CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vaccine COVID-19 càng thiếu, càng rộ nạn lừa đảo

Invest Global 09:41 05/09/2021

Lợi dụng tình trạng thiếu vaccine COVID-19, nhiều nhóm tội phạm đang âm mưu lừa đảo cả các chính phủ khi chào bán những hợp đồng "ma" cung cấp vaccine COVID-19 hàng triệu USD.

Khoảng 400 lọ (tương đương 2.400 liều) đựng vaccine COVID-19 giả bị cảnh sát thu giữ tại một nhà kho ở thành phố Germiston (Nam Phi) vào tháng 11/2020 - Ảnh: Interpol

Theo Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), bọn tội phạm đã lợi dụng mọi giai đoạn của đại dịch COVID-19 để kiếm chác. Những nước đang "khát" vaccine rõ ràng dễ tổn thương hơn trước loại hình tội phạm này.

Lừa cả chính phủ

Tháng 6 năm nay, ông Kwon Young Jin - thị trưởng thành phố Daegu, Hàn Quốc - phải công khai xin lỗi do suýt bị lừa sau khi khoe được một công ty nước ngoài hứa hẹn cung cấp 30 triệu liều vaccine Pfizer trong 3 tuần. Trước đó, ông chỉ trích Chính phủ Hàn Quốc về chuyện mua vắc xin và gửi đề xuất hối thúc ký thỏa thuận cuối cùng.

Khoảng hai tháng sau vụ lừa đảo trên, đến giữa tháng 8, Interpol phát cảnh báo toàn cầu về việc các nhóm tội phạm có tổ chức đang tìm cách lừa gạt chính quyền các nước ký những hợp đồng giả mạo cung cấp vaccine COVID-19.

Interpol đưa ra cảnh báo này sau khi ghi nhận khoảng 60 vụ lừa đảo tại 40 quốc gia. Trong những vụ đó, các cá nhân làm việc trong bộ y tế và bệnh viện các nước nhận được lời chào mua vaccine COVID-19 thông qua các bên thứ 3 thay vì trực tiếp từ nhà sản xuất.

Thông thường, các đối tượng lừa đảo tự nhận là đại diện cho một nhà sản xuất vắc xin hoặc một cơ quan chính phủ đang tạo điều kiện phân phối vắc xin. Họ tiếp cận qua cả email công việc lẫn email cá nhân và điện thoại của "bên mua" tiềm năng.

Cảnh báo của Interpol gửi tới tới 194 quốc gia/vùng lãnh thổ dựa trên thông tin do chính các nhà sản xuất vaccine cung cấp. Cảnh báo nêu rõ những chiêu trò thường dùng của bọn lừa đảo, trong đó có sử dụng các trang web và tài khoản mạng xã hội giả.

Tháng 8 năm nay, báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ cũng có bài điều tra độc quyền về vấn đề này. Theo đó, nhiều cá nhân và tổ chức tự nhận có thể tiếp cận nguồn cung vaccine COVID-19 đã liên lạc với chính quyền ở vài chục nước nhằm ký những "hợp đồng ma" trị giá hàng triệu USD.

Theo WSJ, trong số những quốc gia đã bị bọn tội phạm nhắm đến có Hà Lan, Latvia, Pháp, Israel, Cộng hòa Czech, Áo, Argentina, Colombia, Brazil, Canada và Tây Ban Nha. Các vaccine COVID-19 được chào bán thuộc nhiều loại từ Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson cho tới AstraZeneca.

Trong một số trường hợp, các bên thậm chí đã bước vào giai đoạn đàm phán chi tiết hợp đồng nhưng sau đó bên mua phát hiện lừa đảo và hủy đàm phán.

Bộ An ninh nội địa Mỹ đã xác định được từ 50 - 75 tổ chức/đối tượng lừa đảo/bên môi giới đang tìm kiếm các chính phủ muốn mua vaccine. Chưa rõ đã có vụ lừa đảo nào thành công chưa, song những âm mưu này được nhận định nhắm đến các quốc gia đang phát triển - nơi nguồn cung vaccine COVID-19 còn rất hạn chế. 

Hợp tác chống lừa đảo

Thời gian qua, một loạt cảnh báo về các vụ lừa đảo liên quan COVID-19 đã được đưa ra. Từ việc tạo ra trang web và tài khoản mạng xã hội bán các thiết bị bảo hộ và vật tư y tế, sản xuất và giao vaccine giả cho tới tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ông Jurgen Stock, tổng thư ký Interpol, cho rằng cảnh báo của tổ chức này đã cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.

"Với tội phạm mạng, thông thường khối tư nhân có nhiều thông tin nhất về các vụ việc và xu hướng tấn công. Đó chính là những gì xảy ra trong các vụ lừa đảo vaccine gần đây" - ông Jurgen Stock nói.

Tổng thư ký Interpol nhấn mạnh: "Ngay cả khi một vụ lừa đảo thất bại, điều quan trọng cần làm là báo cho cảnh sát. Từ đó có thể xác định các đường dây tiềm ẩn cũng như cảnh báo cơ quan thực thi pháp luật về những mối nguy này".

Hiện nay, các nhà sản xuất khẳng định họ chỉ bán trực tiếp vaccine COVID-19 cho chính phủ các nước, không qua môi giới.

Ông Lev Kubiak, giám đốc an ninh của Công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ), cho biết hãng này ghi nhận ít nhất 86 vụ chào bán lừa đảo gửi đến chính quyền tại 45 quốc gia liên quan vaccine của họ.

Theo ông Kubiak, Pfizer đã chia sẻ thông tin đó cho cơ quan thực thi pháp luật, chính phủ các nước cũng như các nhà sản xuất vaccine là đối thủ của Pfizer. 

Các nước thận trọng

Brazil và Argentina khẳng định chỉ ký hợp đồng trực tiếp với nhà sản xuất vắc xin. Colombia cho biết họ từng được chào mua vaccine nhưng bên thứ 3 đã "bỏ của chạy lấy người" sau khi bị yêu cầu chứng minh rõ việc có trao đổi với nhà sản xuất.

Tại châu Âu, Pháp cho biết họ không đàm phán trực tiếp với các nhà phân phối vaccine mà thông qua Ủy ban châu Âu (EC). Latvia cũng khẳng định mua vaccine trong khuôn khổ hợp đồng do EC ký kết với nhà sản xuất.
(Theo Tuổi trẻ)

 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan