CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vì đâu ‘miếng bánh’ thị trường EU còn xa với nhiều nông sản Việt?

Invest Global 10:18 16/09/2022

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, đánh giá khu vực Bắc Âu (nhất là Hà Lan, thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam tại EU, sau Đức) mặc dù dân số không lớn nhưng kim ngạch nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng với sự có mặt của nhiều tập đoàn phân phối nông sản, thực phẩm lớn. Đây là cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản từ Việt Nam xuất khẩu vào các nước Bắc Âu và EU như gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây, thủy sản, hạt điều...

Chỉ chiếm khoảng 4% ở thị trường EU

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU nói chung và Bắc Âu nói riêng. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết thị phần của nông sản Việt Nam tại thị trường Bắc Âu và EU còn rất thấp (khoảng 4% của thị trường EU trên 160 tỷ USD/năm), do nhiều khó khăn, nhất là quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (để được hưởng ưu đãi về thuế), thiếu các thương hiệu lớn và chưa có sự am hiểu về thị trường EU.

-5754-1663231090.jpg

Thị phần của nông sản Việt Nam tại thị trường Bắc Âu và EU còn rất thấp.

Do vậy, tại Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản tại Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu diễn ra chiều 15/9, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp khuyến nghị các doanh nghiệp cần chia sẻ kinh nghiệm để khai phá được thị trường Bắc Âu và EU nói chung. Thông qua đó, nắm bắt thị trường, các biến động về chính sách, hàng rào kỹ thuật.

Bắt đầu đi theo con đường sản xuất tiêu hữu cơ từ năm 2015, Công ty TNHH Hồ tiêu Việt mất thêm 3 năm để đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ quốc tế và xuất khẩu tới thị trường EU, trở thành đơn vị tiên phong làm hạt tiêu hữu cơ và xuất khẩu hạt tiêu hữu cơ ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ về hành trình trên, bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt nói với VnBusiness rằng, đó là quá trình rất khó khăn, cần sự nỗ lực lớn. Đầu tiên là việc thuyết phục nông dân đi theo con đường hữu cơ, đồng thời gắn với quá trình sản xuất, chế biến nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn nhất định. Đồng thời, bao bì, mẫu mã cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu trong quá trình thu hoạch, bảo quản có sai sót, sản phẩm sẽ bị nhiễm chéo và hạ từ tiêu chuẩn hữu cơ xuống sản phẩm thông thường.

Chưa kể, để sản xuất được sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp phải đầu tư được hệ thống máy móc thiết bị chế biến, hiện đại theo yêu cầu của châu Âu. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, phía thị trường châu Âu liên tục đưa thêm các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm tiêu nhập khẩu phải test tới hàng trăm chỉ tiêu về chất lượng mới được đóng mác là sản phẩm hữu cơ.

Tuy khó khăn là vậy, nhưng bà Thương cũng cho rằng thị trường châu Âu được đánh giá là “người quyết định cuộc chơi” trên toàn thế giới. Do vậy, việc họ đưa ra các tiêu chuẩn như vậy, thì doanh nghiệp phải đáp ứng bởi nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và mất cơ hội không chỉ ở thị trường EU mà còn với thế giới.

Khai thác cơ hội dù là nhỏ nhất

Trong khi đó, bà Vũ Thị Thu Huyền, Giám đốc HTX chè Thịnh An Thái Nguyên, cho hay sản phẩm chè của HTX được đưa đến thị trường Pháp, được người tiêu dùng đánh giá rất tốt. Tuy nhiên do chưa xuất khẩu trực tiếp được nên phải thông qua công ty trung gian, do đó sản phẩm không được gắn thương hiệu, nhãn mác của hợp tác xã. Đây là điều đáng tiếc.

Nguyên nhân chưa thể xuất khẩu gián tiếp được bà Huyền đưa ra là do trình độ quản lý của HTX còn hạn chế, do đặc thù là đơn vị chuyên sản xuất nên làm thương mại còn kém, rào cản về ngôn ngữ…

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển (Kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, NaUy, Latvia, Ireland), cho biết so với các nước ASEAN khác, nông sản Việt xuất khẩu vào EU có kim ngạch cao hơn, nhưng thị phần còn khiêm tốn. Trong khi đó, tiềm năng ở thị trường EU là rất lớn.

Phân tích thị trường một số nước Bắc Âu, bà Thúy cho hay thị phần nhập khẩu của Việt Nam ở đây rất bé. Bà dẫn chứng như mặt hàng hạt điều bóc vỏ, Thuỵ Điển nhập khẩu 27 triệu USD/mỗi năm, có tiềm năng tăng lên hơn 30 triệu USD. Tuy nhiên, hạt điều Việt Nam chỉ xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này được 10 triệu USD, số còn lại Thuỵ Điển nhập từ nước xung quanh như Hà Lan, Ba Lan nhưng thực ra hạt điều nhập khẩu từ các nước trung gian trên chủ yếu lại là của Việt Nam.

Hay với mặt hàng gạo, bà Thúy cho rằng có thể khai thác thêm 16 triệu USD. Nếu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Thuỵ Điển chỉ đạt 44 nghìn USD, gần như gạo Việt nam vắng bóng trên các kệ hàng, nhưng với sự nỗ lực của Thương vụ cùng doanh nghiệp, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng lên 2,7 triệu USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 200,1%. Do vậy, ngành gạo Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu và đảm bảo chất lượng, nếu không sẽ mất thị trường, mất công sức xây dựng trong thời gian qua.

Theo đó, bà Thuý khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gắn với sản phẩm có lợi cho sức khỏe, nhãn mác, bao bì gắn với chất lượng, tiện lợi. Và thông tin về thị trường được ví là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp, như thông qua Thương vụ khai thác về thông tin, để DN khai thác cơ hội dù là nhỏ nhất.

Ông Triệu Thành Nam, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào thương hiệu, cũng như nâng cao chất lượng để tổ chức sản xuất và chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của châu Âu.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan hỗ trợ bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đi theo chuỗi giá trị ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm xuất sang EU.

Nhật Linh 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan