CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025: Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững

Diễn đàn tập trung thảo luận về những thách thức, cơ hội và giải pháp để ngành công nghiệp Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng cao, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường và phát triển bền vững…

Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 với chủ đề: "Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times tổ chức, diễn ra vào sáng 9/7/2025, với sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Diễn đàn có sự tham dự của các Bộ, ngành và hơn 20 diễn giả là đại diện đến từ: ADB, GGGI, CCIFV, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu ngành như: AMATA, KN Group, Panasonic, CNCTech, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Thép, VietCycle, VERTZERO, JAPI Food...

Tại diễn đàn, các đại biểu là đại diện cho các ngành, lĩnh vực, cùng lãnh đạo doanh nghiệp, khu công nghiệp tập trung trao đổi, thảo luận, nhìn nhận về vai trò của ngành công nghiệp; đồng thời tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, đột phá để xây dựng nền công nghiệp Việt Nam vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao, vừa phải đảm bảo môi trường xanh, bền vững.

Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 được tổ chức với bốn mục tiêu chính:

1/ Tái định nghĩa khái niệm tăng trưởng xanh trong công nghiệp, làm rõ cách thức áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững vào thực tiễn sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

2/ Phân tích sâu sắc về xung đột và tiềm năng hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng cao và yêu cầu phát triển bền vững, từ đó tìm ra con đường cân bằng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

3/ Đề xuất các mô hình tăng trưởng bền vững cụ thể và khả thi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, mô hình các Khu công nghiệp thế hệ mới đang nổi lên như một hạ tầng tuần hoàn lý tưởng nhất.

4/ Thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp xanh một cách thực chất và hiệu quả.

TS. Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 ngày 9/7/2025.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, khẳng định: “Ngành công nghiệp giữ vai trò then chốt trong tiến trình phát triển của nền kinh tế. Tính đến năm 2024, công nghiệp chiếm hơn 31% trong GDP. Dự kiến, tỷ trọng này sẽ không nhiều hơn nữa bởi các ngành dịch vụ phát triển, nhưng công nghiệp vẫn là then chốt, quyết định câu chuyện “xanh” hay “không” của nền kinh tế”.

Vì vậy, theo T.S Chử Văn Lâm, phát triển nhanh và hài hòa chính là một xu thế tất yếu. Nếu chúng ta không có chứng chỉ về sản phẩm xanh, thì không thể hội nhập được với thế giới, không thể mang sản phẩm bán cho thị trường thế giới được. Đây vừa là yêu cầu lại vừa là nhu cầu nội thân của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh. Các cam kết quốc tế, như cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26, cùng với các cơ chế như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, đã đặt ra một áp lực mới cho các doanh nghiệp. Phát triển xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, nhấn mạnh rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải thay đổi. Thay vì đánh đổi giữa tăng trưởng và môi trường, lời giải nằm ở việc tách rời (decoupling) tăng trưởng kinh tế khỏi việc khai thác tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là con đường duy nhất để Việt Nam vừa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vừa đảm bảo một tương lai bền vững.

TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho hay Việt Nam cần tới 360 tỉ USD để hướng tới Net Zero. Về mục tiêu và cam kết Việt Nam đặt ra, tăng công suất điện mặt trời lên 73 GW vào 2030 (gấp 5 lần mục tiêu trước); điện gió tăng từ 21 GW lên 38 GW; ưu tiên hiện đại hóa lưới điện, triển khai 18 dự án thủy điện tích năng. Về giao thông, Việt Nam tập trung triển khai kế hoạch hành động khử carbon, tập trung vào xe điện và giao thông công cộng. Về nông nghiệp cam kết giảm 30% khí mê-tan vào 2030 so với 2020 (theo COP26)…

Tại phiên thảo luận thứ nhất trong khuôn khổ của Diễn đàn, các lãnh đạo doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp chủ lực đã chia sẻ những góc nhìn thực tiễn về quá trình chuyển đổi xanh.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành, Tổng công ty May 10, cho biết doanh nghiệp của bà bước vào hành trình chuyển đổi xanh không chỉ vì áp lực từ thị trường mà còn từ nhận thức nội tại. Bà khẳng định rằng nếu không chuyển đổi, doanh nghiệp rất khó để hội nhập quốc tế.

Đối với ngành thép, một ngành có mức phát thải cao, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Thép Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chia sẻ rằng áp lực lớn nhất đến từ các thị trường xuất khẩu và các quy định về môi trường trong nước. Ông nhấn mạnh rằng để chuyển đổi thành công, ngành thép cần một nguồn “năng lượng xanh” với giá cả hợp lý, và đây là một trong những yếu tố then chốt.

Dưới góc độ của ngành nhựa và tái chế, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vietcycle và Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng kinh tế tuần hoàn là con đường tất yếu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang đối mặt với những thách thức về khung pháp lý. Các chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và các tiêu chuẩn cho nhựa tái sinh cần được hoàn thiện để tạo điều kiện cho ngành phát triển.

Bà Nguyễn Phương Nga, Phó Tổng giám đốc CNC Tech Group, chia sẻ rằng đối với một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, việc áp dụng công nghệ xanh và phát triển bất động sản công nghiệp xanh là yếu tố tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư FDI chất lượng cao từ Mỹ, châu Âu và các nước phát triển khác.

Tại phiên thảo luận thứ hai, các đại biểu tập trung vào mô hình Khu công nghiệp xanh, được xem là hạ tầng tối ưu cho tăng trưởng công nghiệp bền vững. Các chuyên gia và nhà phát triển khu công nghiệp đều đồng tình rằng mô hình này không chỉ là một xu hướng mà còn là lời giải cho bài toán hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường.


Theo ông Nguyễn Thế Hùng, mô hình khu công nghiệp xanh không chỉ dừng lại ở việc trồng cây xanh mà cần phải hướng tới một hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể tuần hoàn tài nguyên, chia sẻ năng lượng và tối ưu hóa logistics. Các khu công nghiệp thế hệ mới cần được thiết kế thông minh, nơi dòng điện mặt trời chạy dọc mái nhà xưởng, nước thải được tái sử dụng ngay trong nội khu, và các hoạt động xử lý rác được tích hợp.

Dưới góc độ quốc tế, ông Joon-han Kim, Trưởng đại diện quốc gia của Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng đang đối mặt với bài toán “con gà quả trứng” giữa chính sách và hành động của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một khung chính sách rõ ràng, ổn định và các cơ chế hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ xanh.

Các nhà phát triển khu công nghiệp như ông Đỗ Quang Hưng (Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng) và ông Trần Tấn Sỹ (K&N Holdings) cũng chỉ ra những khó khăn thực tiễn. Việc dành ra 20-25% diện tích cho cây xanh, đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại và năng lượng tái tạo đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp rất cần những cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai để có thể triển khai các mô hình khu công nghiệp sinh thái một cách hiệu quả.

Kết thúc diễn đàn, các đại biểu đã đi đến một kết luận chung rằng để ngành công nghiệp Việt Nam có thể chuyển đổi xanh thành công và hài hòa được mục tiêu tăng trưởng, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cả chính phủ và doanh nghiệp. “Chính sách”, “cơ chế”, và “đơn giản hóa thủ tục” là những từ khóa được lặp lại nhiều lần.

Theo đó, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, xây dựng một hành lang pháp lý nhất quán, các chính sách ưu đãi hấp dẫn và một cơ chế hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần có một sự thay đổi trong tư duy, xem chuyển đổi xanh không phải là “gánh nặng” chi phí, mà là một cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị mới và phát triển bền vững trong dài hạn.

Với những tiềm năng về năng lượng tái tạo, vị trí địa lý chiến lược và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thành công “chuyển đổi kép’ - vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh, để không chỉ đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội, mà còn khẳng định vị thế của một quốc gia văn minh, có trách nhiệm với môi trường trên trường quốc tế.

Sự kiện sẽ được phát sóng trên các nền tảng của VnEconomy: VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy, Youtube VnEconomy và được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và phương tiện truyền thông số của Tòa soạn.

Video nổi bật