CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nợ xấu cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh

Invest Global 09:27 17/11/2023

Một số ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp đều có mức tăng tỷ lệ nợ xấu đáng kể trong quý III/2023, với đặc điểm chung của nhóm này là dư nợ cho vay các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao. Đồng thời, các ngân hàng tập trung vào bán lẻ, cho vay mua nhà, ô tô cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh.

Tại báo cáo cập nhật 9 tháng đầu năm 2023 vừa công bố, Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá ngành ngân hàng đã trải qua giai đoạn khó khăn khi chất lượng tài sản kém, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm và lợi nhuận suy yếu. Trong đó, rủi ro suy giảm chất lượng tài sản lan truyền từ các doanh nghiệp bất động sản sang tập khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Cụ thể, các nhà băng tập trung bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ như: NCB, OCB, VIB, TPBank, HDBank ghi nhận nợ xấu tăng mạnh từ cho vay mua nhà và vay mua ô tô, cũng như từ chủ đầu tư bất động sản và công ty xây dựng.

-3602-1700128213.jpg

Các ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ghi nhận tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng đáng kể so với mức trung bình ngành.

Các ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng như MB, VPBank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng đáng kể so với mức trung bình ngành khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tới thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng.

Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn tương đối ổn định với tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng khoảng 0,5% nhờ tập khách hàng doanh nghiệp lớn và đa dạng. 

Khảo sát của VnBusiness tại báo cáo tài chính quý III/2023 của các ngân hàng cũng cho thấy nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng mạnh.

Điển hình, ngân hàng có mức tăng trưởng nợ xấu nhiều nhất trong quý III là TPBank, từ 0,84% cuối năm 2022 lên 2,2% cuối quý II/2023 và 3% vào cuối quý III/2023; ACB cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể, từ 1,07% cuối quý II/2023 lên 1,21% cuối quý III/2023.

Đáng chú ý, một số ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp đều có mức tăng tỷ lệ nợ xấu đáng kể trong quý III/2023, với đặc điểm chung của nhóm là dư nợ cho vay các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối quý III rất cao so với đầu năm là SHB (hơn 100%), Techcombank (hơn 50%), MBBank (hơn 50%).

VIS Rating kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu mới hình thành sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng dần cải thiện khi điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Các ngân hàng quốc doanh và ACB, với lịch sử duy trì chất lượng tài sản ổn định, sẽ dẫn dắt sự phục hồi của ngành.

Còn tại báo cáo phân tích kết quả kinh doanh ngân hàng quý III/2023 vừa được Chứng khoán VNDirect phát hành, các chuyên gia cũng cho rằng "chất lượng tài sản vẫn cần chú ý".

Theo VNDirect, tỷ lệ nợ xấu của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên 2,24% tại cuối quý III/2023 - mức cao nhất kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, điểm tích cực được VNDirect chỉ ra là tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) chỉ giảm nhẹ xuống còn 94% vào cuối quý III/2023, so với 98% vào cuối quý II liền trước và bằng với mức cuối năm 2020. Điều này cho thấy bộ đệm dự phòng tốt hơn của ngành trong những năm qua.

Ngoài ra, VNDirect nhận thấy có một tín hiệu tích cực khi tổng % nợ nhóm 2 giảm đã xuống còn 2,3% vào cuối quý III/2023 so với 2,5% vào cuối quý II, cho thấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn đang khó khăn, công ty chứng khoán này cho rằng chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng những quý tới.

Các nhà phân tích của VIS Rating dự báo 17/27 ngân hàng được theo dõi sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.

Trong bối cảnh đó, các công ty phân tích thị trường dự báo lợi nhuận năm nay của nhiều ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu và sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngân hàng.

Theo VIS Rating, một số ngân hàng tư nhân sẽ khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng đầu năm, chi phí tín dụng tăng cao khi có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản đáng kể hơn. Ngược lại, những ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) cải thiện mạnh và đặt kế hoạch tăng trưởng thận trọng vẫn đang trên đà hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023.

Tuy nhiên, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM được cải thiện khi giảm nhanh hơn so với lãi suất cho vay. Đồng thời, nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

Thanh Hoa