CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

4 vấn đề đặt ra với Quy hoạch điện VIII

Invest Global 09:18 18/11/2022

Toạ đàm có mục đích trao đổi, thảo luận, khuyến nghị chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như góp ý hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết, so với các Dự thảo trước đây, Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình Chính phủ vào ngày 11/11/2022 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo) đã có những điều chỉnh thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, là: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…”.

Đồng thời, Dự thảo mới đã hướng tới việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về cắt giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo kịch bản cơ sở của Dự thảo mới nhất, tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) tăng từ 18% năm 2030 lên 54,8% năm 2050, trong đó điện gió trên bờ đạt 11.905 MW (9,8%) năm 2030 lên đến 49.170 MW (13,3%) năm 2050; đến năm 2030 chưa phát triển điện gió ngoài khơi nhưng nguồn điện này sẽ đạt tới 46.000 MW (chiếm 12,5% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2050; điện mặt trời tập trung đạt 8.763 MW năm 2030 (7,2%) và tăng lên 100.651 MW (27,3%) vào năm 2050.

Mặc dù Dự thảo mới đã có những điều chỉnh đáng kể so với các dự thảo trước đây, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, thảo luận làm rõ để năng lượng tái tạo không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải nhà kính.

Thứ nhất, trong cả 3 kịch bản phụ tải của Dự thảo đều không phát triển điện mặt trời cho tới năm 2030 và tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030 chỉ đạt 18% (theo kịch bản cơ sở). Lộ trình như vậy đã hợp lý chưa và liệu có làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây lãng phí nguồn lực xã hội và nguồn tài nguyên đang được đánh giá là rất lớn của nước ta?

Thứ hai, là cơ chế giá đối với các dự án năng lượng tái tạo.

- Đối với các dự án chuyển tiếp, đang triển khai hoặc đã hoàn thành nhưng không kịp hưởng giá FIT, mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành, nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định, pháp lý cụ thể về việc đàm phán này.

- Với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, hưởng giá FIT, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư, đồng thời Bộ đề nghị Thủ tướng có quyết định bãi bỏ các Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37 và Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Như vậy, liệu các dự án này có bị điều chỉnh về giá mua điện hay thời hạn ưu đãi hay không? Hệ lụy của việc điều chỉnh chính sách ưu đãi này sẽ như thế nào?

- Với các dự án năng lượng tái tạo mới trong tương lai, tham gia thị trường điện cạnh tranh cần có một cơ chế giá như thế nào là tối ưu, đặc biệt với các nguồn năng lượng yêu cầu suất đầu tư cao như điện gió ngoài khơi?

Thứ ba, truyền tải điện đang là điểm nghẽn lớn. Trong bối cảnh nguồn lực của EVN có hạn, cần có chính sách, cơ chế gì để xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải điện? Mặc dù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, nhất là về giá truyền tải, quản lý chi phí đầu tư, quản lý nhà nước trong kiểm soát, đảm bảo an ninh lưới truyền tải khi cho tư nhân đầu tư.

Thứ tư, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn tới là rất lớn, cần có cơ chế, chính sách gì để huy động được nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ phát triển ngành năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng.

Là một lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng luôn được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét thông qua.

So với các bản trước, dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình Chính phủ vào ngày 11/11/2022 đã thể hiện xu hướng phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp hơn với cam kết của Việt Nam về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một lộ trình rõ ràng và khoa học, đồng thời tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta. Thực tiễn triển khai các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua, nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc, khiến nhiều dự án bỏ hoang, không khai thác hết công suất, nguy cơ lãng phí nguồn lực đất nước. 

Tham dự tọa đàm “Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội... và các chuyên gia năng lượng, tài chính, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Toạ đàm được tổ chức nhằm tạo ra không gian trao đổi, thảo luận, khuyến nghị chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 55 (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với đó là góp ý hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Thông tin về cuộc tọa đàm sẽ được tường thuật trực tiếp trên Nhadautu.vn và các cơ quan thông tấn, báo chí. Những khuyến nghị chính sách từ tọa đàm này sẽ được Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Môi trường kinh doanh