CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

‘Cởi trói’ năng lượng sạch và hàng không giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng lợi thế cạnh tranh

Invest Global 09:24 09/07/2024

Để tăng lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam thì việc khắc phục một số mặt hạn chế trong khâu chính sách là rất cần thiết, như việc việc ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp được ví như “cởi trói” thị trường năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là đạt chứng chỉ xanh trong sản xuất. Hoặc như lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không cũng cần được bãi bỏ bớt các quy định và thực hiện tự do hóa thị trường nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Nhân việc Chính phủ trong thượng tuần tháng 7/2024 đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), ông Aler Grubbs, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho rằng cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Từ nhu cầu phải đạt chứng chỉ xanh

Và khi được triển khai, thúc đẩy nhanh cơ chế DPPA, chính sách mới sẽ cho phép các DN Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo, giúp họ có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất xanh của DN. Qua đó các DN sẽ đạt được các chứng chỉ xanh khi gắn trên hàng hóa, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu (XK). Cho nên việc ban hành nghị định nêu trên được ví như “cởi trói” cho thị trường năng lượng tái tạo.

-3788-1720432287.png

Để đáp ứng yêu cầu của các nhà thu mua từ châu Âu đòi hỏi các DN Việt cần phải đạt chứng chỉ xanh thông qua việc sử dụng năng lượng sạch.

Chính vì vậy, theo ông Grubbs, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai sáng kiến ​​quan trọng như vậy và mở rộng tiếp cận của Việt Nam đối với năng lượng sạch và tái tạo.

Cần nhắc lại, trong Sách Trắng 2004 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có nêu rõ ngày càng có nhiều tập đoàn toàn cầu trực tiếp mua năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất điện độc lập tại Việt Nam. Họ cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình trong việc mua năng lượng tái tạo thông qua Hợp đồng Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA). Sự chắc chắn trong việc đảm bảo cung cấp “năng lượng xanh” giúp giải quyết nhu cầu đáp ứng các mục tiêu của DN.

Nên biết, EU (thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam) đang tiến tới áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), ảnh hưởng ít nhiều đến các DN xuất khẩu của Việt Nam (như những mặt hàng thép, nhôm, xi măng, phân bón). Cho nên nếu như các DN không tích cực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo thông qua DPPA để đạt tiêu chuẩn XK thì khó cạnh tranh, thậm chí là mất đơn hàng.

Theo giới chuyên gia, để hoạt động sản xuất của tất cả các DN xuất khẩu sử dụng năng lượng sạch là mục tiêu đầy thách thức, nhưng đây là mục tiêu đã trở nên phổ biến đối với các nhà thu mua lớn trên toàn cầu.

Vì thế, việc ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp với các tiêu chí phù hợp sẽ giảm bớt gánh nặng pháp lý cho các DN xuất khẩu muốn triển khai sử dụng năng lượng sạch “sau công tơ điện”.

Không chỉ “cởi trói” thị trường năng lượng tái tạo, ở một số lĩnh vực khác cũng cần được “cởi trói” từ khâu chính sách, để từ đó giúp cho các DN xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi hơn.

Chẳng hạn như lĩnh vực vận tải hàng không của Việt Nam (một lĩnh vực quan trọng trong logistics để hỗ trợ XK) được cho là đang đối mặt nhiều thách thức. Đặc biệt là vấn đề chi phí cao, cạnh tranh yếu do nguồn lực hạn chế, phải đối phó với tình trạng thiếu máy bay nghiêm trọng (mới đây Cục Hàng không Việt Nam cũng đã yêu cầu các hãng bay nội địa bổ sung số lượng máy bay).

Đến tự do hóa thị trường hàng không

Báo cáo cập nhật ngành vận tải hàng hóa hàng không trong tháng 7/2024 của Kirin Capital có dẫn lời chia sẻ của ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet, đó là thật đáng buồn khi các hãng hàng không Việt Nam hiện chỉ khai thác được khoảng 12% lượng hàng hóa quốc tế, còn lại 88% thị phần vẫn rơi vào tay các hãng hàng không nước ngoài. 

Thực trạng hiện nay cho thấy, các hãng hàng không trong nước vẫn chỉ chủ yếu vận chuyển bằng bụng máy bay khách hàng với tải trọng mỗi chuyến chỉ đạt 8 – 10 tấn. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã có máy bay loại Freighter, Boeing 747 – 400 tải trọng 100 tấn chuyên vận tải hàng hoá. Chính vì vậy để gia tăng năng lực cạnh tranh và hỗ trợ cho XK qua đường hàng không, các hãng bay trong nước cần phải có sự đầu tư bài bản.

Ngoài ra, Kirin Capital có dẫn lại đánh giá của eMarketer, cho rằng Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu trên thế giới, ngành vận tải hàng hóa hàng không sẽ là “chìa khóa” giúp cho thị trường TMĐT Việt Nam có thể vươn tầm trong toàn khu vực Đông Nam Á. Vì thế, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đang ngày càng nhận được sự quan tâm sát sao đến từ nhiều tay chơi lớn trong nước.

Do đó, Ts. Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT) nhấn mạnh Việt Nam cần tự do hóa hàng không nhằm tạo cú hích cho hoạt động thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tự do hóa thị trường hàng không sẽ mở rộng cửa hơn cho các hãng hàng không mới và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, buộc các hãng phải cải thiện dịch vụ, giảm chi phí và mở rộng đường bay.

Ts. Ribeiro cho biết các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều đã gặt hái lợi ích từ quá trình tự do hóa và bỏ bớt các quy định trong lĩnh vực hàng không. Cho nên các bên liên quan ở mọi cấp độ, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, hỗ trợ các biện pháp nhằm tự do hóa hơn nữa thị trường hàng không Việt Nam. Điều này sẽ cho phép Việt Nam tăng cường ngành hàng không, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nên lưu ý, ngành hàng không Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức vì các hãng hàng không bị hạn chế về tài chính khiến hoạt động bị ảnh hưởng theo, đồng thời phải đối phó với tình trạng thiếu máy bay nghiêm trọng. Pacific Airlines và Bamboo Airways đã phải cắt giảm đội bay do vấn đề tài chính, trong đó Bamboo Airways trả lại 22 máy bay để cơ cấu lại nợ như một phần trong kế hoạch tái tổ chức hoạt động kinh doanh. 

Xu hướng cắt giảm này thể hiện rõ ở đội bay của các hãng hàng không tại Việt Nam. Tính đến nay, tổng số máy bay đang được tất cả các hãng đang khai thác chỉ còn khoảng 160 chiếc, thiếu hụt 60-70 chiếc so với trước đại dịch Covid-19. 

Để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu tăng lợi thế cạnh tranh thông qua việc cải thiện thị trường vận tải hàng không của các hãng bay nội địa, giới chuyên gia khuyến nghị cần tập trung vào các biện pháp thúc đẩy mở rộng bền vững và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường hàng không Việt Nam. Chẳng hạn như đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, tiếp tục tham gia các hiệp định hàng không song phương và đa phương, loại bỏ các rào cản gia nhập ngành, sửa đổi quy định về sở hữu hãng hàng không, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường pháp lý, tài chính và hoạt động hỗ trợ.

                                                                                 Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia