CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Hôm nay (17/4), TAND cấp cao tại TPHCM ban hành quyết định đưa vụ sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) và các đơn vị liên quan ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tân Châu
Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu từ ngày 6/5 và kết thúc vào ngày 12/5. HĐXX do thẩm phán Chung Văn Kết làm chủ tọa, hợp cùng các thẩm phán Phạm Công Mười, Hoàng Minh Thịnh, Cao Văn Tám (dự khuyết).
HĐXX cũng triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và gần 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Theo HĐXX phúc thẩm, có 7/15 bị cáo trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là: Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil, án sơ thẩm tuyên 30 năm tù cho 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" và "Đưa hối lộ"); Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, án sơ thẩm 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí");
Bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư tỉnh Bến Tre, cựu Chủ tịch VietinBank ) bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt 28 năm tù chung về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”); Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương 7 năm tù về tội "Nhận hối lộ"); Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ”); Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương 4 năm tù về tội “Nhận hối lộ”).
Ông Lê Đức Thọ tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tân Châu
HĐXX phúc thẩm cũng cho biết, ông Mai Tuấn Kiệt là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo bản án sơ thẩm.
Theo nội dung bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên ngày 29/11/2024, Công ty Xuyên Việt Oil của bà Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước 1.463 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ Quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng. Bà Hạnh có 22 lần đưa hối lộ với tổng số tiền gần 32 tỷ đồng cho 8 cá nhân.
HĐXX sơ thẩm cũng tuyên buộc bà Hạnh bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án là trên 1.700 tỷ đồng; tiếp tục kê biên 11 bất động sản; phong tỏa 36 tài khoản của bà Hạnh; tạm giữ số tiền 700 triệu đồng bà Hạnh và các bị cáo khác nộp để đảm bảo thi hành án.
Phòng xử án phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tân Châu
Về cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, từ năm 2018, Công ty Xuyên Việt Oil của bà Hạnh có quan hệ tín dụng với một chi nhánh ngân hàng của VietinBank nơi ông Thọ làm Chủ tịch HĐQT. Để được cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil, bà Hạnh đã nhờ ông Thọ giúp.
Khi ông Thọ được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bà Hạnh thành lập Công ty CP Xuyên Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn tại chi nhánh ngân hàng VietinBank nói trên. Ông Thọ đã tác động ngân hàng này để cho bà Hạnh vay tiền. Chi nhánh Ngân hàng VietinBank tại Bến Tre đã 20 lần giải ngân vốn vay cho Công ty Xuyên Việt Oil với tổng số tiền 892 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cũng xác định, ông Lê Đức Thọ nhận hối lộ từ bà Hạnh 600.000 USD và nhiều món quà có giá trị lớn khác.
Ngoài án tù, HĐXX sơ thẩm còn tuyên buộc ông Lê Đức Thọ nộp lại 1,47 triệu USD, 300 triệu đồng; tiếp tục tạm giữ hơn 440.000 USD; 25.6 tỷ đồng và 1 sổ tiết kiệm để đảm bảo thi hành án.
HĐXX sơ thẩm cũng tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước một ô tô Mercedes Benz S450 ; 5 đồng hồ Patek Philippe là những tài sản ông Thọ được bà Mai Thị Hồng Hạnh tặng.
HĐXX sơ thẩm cũng tuyên trả lại cho ông Thọ 1 laptop, 1 iPad, 9 điện thoại di động, 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 8 đồng hồ, 2 bộ golf hiệu Honma Beres, 97 miếng vàng thu giữ trong quá trình điều tra, 133 sổ tiết kiệm vì không liên quan đến hành vi phạm tội.