CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khủng hoảng thiếu chip sẽ sớm biến thành khủng hoảng thừa: nguy cơ đối diện các quốc gia sản xuất chất bán dẫn

Invest Global 14:29 15/03/2022

Trước bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao, một câu hỏi sống còn đặt ra cho tất cả bên liên quan là liệu khủng hoảng thiếu chip điện tử sẽ sớm đến hồi kết hay không.

Nguồn cung chip hạn chế không những đẩy giá các mặt hàng lên cao với người tiêu dùng, mà còn gây ra nhiều hệ lụy như gián đoạn hoạt động sản xuất và ảnh hưởng tới an ninh chuỗi cung ứng.

Nhu cầu chip tăng mạnh trong thời gian qua có nguyên nhân mang cả tính chu kỳ và cấu trúc . Về mặt chu kỳ, với khối lượng lao động và giáo dục chuyển lên môi trường trực tuyến, đại dịch đã cởi trói cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tăng phi mã. Xu hướng tích trữ trong 2021 cũng góp phần gây ra nghẽn cổ chai trong khâu vận chuyển. Về mặt cấu trúc, quá trình điện tử hóa và số hóa cần có những chất bán dẫn cao cấp do các xưởng bán dẫn tân tiến sản xuất ra. Những nhà xưởng này tình cờ lại tập trung ở Đài Loan. Trước bối cảnh này, các ông lớn trong ngành đã có hai cách ứng phó.

Cách đầu tiên là tăng mạnh vốn đầu tư vào các xưởng sản xuất. Ví dụ điển hình là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.(TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp này sẽ nâng mức chi phí tài sản cố định từ 30 tỷ đô vào 2021 lên 44 tỷ đô vào năm nay. Giải pháp này dựa trên kỳ vọng rằng nhu cầu bán dẫn toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.

Thứ hai, các chính phủ ở những nền kinh tế lớn đã triển khai các chương trình chi tiêu khổng lồ để thúc đẩy ngành sản xuất chip địa phương. Trung Quốc tiên phong trong cuộc đua này từ 2014 bằng việc thành lập liên tiếp hai quỹ đầu tư lớn nhằm hỗ trợ sáng kiến từ địa phương trong ngành công nghiệp bán dẫn, với tổng lượng đầu tư là 50 tỷ đô la Mỹ. Bắc Kinh coi đây là bước đi quan trọng để đưa Trung Quốc tiến xa trên nấc thang công nghệ.

Cùng với các gói hỗ trợ tương đương do Mỹ và châu Âu đưa ra cho nền kinh tế của mình, chương trình của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra khủng hoảng thừa trong dài hạn, đặc biệt là ở dòng sản phẩm cấp thấp. 

Sản lượng chip kém tân tiến chắc chắn sẽ tăng nhanh từ năm sau trở đi khi các khoản đầu tư dần được hiện thực hóa. Mặc dù TSMC đang ngày càng chú trọng vào gia công công nghệ cao, công ty vẫn dành đến 20% khoản chi tiêu đầu tư mới (tương đương 9 tỷ đô) vào sản xuất những loại chip kém tân tiến. Con số này cao hơn tổng cộng số liệu của tất cả nước châu Á còn lại, nơi các công ty cũng đang nối đuôi nhau gia tăng sản lượng chip.

United Microelectronics, tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn thứ ba thế giới với chuyên môn trong mảng chip matured node (nốt hoàn thiện) cũng sẽ tăng chi phí đầu tư 66%, lên mức 3 tỷ đô vào 2022. Công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC) đầu tư trung bình từ 4-5 tỷ đô trong giai đoạn 2019 - 2021 vào mature node. Điều này đồng nghĩa với sản lượng loại chip này sẽ gia tăng, tuy chỉ giới hạn trong mảng đồ điện gia dụng. 

Một động thái có ảnh hưởng khác đang diễn ra trong ngành công nghiệp bán dẫn là sự bành trướng ra nước ngoài của các nhà sản xuất chip qua các dự án greenfield hoặc các thương vụ thâu tóm. Giữa tình hình chuỗi cung ứng toàn cầu rung chuyển trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đưa ra với các công ty Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất bán dẫn bỗng ở vào thế nằm giữa hai làn đạn. Dù thế nào, Trung Quốc vẫn chiếm đến 35% nhu cầu chất bán dẫn thế giới mặc dù các công ty của nước này chỉ sản xuất ra 6% lượng cung toàn cầu. 

Trong bối cảnh đó, TSMC đã cho công bố kế hoạch đầu tư thêm vào Mỹ, Nhật Bản và có thể cả Đức và Cộng hòa Séc trong tương lai. Foxconn, tập đoàn với hơn 1 triệu nhân công Trung Quốc, cũng có động thái tương tự sau khi công bố kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất chip tại Ấn Độ.

Nhìn chung, sự thiếu hụt chip điện tử sẽ giảm dần trong 2022 nhờ vào sản xuất gia tăng ở châu Á, nhưng nhu cầu hứa hẹn sẽ lại lên cao vào 2023. Bởi phần lớn lượng

Bởi vì phần lớn lượng sản phẩm này đi vào chất bán dẫn mature node, nên chỉ có loại chip cao cấp là thiếu hụt nguồn cung.

Tất nhiên, cũng phải kể đến một nút thắt cổ chai tiềm tàng của cả ngành là nguồn cung đất hiếm và một số nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn, điều có thể bị ảnh hưởng do diễn biến địa chính trị.

Một số rủi ro khác bao gồm biến đổi khí hậu, các mục tiêu giảm xả thải và giá nguyên liệu tăng cao. 

Tuy nhiên, tựu trung lại, lượng đầu tư lớn vào chất bán dẫn mature node sẽ dẫn đến một tình thế hai mặt trong thị trường bán dẫn: nguồn cung các loại chip thô sơ tăng mạnh (nếu tình hình chính trị và nguồn cung thuận lợi), trong khi các loại chip tân tiến nhất, cần thiết hơn cả cho công nghệ mới thì lại hiếm hoi. 

Điều này sớm muộn cũng dẫn đến thừa sản lượng ở khu vực lớn nhất trong ngành bán dẫn. Cuối cùng, chỉ có những nhà sản xuất chuyển đổi sang thị trường cao cấp như TSMC mới có thể mong chờ lợi nhuận tăng. 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan