CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường Việt vẫn hấp dẫn dòng vốn ngoại

Invest Global 15:57 05/05/2021

Mặc dù được đánh giá là đã không còn sức ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng động thái bán ròng trong hơn 1 năm qua của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là “điểm gợn” đối với tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, cục diện có thể thay đổi khi xuất hiện dòng tiền ngoại mới.

Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, trong năm 2020 các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 39.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đà bán ròng này cũng được nối dài trong 3 tháng đầu năm 2021 với tổng giá trị là hơn 18.500 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường.

Vẫn đang trong giai đoạn “vàng”

Tuy nhiên, chỉ trong vòng gần 2 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhiều kỷ lục khi chưa bao giờ lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới nhiều như thế (113.875 tài khoản trong tháng 3). Có lẽ, cũng chưa bao giờ nhà đầu tư cá nhân mua ròng nhiều như hiện nay khi nhiều phiên ghi nhận thanh khoản vượt 20.000 tỷ đồng và Vn-Index chinh phục nhiều đỉnh cao như những phiên giao dịch tháng 4 vừa qua.

Năm 2021, nhiều dòng vốn ngoại đầu tư ròng sẽ sớm trở lại khi tổ chức xếp hạng MSCI chính thức nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo nhận định của ông Lê Anh Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital – VFM, dòng vốn ngoại bị rút ra mà thị trường không bị giảm đó là tín hiệu rất tốt cho trung và dài hạn. Việt Nam đang ở cùng giai đoạn cách đây 10, 15 năm với Trung Quốc, Thái Lan. Một giai đoạn vàng để nhà đầu tư cá nhân bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán.

Theo lý thuyết đầu tư, một ngưỡng kháng cự mạnh khi vượt qua được sẽ trở thành một ngưỡng hỗ trợ khá vững chắc. Sau khi vượt qua 1.200 điểm, Vn-Index bây giờ đang ở trạng thái giao dịch không có đỉnh.

Tại một báo cáo của Công ty chứng khoán SSI còn chỉ rõ, các số liệu vĩ mô cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. “Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn trong dài hạn”, SSI khẳng định.

Một yếu tố quan trọng khác cho triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là thanh khoản còn dư địa để tiếp tục tăng dự trên mối tương quan của GDP giữa Việt Nam và Thái Lan.

Theo đó, GDP của Việt Nam hiện nay bằng khoảng 2/3 so với Thái Lan, trong khi quy mô giao dịch trung bình mỗi ngày của thị trường chứng khoán nước này là 3 tỷ USD. Do vậy, giá trị giao dịch lý tưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam phải lên tới 2 tỷ USD/phiên.

Theo đánh giá của các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhóm hồi phục nhanh nhất trên thế giới. Tuy mức P/E của Vn-Index cao hơn mức P/E bình quân 5 năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Khả năng dịch chuyển vốn để đón đầu xu thế nâng hạng thị trường chứng khoán (hiện Việt Nam thoả mãn 7/9 điều kiện của FTSE Russell đưa ra).

Hút vốn từ quỹ mới

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), khối ngoại mới chỉ rút khoảng 3% trong tổng số cổ phiếu Việt Nam đang nắm giữ. Điều đáng nói, lượng tiền mặt đang được giữ trong tài khoản của khối ngoại ghi nhận khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 ở mức 1,2 tỷ USD. Điều này chứng tỏ, lượng vốn lớn kể trên đang chờ cơ hội để giải ngân vào thị trường.

Theo ông Nguyễn Thế Minh- Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, quý I/2021 ghi nhận sự lên ngôi của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước nhưng khối ngoại đang dần trở lại và xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể duy trì lại trong quý II/2021.

Thông tin đáng chú ý nhất là việc quỹ Fubon ETF Vietnam (Đài Loan) đã huy động ròng được hơn 4.200 tỷ đồng trong đợt phát hành lần đầu (IPO) vào đầu tháng 4/2021 vừa qua. Việc huy động ròng từ quỹ này sẽ đóng góp tích cực, đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn. Quy mô kỳ vọng của Fubon ETF có thể lên đến hơn 8.000 tỷ đồng trong những tháng tới.

Do quỹ này tham chiếu chỉ số FTSE Vietnam 30 Index nên các chuyên gia kỳ vọng dòng vốn “khủng” nói trên sẽ tạo nên sự khởi sắc cho nhóm cổ phiếu VN30 (chiếm 40-50% giá trị giao dịch của Vn-Index).

Cũng theo ông Minh, hai quý đầu năm cũng là phép thử cho đà hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, du lịch và giải trí. Ngoài ra, giá hàng hóa thế giới có thể hạ nhiệt kể từ tháng 5, kéo theo đó lạm phát cũng sẽ hạ nhiệt cho nên dòng tiền ngoại có thể sẽ sớm quay trở lại thị trường.

Minh chứng rõ ràng nhất là sau số liệu vĩ mô quý I được công bố, các quỹ ETF đã có dòng tiền vào trở lại khá tốt trong tuần đầu tháng 4.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định, năm 2021, nhiều dòng vốn ngoại đầu tư ròng sẽ sớm trở lại khi tổ chức xếp hạng MSCI chính thức nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm được dòng vốn của các quỹ đầu tư.

Chưa kể, sau khi Vn-Index đã chính thức vượt đỉnh 1.200 điểm năm 2018, các quỹ đầu tư nước ngoài kỳ vọng Vn-Index có thể vươn lên mức 1.300-1.400 điểm trong năm 2021, thậm chí 1.800 điểm như quỹ Pyn Elite Fund dự báo.

Minh Khuê

Tài chính - Tín dụng