CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Sốc' với lãi, phí dịch vụ trên App cho vay online

Invest Global 12:26 04/12/2021

Nếu như khoảng 4-5 năm trước chỉ gặp các quảng cáo cho vay nặng lãi trên các cây cột điện, thì giờ đây không khó để thấy các quảng cáo cho vay online, không cần chứng minh thu nhập nhan nhản trên mạng xã hội Zalo, Facebook,…

Lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều người bị ảnh hưởng thu nhập, khó khăn tài chính, các App cho vay online lại càng hoạt động rầm rộ để lôi kéo người dùng. Lãi suất mời chào rất thấp, chỉ 0-0,15%/tháng. Tuy nhiên sự thực có như vậy?

Thử vào một App cho vay, để đăng ký, người dùng buộc phải khai báo đầy đủ các thông tin như họ tên, số CMND, địa chỉ nhà, địa chỉ công ty, số điện thoại nơi làm việc, địa chỉ và số điện thoại người thân,…Đồng thời, để đăng ký các khoản vay, những App này yêu cầu được truy cập vào danh bạ điện thoại của người dùng. Theo đó, khi người dùng không trả được nợ, bên cho vay sẽ đòi nợ bằng cách "khủng bố" điện thoại người vay, bạn bè và người thân, xuống tận nhà đe dọa, uy hiếp,...

Thử đăng ký một khoản vay nhỏ 1,25 triệu đồng trong 8 ngày, thì sau thời hạn vay, người dùng phải trả lại tới 2,5 triệu đồng cho App. Cụ thể, lãi suất khoản vay là 60.000 đồng, phí dịch vụ tới 325.000 đồng và phí bảo hiểm tới 865.000 đồng. Như vậy, phí và lãi tương đương tới hơn 4.500%/năm.

Trên một App khác, vay số tiền 1,1 triệu đồng trong 6 ngày thì lãi suất và phí lên tới 900.000 đồng, tương đương hơn 3.700%/năm. Có thể thấy, đa số những App cho vay có lãi suất lên tới hàng nghìn phần trăm một năm.

Nhiều người trong lúc cần tiền gấp đã đánh liều vay những App cho vay online này với lầm tưởng số tiền phải trả không lớn, vì khi chia ra số tiền theo từng ngày thì chỉ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, không ít người rơi vào kiểu vay tiền này mãi không thoát ra được. Đến hạn thanh toán, khi không trả được, nhiều người lại tìm đến App cho vay khác để vay và đảo nợ,…dần dần số tiền vay sẽ đội lên rất nhiều chỉ trong một thời gian ngắn.

Tại Hội thảo trực tuyến về Tín dụng đen mới đây, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết hiện các đối tượng cho vay ngày càng hoạt động tinh vi như núp bóng doanh nghiệp, cho vay trực tuyến, cho vay qua các ứng dụng hoặc lập tài khoản các hội, nhóm trên mạng xã hội để cho vay. Để tiếp cận, mời chào, dụ dỗ lôi kéo người có nhu cầu vay tiền bọn chúng dùng thủ đoạn như quảng cáo cho vay không cần phải thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân hoặc giấy chứng nhận về tài sản, giải ngân nhanh qua tài khoản ngân hàng với lãi suất thấp...

Trên thực tế, người vay phải trả mức lãi rất cao với các khoản tiền như tiền phí, tiền phạt quá hạn và thực chất đây là hình thức lách mức lãi mà pháp luật quy định cho phép. Thủ đoạn của nhiều nhóm đối tượng là lập ra các hợp đồng khống để thế chấp, mua bán tài sản của người đi vay gây bất lợi pháp lý cho người đi vay.

Trên không gian mạng cũng xuất hiện nhiều ứng dụng cho vay không rõ nguồn gốc và thường xuyên thay đổi họ tên, ẩn thông tin để né tránh sự quản lý, truy vết của các cơ quan chức năng. Khi người dân cài đặt các ứng dụng này vào điện thoại thì các ứng dụng ấy thường có khả năng truy cập thông tin cá nhân của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc sử dụng cho các mục đích trái pháp luật khác.

Nhiều công ty tài chính thành lập theo Luật Doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương cấp chứ không phải do NHNN cấp phép, thực hiện nhiều App cho vay online... với điều kiện vay vốn hết sức hấp dẫn, khiến người dân hiểu lầm những công ty này là các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng, mà còn liên quan đến cả hệ thống các tổ chức tín dụng.

Mặc dù từ đầu năm 2021 đến nay, các tổ chức đòi nợ thuê không còn được hoạt động nhưng tình trạng nhắn tin, gọi điện thoại, đe dọa sử dụng thông tin cá nhân để gây áp lực, đe dọa phát tán bôi nhọ nhân phẩm nhằm mục đích đòi nợ vẫn diễn biến rất phức tạp.

Theo thiếu tướng Hà, nguyên nhân để "tín dụng đen" còn tồn tại là nguồn thu lợi bất chính rất cao. Ngoài ra, do tâm lý nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của người dân nên đã tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đủ sức răn đe. Công tác tuyên truyền cũng chưa sâu sát, trong khi các đối tượng cho vay thì luôn thay đổi phương thức tiếp cận, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống của xã hội.

Thanh Anh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan