CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Những kiểu đa cấp tiền số tại Việt Nam

Invest Global 10:16 28/07/2021

Các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng tại Việt Nam sử dụng tiền số như một tấm bình phong cho hoạt động kêu gọi vốn từ nhà đầu tư.

Các mô hình đa cấp biến tướng lừa đảo xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000. Nhưng khi đó các nhóm đa cấp biến tướng chủ yếu sử dụng mặt hàng như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm để làm bình phong. Trong những năm gần đây, các mô hình đa cấp dùng tiền số như một loại sản phẩm mới để chiêu dụ người tham gia.

Khi cơn sốt Bitcoin xuất hiện vào những năm 2017, nhiều người quan tâm tới hình thức đầu tiền số nhưng không có kiến thức đã bị lôi kéo vào các sàn tiền số đa cấp biến tướng.

Cho vay và ủy thác đầu tư

Đây là hình thức sơ khai nhất và đại diện tiêu biểu là Bitconnect, dự án tiền điện tử ra đời vào khoảng 2016. Bitconnect hoạt động theo hình thức quỹ đầu tư tài chính ủy thác, có nghĩa là người chơi cho vay tiền và nhận lãi hàng ngày. Ngoài ra, số tiền gốc cũng được nhân lên dựa theo giá trị của đồng Bitconnect.

Đồng Bitconnect mất 90% giá trị chỉ trong 24 giờ vào đầu 2018. Ảnh: Ngô Minh.

Mức giá ban đầu của mỗi Bitconnect chỉ ở mức 0,12 USD, nhưng lúc chạm đỉnh lên tới hơn 400 USD, giá trị tăng 3.500 lần. Chính điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư "mờ mắt" vì siêu lợi nhuận mà đầu tư vào dự án.

Không giống như Bitcoin hay các đồng tiền số khác, Bitconnect không được xây dựng trên nền tảng công nghệ mà là một mô hình đa cấp kim tự tháp. Dự án khuyến khích nhà đầu tư lôi kéo thêm người tham gia vào hệ thống để nhận được các mức hoa hồng.

Đến ngày 17/1/2018 khi sàn Bitconnect sập, giá trị của đồng Bitconnect đã giảm từ 330 USD xuống còn 21 USD một đơn vị chỉ trong 24 giờ. Vốn hóa thị trường của đồng này cũng bốc hơi từ 2 tỷ USD xuống chỉ còn 120 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư Việt tham gia sàn Bitconnect đều gần như mất trắng.

ICO - Huy động vốn

ICO là hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư bằng cách phát hàng mã token, một dạng trái phiếu điện tử. Số tiền người chơi nạp vào sẽ được dùng đầu tư vào dự án kinh doanh để sinh lời. Khi sinh lời đủ, các mã token được dùng để đổi lấy tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain.

Thực chất trong giai đoạn kêu gọi vốn, hình thức biến tướng này không khác gì mô hình Ponzi, lấy tiền người vào sau nuôi người trước. Vì thế tình trạng chào mời, lôi kéo người khác tham gia chuỗi phát triển rầm rộ tương tự mô hình đa cấp. Thuật ngữ trong giới gọi những đồng này là “coin đa cấp”. 

iFan khẳng định hợp tác với nhiều ngôi sao nhằm chiếm lòng tin của nhà đầu tư.

Năm 2018, dự án iFan hoạt động dưới mô hình ICO, bị nhà đầu tư tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hơn 15.000 tỷ đồng. Dự án này yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token tối thiếu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất “khủng” lên đến hàng chục phần trăm mỗi tháng. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi người chơi mới để hưởng hoa hồng theo nhiều mức.

Ngoài ra, dự án này còn nâng các mức rút tiền ra. Tăng từ 0,02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) lên mức 0,8 BTC (gần 200 triệu đồng tại thời điểm 2018) để không cho nhà đầu tư lấy tiền ra khỏi hệ thống.

Binary Option - Quyền chọn nhị phân

Quyền chọn nhị phân hay BO (Binary Options) là mô hình cho phép người chơi đặt cược vào sự biến động trong tương lai của các loại tài sản như tiền số, vàng, cổ phiếu…

Thực tế, mô hình đa cấp nhị phân hoạt động theo hai cách chính là tuyển dụng người tham gia để hưởng hoa hồng hoặc đặt cược vào sự lên xuống của các loại tài sản.

Công an TP.HCM cảnh báo nền tảng BO Wefinex là mô hình kinh doanh đa cấp trái phép, núp bóng đầu tư tài chính. Nền tảng này cho phép người chơi thực hiện giao dịch cá cược trên sàn. Người tham gia sẽ đặt cược vào sự biến động của giá Bitcoin so với USD. Sau 30 giây, nếu dự đoán đúng thì người chơi được hưởng 95% số tiền đặt cược, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó.

Hình thức đầu tư vào Wefinex giống như trò cá cược tài xỉu.

Công an TP.HCM cho biết thời gian qua, Wefinex phát triển mạng lưới thành viên bằng cách kinh doanh theo phương thức đa cấp, dựa trên hoạt động bán quyền đại lý với giá 100 USD cho người tham gia. Khi trở thành đại lý, người chơi sẽ được hưởng các mức hoa hồng giao dịch và bán quyền đại lý trong hệ thống của mình.

Hiện mô hình nhị phân đang được kiểm soát chặt thậm chí là cấm tại nhiều nước. Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCAUK), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), chính phủ Canada... đều đã lên tiếng cảnh báo, ban hành lệnh cấm hoặc quản lý chặt mô hình nhị phân.

Defi - Tài chính phi tập trung

Đây là hình thức mới nhất, được một số "sàn tài chính" tại Việt Nam sử dụng để chiêu dụ nhà đầu tư trong năm 2021.

Defi là viết tắt của cụm từ Decentralized Finance – tài chính phi tập trung. Defi hướng tới việc xây dựng một nền tài chính phi tập trung dựa trên Blockchain và Smart Contract. Mọi giao dịch được thực hiện trực tiếp mà không cần thông qua ngân hàng hay các nền tảng tài chính tập trung truyền thống.

Tuy nhiên, Defi tại Việt Nam đang bị các nhiều nhóm lợi dụng trở thành vỏ bọc cho những dự án đa cấp biến tướng. Tiêu biểu là dự án BitcoinDefi đang được dư luận quan tâm gần đây với sự tham gia của Phạm Tuấn, người thân cận với Ngô Bá Khá, tức Khá “Bảnh”.

Phạm Tuấn (phải) là người tự giới thiệu mình là em trai Khá "Bảnh", quảng bá cho dự án đa cấp tài chính đầy rủi ro.

Dự án này tuyên bố giá trị của đồng BitcoinDefi đã tăng 64 lần chỉ sau 2 tháng ra mắt, đặt mục tiêu đạt 100 USD/BTCDEFI vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, đồng tiền này chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch mà chỉ có giá trị nội bộ. Một khi sàn nội bộ vỡ, nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng.

Ngoài nhận được tiền lãi, người tham gia dự án BitcoinDefi còn lôi kéo thêm người chơi để có hoa hồng lên đến 251% số tiền đầu tư. 

"Nghị định 40/2018/NĐ-CP cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp. Đáng lưu ý, nghị định này cũng chỉ ra đối tượng của hoạt động kinh doanh đa cấp chỉ là hàng hóa và cấm mọi hoạt động kinh doanh đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa", luật sư Vũ Tuấn, đại diện công ty Phan Law, phân tích.

Như vậy, tiền số không phải là hàng hoá. Do đó kinh doanh đa cấp tiền số bị cấm và không được cấp phép.

Pháp luật Việt Nam đưa ra các chế tài cả về hành chính và hình sự. Theo đó, cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp mà không có giấy phép có thể bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 5 năm theo Bộ luật hình sự 2015.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan