CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng nhưng lợi nhuận vẫn giảm, nhiều doanh nghiệp báo lỗ

Invest Global 14:30 29/05/2023
xk gao trung anXuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi trong những tháng đầu năm. Ảnh TA

Chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp lỗ?

Theo số liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), nửa đầu tháng 5, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu gần 370.000 tấn gạo các loại, trị giá gần 200 triệu USD, tăng 16,21% về khối lượng và tăng 27,7% về giá trị so với cùng kỳ.

Tính chung, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 15/5 đạt 3,265 triệu tấn, trị giá 1,722 tỷ USD, so với cùng kỳ 2022 tăng 37,42% về số lượng và tăng 48,44% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.

Cũng theo VFA, từ ngày 1 – 18/5, có 23 tàu vào các cảng chờ nhận hàng với số lượng dự kiến 135.500 tấn gạo các loại trong đó, 22 tàu cập cảng TP. HCM và 01 tàu cảng cập cảng Mỹ Thới (An Giang). Tàu nhận hàng đợt này chủ yếu giao hàng sang thị trường Philippines, Indonesia, Châu Phi.

Với nhu cầu tăng mua lương thực dữ trữ, thị trường xuất khẩu gạo được đánh giá có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, do lạm phát tăng cao, suy giảm kinh tế và chênh lệch tỷ giá khiến cho giá gạo xuất khẩu không tăng, trong khi phí đầu vào tăng đã làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, mặc dù những tháng đầu năm nay nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia nhập khẩu tăng cao nhưng giá cả thì rất khó đoán định.

"Trong 5 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu gạo tuy khá thuận lợi nhưng giá xuất khẩu tuy có tăng nhưng mức tăng thấp hơn chi phí đầu vào, do vậy mà nhiều doanh nghiệp có ký hợp đồng trước mà không có nguồn hàng dự trữ đã phải xuất khẩu dưới giá vốn, thua lỗ nặng", ông Thành phân tích.  

Riêng đối với Công ty Phước Thành IV, ông Thành cho hay tuy đã ký kết được giá xuất khẩu hơn 500 USD/tấn đối với gạo OM18, Đài Thơm. Mức giá này tuy chưa bằng năm 2018, 2019 nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù xuất khẩu được giá tốt như vậy nhưng do giá lúa, gạo nguyên liệu tăng cao nên mức lợi nhuận của doanh nghiệp không bằng cùng kỳ.

Xung quanh câu chuyện về tình hình xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trong những tháng đầu năm nguồn cung nguyên liệu lúa, gạo ổn định. Công ty Trung An cũng đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu trên 45.000 tấn gạo. Đồng thời, vào tháng 4 vừa qua, Công ty cũng đã trúng thầu xuất khẩu 11.347 tấn gạo lức hạt dài sang thị trường Hàn Quốc với giá khá tốt, gần 600 USD/tấn.

Mặc dù hoạt động xuất khẩu khá thuận lợi, nhưng theo ông Bình, do chi phí vật tư đầu vào, lãi vay tăng nên mức lợi nhuận ròng của Công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Thống kê từ VietstockFinance, trong quý I/2023, dù giá gạo xuất khẩu tăng liên tục nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gạo có xu hướng "đi ngược". Trong số 9 doanh nghiệp ngành gạo công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, chỉ có 2 doanh nghiệp tăng lãi, 4 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và 1 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.

Trong khi đó, theo nhiều nông hộ trồng lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa Đông xuân vừa thu hoạch xong có tăng hơn từ 500 – 1.000 đồng/kg so với vụ Đông xuân trước. Tuy nhiên, do chi phí vật tư, vận chuyển, nhân công… tăng đã làm giảm lợi nhuận của người trồng lúa so với vụ trước.

ung dung tien bo san xuatGiảm diện tích gieo trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị là mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng tới. Ảnh HX

Bao giờ giá trị hạt gạo xuất khẩu mới tăng?

Ngày 26/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 583/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược).

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.

Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng cao và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2023 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030. Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.

Chia sẻ với Nhadautu.vn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định, Quyết định số 583/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 là định hướng rất đúng đắn, phù hợp với xu hướng sản xuất, xuất khẩu hiện nay.

Việc tái cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng giảm sản lượng, nâng cao chất lượng và giá trị chính là lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả, lợi nhuận cho các "mắt xích" tham gia chuỗi ngành hàng này.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan