủ muốn biết DN, người dân đang cần gì để Chỉnh phủ hỗ trợ. Chính phủ nhìn vào tín hiệu thị trường để điều hành chính sách nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm trong nước, cùng với đó là sự linh hoạt, mạnh dạn hơn trong phòng, chống dịch bệnh.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên Kiên, việc đẩy nhanh tiêm vaccine được coi là một giải pháp trọng tâm. "Hiệu quả của vaccine là giúp cho COVID-19 không còn đáng sợ nữa mà sẽ trở thành giống như một dạng cảm cúm thông thường - bị bệnh có thể tự chữa trị tại nhà, có cách ly thì cũng chỉ cần cách ly trong nhà cho tới khi khỏi ốm, giúp cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân, DN sớm trở lại trạng thái bình thường như trước dịch", vị tiến sĩ phân tích.

Hiện, Chính phủ cũng đang chờ những đề xuất từ phía các địa phương để biết địa phương cần gì, đề xuất giải pháp hỗ trợ nào để Chính phủ đưa giải pháp và giao toàn quyền thực thi cho người đứng đầu địa phương. "Sẽ không có bất cứ định lượng hay giới hạn thời gian cho "gói" hỗ trợ lần này vì nó phụ thuộc vào việc các địa phương, người dân, DN ở địa phương đó cần gì thì Chính phủ sẽ hỗ trợ theo cách đó", Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ đồng tình với các đề xuất của Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH. Ông cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành các quyết sách trên để cứu DN, đặc biệt là miễn, giảm thuế.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan